Thay lọc huyết tương hiểu nôm na là loại bỏ một lượng huyết tương cũ và thay thế 1 lượng huyết tương khác trong máu người bệnh. Phương pháp này có ỹ nghĩa gì? Được thực hiện trong trường hợp nào và quy trình ra sao?
Bạn đang đọc: Tìm hiểu chi tiết về phương pháp thay lọc huyết tương
Thay huyết tương hay thay thế huyết tương, thay lọc huyết tương là phương pháp dùng máy móc để đưa máu ra ngoài, tách lọc huyết tương có yếu tố gây bệnh ra khỏi máu và đưa bằng huyết tương thay thế lại vào máu. Phương pháp này được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm, giúp bảo vệ tính mạng cho nhiều bệnh nhân. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về phương pháp thay thế huyết tương một cách chi tiết nhất.
Thay lọc huyết tương là gì?
Huyết tương là một thành phần trong máu, chiếm phần lớn máu, tồn tại ở dạng chất lỏng trong suốt, màu vàng. Nó bao gồm nước, muối khoáng, chất hữu cơ, protein và có nhiệm vụ vận chuyển các chất dinh dưỡng cùng hormone thiết yếu đi khắp cơ thể. Huyết tương cũng có tác dụng điều chỉnh mức độ pH, huyết áp, tham gia vào quá trình đông máu, chống nhiễm trùng…
Thay huyết tương là phương pháp dùng các thiết bị máy móc chuyên dụng để tách lọc huyết tương ra khỏi máu, thay thế lượng huyết tương chứa yếu tố gây bệnh bằng huyết tương bình thường và trả lại cơ thể. Quá trình thay lọc huyết tương được thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng gồm: Máy ly tâm dùng để phân tách các thành phần có tỷ trọng khác nhau trong máu bằng lực ly tâm và màng lọc phân tách huyết tương.
Khi nào bác sĩ chỉ định thay lọc huyết tương?
Liệu pháp thay thế huyết tương được chỉ định trong điều trị các bệnh tự miễn – khi cơ thể nhận diện nhầm một phần cơ thể là tác nhân nguy hiểm và tự tạo ra kháng thể để tấn công các mô khỏe mạnh của chính mình. Tùy vị trí mà hệ miễn dịch tấn công sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Những kháng thể này hiện diện trong huyết tương và thay huyết tương giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh tự miễn như: Globulin miễn dịch, lipoproteins, paraprotein, cytokines, các chất độc, các sản phẩm chuyển hóa… Ngoài ra, thay huyết tương cũng có tác dụng bổ sung chất bị thiếu hoặc bổ sung chất có lợi trong máu như ADAMTS13 hay các yếu tố đông máu.
Một số bệnh lý có thể được chỉ định điều trị bằng liệu pháp này như:
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu (TTP).
- Bệnh nhược cơ, đa xơ cứng.
- Viêm đa dây thần kinh hủy myelin cấp tính và mãn tính.
- Bệnh viêm tụy cấp do tăng Triglyceride máu.
- Thải ghép của các tạng đặc như thận, tim.
- Viêm tủy thị thần kinh.
- Suy gan cấp trong thời gian chờ ghép gan hay chờ gan phục hồi.
- Bệnh viêm cầu thận tiến triển qua trung gian kháng thể.
- Viêm cầu thận xơ hóa khu trú từng phần (FSGS).
- Hội chứng máu quá đặc.
- Chứng cryoglobulin máu và các bệnh hiếm gặp khác.
Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thay lọc huyết tương?
Để thay huyết tương đảm bảo tỷ lệ thành công cao, hạn chế tác dụng phụ và rủi ro ngoài mong muốn, trước khi thực hiện, bệnh nhân nên:
- Lưu ý chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm, chú trọng chất lượng các bữa ăn. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chọn thực phẩm giàu protein và ít photpho, natri, kali.
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, không sử dụng chất kích thích làm rối loạn giấc ngủ trước khi thay huyết tương.
- Uống nhiều nước cũng tốt cho cơ thể người bệnh cần lọc máu thay huyết tương.
- Có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ để tiêm phòng các loại nhiễm trùng thường gặp khi hút và đưa máu vào cơ thể.
- Tránh xa khói thuốc lá dù là hút thuốc chủ động hay hút thuốc bị động.
- Nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên thay đổi thời gian, nồng độ thuốc hay tạm dừng uống thuốc trước và sau khi thay lọc huyết tương hay không.
Quy trình thay lọc huyết tương diễn ra như thế nào?
Quy trình thay thế huyết tương sẽ diễn ra như sau:
- Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân nằm với tư thế thoải mái và phù hợp trên giường bệnh.
- Nhân viên y tế sẽ dùng một ống thông hay cây kim luồn vào tĩnh mạch chính của bên cánh tay nào có động mạch hoạt động mạnh. Cũng có những trường hợp, nhân viên y tế sẽ đưa ống thông luồn vào vị trí vai hay háng.
- Máu sẽ được lấy ra khỏi cơ thể, đưa vào máy móc chuyên dụng để phân tách huyết tương cũ.
- Một ống thông thứ 2 được đặt ở bàn chân hoặc cánh tay để truyền huyết tương hay dung dịch thay thế lại vào cơ thể.
Tìm hiểu thêm: Bà bầu có được dùng nước tẩy trang không?
Quy trình thay thế huyết tương có thể diễn ra trong vòng 1 đến 3 giờ đồng hồ. Bệnh nhân có thể phải lọc huyết tương 5 đợt mỗi tuần, tần suất sẽ khác nhau tùy tình trạng bệnh của mỗi người. Trong quá trình lọc, nhân viên y tế sẽ luôn theo dõi sát sao để xử lý bất kỳ vấn đề phát sinh nào một cách nhanh chóng nhất. Bệnh nhân sau khi được thay lọc huyết tương sẽ thấy sức khỏe tốt hơn sau vài ngày đến vài tuần tùy từng bệnh.
Tác dụng phụ và rủi ro khi thay lọc huyết tương
Có không ít người băn khoăn về những rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện liệu pháp này. Theo các bác sĩ, khi lọc huyết tương, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp với các triệu chứng như: Chóng mặt, nhìn mờ, ngất xỉu, ớn lạnh, co thắt dạ dày… Bác sĩ thường khuyên họ uống nhiều nước trước khi lọc huyết tương cũng là để ngăn ngừa tụt huyết áp. Nếu có bất kỳ cảm giác khó chịu nào, bệnh nhân cần thông báo ngay cho nhân viên y tế phụ trách theo dõi quá trình lọc huyết tương của mình.
Sau khi quá trình thay huyết tương hoàn thành, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi trong vài ngày. Bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên về chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc để người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, một số nguy cơ có thể xảy ra khi thay lọc huyết tương mà người bệnh cũng nên biết trước như:
- Nhiễm khuẩn tại vị trí đặt catheter lấy máu ra và đưa máu vào cơ thể trong quá trình lọc huyết tương.
- Bệnh nhân có thể bị đông máu nên bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc chống đông máu.
- Khi thay huyết tương, bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng với quả lọc hoặc dị ứng với các dung dịch thay thế huyết tương.
- Hạ canxi máu cũng là một tác dụng phụ có thể xảy ra.
>>>>>Xem thêm: Không dung nạp trứng là gì? Điều trị không dung nạp trứng như thế nào?
Thay lọc huyết tương được thực hiện đúng quy trình và được thực hiện bởi một ekip giàu kinh nghiệm sẽ không đáng lo ngại vì họ có thể xử lý tốt các vấn đề phát sinh. Cần lưu ý, liệu pháp này có tác dụng nhưng chỉ duy trì được tác dụng trong thời gian ngắn. Một số đối tượng không phù hợp với liệu pháp này như: Người có huyết động học không ổn định, dị ứng với heparin, người bị hạ canxi máu…
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm