Não úng thủy bẩm sinh là một trong những căn bệnh gây nguy hiểm, rất khó chẩn đoán tình trạng bệnh và khó điều trị dứt điểm. Não úng thủy phát triển ngay từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ hoặc sau khi sinh mới bộc lộ. Vậy làm sao để phát hiện não úng thủy bẩm sinh?
Bạn đang đọc: Não úng thủy bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Não úng thủy là tình trạng dị tật ống thần kinh, đa số các trường hợp bệnh đều do bẩm sinh. Não úng thủy bẩm sinh nếu không được chẩn đoán và làm các phương pháp điều trị kịp thời sẽ có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sau này của bé. Vậy làm gì để phát hiện trẻ có bị não úng thủy bẩm sinh không? Tìm hiểu ngay các dấu hiệu bệnh trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Não úng thủy bẩm sinh là gì?
Tình trạng não úng thủy xảy ra khi dịch não tủy (CSF) được sản xuất dư thừa quá mức, gây ra áp lực lên não, khiến cho sọ và não có xu hướng phình to hơn so với người bình thường. Dịch não tủy là một chất lỏng có màu trong suốt, được tiết ra từ các đám rối màng đệm trong hệ thống não thất. Chúng thường di chuyển từ não thất đến các bộ phận của hệ thần kinh, bao bọc xung quanh tủy sống và não. Dịch não tủy có vai trò là chất dinh dưỡng của não, điều chỉnh áp suất trong não, đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh khỏi những tác động vật lý đến từ môi trường xung quanh.
Nguyên nhân gây ra não úng thủy bẩm sinh
Não úng thủy bẩm sinh là tình trạng mắc bệnh não úng thủy xảy ra ở bào thai trẻ. Bên cạnh việc phát hiện tình trạng não úng thủy của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh, thì có một vài trường hợp trẻ không có dấu hiệu bệnh khi chào đời. Chỉ một khoảng thời gian sau đó hoặc thậm chí kéo dài đến khi trưởng thành, não úng thủy phát triển trong âm thầm mới bộc lộ ra ngoài. Những trường hợp này vẫn được coi là tình trạng não úng thủy bẩm sinh.
Sự bất thường trong yếu tố di truyền hoặc do sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền với môi trường xung quanh trong thời gian thai nhi hình thành và phát triển là nguyên nhân gây ra bệnh não úng thủy bẩm sinh ở bào thai. Một số nguyên nhân cụ thể được biết đến như:
- Gian não thất: Thai nhi bị dị tật bẩm sinh khiến kích thước của não thất lớn bất thường. Đây là nguyên nhân làm cho dịch não tủy bị rối loạn dòng chảy, gây ra não úng thủy.
- Hẹp cống não: Tình trạng này xảy ra khi các ống thông giữa các phần của não thất bị hẹp, dẫn đến dòng chảy của dịch não tủy bị cản trở. Từ đó khiến dịch não tủy bị ứ đọng.
- Nang màng nhện: Toàn bộ bề mặt não được bao phủ bởi một lớp màng – màng nhện. Màng này bao gồm nhiều túi nang (nang màng nhện) chứa dịch não tủy gộp thành và có khả năng liên kết với não thất. Sự phát triển bất thường của nang màng nhện có khả năng gây ảnh hưởng đến áp lực của dịch não tủy.
- Nứt đốt sống: Tình trạng dị tật bẩm sinh có liên quan đến ống thần kinh. Nứt đốt sống xảy ra khi cột sống hay gai xương của trẻ bị hở bẩm sinh, điều này gây ra sự phát triển bất thường của tủy sống và các phần còn lại của hệ thần kinh hay tình trạng não úng thủy bẩm sinh.
- Trong thời gian mang thai, mẹ bị nhiễm trùng: Nếu thai phụ gặp phải tình trạng nhiễm trùng trong khoảng thời gian mang thai, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như quai bị, rubella, sởi… thì nguy cơ trẻ bị mắc não úng thủy là rất lớn.
Triệu chứng não úng thủy bẩm sinh
Một số triệu chứng và dấu hiệu của não úng thủy bẩm sinh có thể quan sát ngay khi trẻ vẫn là bào thai hoặc sau khi sinh là:
- Chu vi vòng đầu to bất thường: Một trong những dấu hiệu đầu tiên và có khả năng nhận biết rõ nhất là chu vi vòng đầu của trẻ. Đầu trẻ sưng to lên một cách bất thường, làm mất cân bằng so với kích thước của cơ thể.
- Thóp đầu (sau, trước) có tình trạng căng phồng hoặc khi sờ vào cảm thấy căng mềm.
- Da đầu cổ mỏng và sáng bóng, thấy rõ tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch nổi.
- Tách xương sọ: Có vết nứt ở những đường nối xương sọ nằm dưới da hoặc xương sọ có xu hướng tách rời nhau.
- Điểm nhìn của trẻ bị lệch xuống dưới: Trẻ thường có tầm nhìn xuống, gặp vấn đề khi di chuyển mắt, trường hợp nặng trẻ có tình trạng không đưa được mắt nhìn lên trên.
- Trẻ chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, bú ít hoặc bỏ bú.
- Trẻ dễ kích động, thường xuyên khó chịu, có thể bị động kinh.
- Đau đầu, hoa mắt, mệt mỏi.
- Thị lực sút giảm hoặc thị lực kém từ khi mới sinh.
- Khả năng thăng bằng kém, tay chân không linh hoạt.
- Trẻ bị chậm phát triển trong nhiều lĩnh vực như khả năng đi lại, nói chuyện hoặc khả năng phối hợp…
- Khả năng ghi nhớ của trẻ kém, khó tập trung.
- Ngủ nhiều, ngủ sâu khó bị đánh thức, thường xuyên buồn ngủ.
Tìm hiểu thêm: Những loại rối loạn chức năng tuyến tụy phổ biến nhất mà bạn cần biết
Phương pháp chẩn đoán não úng thủy bẩm sinh
Não úng thủy bẩm sinh được phát hiện khi trẻ có những dấu hiệu bất thường có liên quan đến não úng thủy. Nếu có nghi ngờ bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra não bộ và chẩn đoán dựa trên các kết quả kiểm tra sau:
- Kiểm tra tình hình sức khỏe lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác những triệu chứng bất thường xảy ra ở trẻ, kiểm tra chu vi vòng đầu xem có sự tăng trưởng bất thường hay không, tầm nhìn của trẻ có bị lệch xuống dưới hoặc gặp khó khăn trong việc di chuyển mắt.
- Siêu âm: Bác sĩ kiểm tra vùng não thông qua hình ảnh được tạo từ các sóng siêu âm, từ đó xác định xem dịch não tủy có bị tích tụ hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT), tạo ra hình ảnh ba chiều bằng cách sử dụng nhiều hình ảnh X-quang cùng một lúc nhằm xác định vị trí chính xác của não úng thủy.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này cho phép tạo ra hình ảnh ba chiều để thấy rõ những bộ phận của não, kể cả tình trạng dịch não tủy.
Dựa trên những chẩn đoán sơ bộ, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chính xác về tình trạng não úng thủy bẩm sinh của trẻ và thông qua đó để tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp nhất.
>>>>>Xem thêm: U cơ tuyến túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Phương pháp điều trị não úng thủy bẩm sinh
Tình trạng não úng thủy bẩm sinh vẫn chưa có thuốc đặc trị, phương pháp duy nhất để điều trị tình trạng này là phẫu thuật. Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh là bác sĩ có thể thực hiện điều trị bằng phương pháp phẫu thuật như:
- Phẫu thuật cấy ống shunt não thất (VP);
- Nội soi cắt não thất;
- Nội soi ETV kết hợp CPC.
Biến chứng của não úng thủy bẩm sinh
Não úng thủy bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Suy giảm thị lực;
- Động kinh;
- Nứt đốt sống;
- Bại não;
- Chậm phát triển;
- Dị dạng Chiari;
- Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, khi nhai, nói, nuốt…
Ngoài ra, việc điều trị thành công vẫn có thể gây ra các biến chứng có liên quan với phương pháp đã sử dụng điều trị như tổn thương não, nhiễm trùng, nặng hơn là tử vong.
Phương pháp phòng tránh não úng thủy bẩm sinh
Hiện nay, y học phát triển tiên tiến, các kỹ thuật tầm soát dị tật thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ đa dạng và cho kết quả chính xác. Do đó để kiểm soát và phát hiện kịp thời tình trạng não úng thủy bẩm sinh, mẹ bầu nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Khám thai định kỳ;
- Tiêm phòng trong thai kỳ;
- Tiêm phòng cho trẻ;
- Chọn nơi sinh tốt, an toàn.
Tình trạng não úng thủy bẩm sinh có thể kéo dài suốt vòng đời của trẻ. Do đó, việc sớm phát hiện và điều trị giúp cho trẻ tránh được các biến chứng gây nguy hiểm, giúp bé sinh hoạt và phát triển bình thường. Trên đây là những thông tin về chủ đề “Não úng thủy bẩm sinh” do Nhà thuốc Long Châu chia sẻ. Để biết về những thông tin sức khỏe khác bạn đọc hãy tìm hiểu thêm nhiều bài viết về chủ đề sức khỏe trên trạng web của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm