Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm mũi xoang như nhiễm khuẩn, virus, nấm, dị ứng… Viêm mũi xoang nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bạn đang đọc: Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My – hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Giải đáp các câu hỏi về bệnh viêm mũi xoang cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Viêm mũi xoang là gì?

Viêm mũi xoang (VMX) là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, virus, nấm, dị ứng,…

Tùy thuộc vào lứa tuổi, căn nguyên và thời gian bị bệnh mà Viêm mũi xoang được phân loại khác nhau.

Bộ Y Tế đã ban hành quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 để hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh viêm mũi xoang cụ thể, chi tiết.

Các triệu chứng nhận biết của bệnh viêm mũi xoang là gì?

Các triệu chứng chính:

  • Cảm giác đau và nhức ở vùng mặt;
  • Sưng và nề vùng mặt;
  • Tắc, nghẹt mũi;
  • Chảy mũi, dịch đổi màu hoặc mủ ra mũi sau;
  • Ngửi kém hoặc mất ngửi;
  • Có mủ trong hốc mũi;
  • Sốt.

Các triệu chứng phụ:

  • Đau đầu;
  • Thở hôi;
  • Mệt mỏi;
  • Đau răng;
  • Ho;
  • Đau nhức ở tai.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Đau nhức, sưng nề vùng mặt là một triệu chứng của viêm xoang

Có những loại viêm mũi xoang nào?

Theo thời gian bị bệnh:

  • Cấp tính: Dưới 4 tuần.
  • Bán cấp: Từ 4 đến 12 tuần.
  • Mạn tính: Trên 12 tuần

Theo lứa tuổi: Dưới 6 tuổi – Viêm mũi xoang trẻ em.

Theo nguyên nhân:

  • Viêm mũi xoang do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus hoặc cả 2).
  • Viêm mũi xoang do nấm.
  • Viêm mũi xoang dị ứng.

Những người nào dễ mắc phải bệnh viêm xoang?

Những trường hợp dễ mắc phải bệnh viêm mũi xoang gồm:

Trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi xoang, trong đó nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm) là hay gặp nhất. Vi khuẩn gây bệnh viêm xoang gặp chủ yếu là một trong các loại Hemophillus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu), Klebsiella… Các loài vi khuẩn này từ họng, hầu, mũi, phế quản di chuyển ngược dòng lên các xoang và gây viêm mũi xoang.

Hơn nữa, viêm mũi xoang trẻ em thường hay gặp ở các bé dưới 6 tuổi, bị viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm amidan. Bệnh thường khởi đầu ở các bạn gầy yếu, suy dinh dưỡng, hay sốt vặt, có cơ địa dị ứng, thường mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, điều trị không khỏi dẫn đến viêm mũi xoang.

Viêm đường hô hấp trên: Chảy mũi, ho, ngạt mũi, sốt nhẹ, thường hay xảy ra, nhiều khi hết thuốc bệnh lại tái phát, thường dẫn đến biến chứng viêm tai giữa cấp tính.

Viêm mũi dị ứng: Chảy mũi trong, nhiều em suốt ngày chảy mũi, khò khè, có kèm theo ran ở phổi. Có khoảng 40% trẻ em bị viêm mũi dị ứng có liên quan đến hen phế quản.

Hen phế quản: Viêm phế quản mạn tính, trẻ khó thở từng cơn do phế quản co thắt, niêm mạc phế quản phù nề và xuất tiết dịch nhầy, khó thở ở thì thở ra. Có khoảng 80% trẻ em bị hen phế quản có liên quan đến viêm mũi dị ứng.

Suy giảm miễn dịch: Ở trẻ có liên quan đến việc cha mẹ bị AIDS.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm xoang ở trẻ em

Sau cảm cúm (viêm nhiễm virus đường hô hấp trên)

Viêm mũi xoang do nhiễm khuẩn cấp tính điển hình thường bắt đầu với viêm nhiễm virus đường hô hấp trên kéo dài hơn 10 ngày. Trong một số trường hợp, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn cấp tính thứ phát do hậu quả của sự bít tắc lỗ thông mũi xoang (do phù nề niêm mạc) và có thể do sự tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển.

Kết quả cuối cùng là ứ đọng chất nhầy trong xoang và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm xoang cấp tính bao gồm Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza, và Moraxella Catarrahalis.

Những người có bất thường giải phẫu về hốc mũi

Vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, quá phát VA vòm, VA vòi.

Những người có cơ địa viêm mũi xoang dị ứng theo mùa

Chủ yếu là do phấn hoa và bào tử. Còn những trường hợp bị viêm mũi xoang dị ứng quanh năm, thường gặp do bụi nhà.

Điều trị không đúng cách viêm mũi xoang cấp

Những người bị viêm mũi xoang cấp tính, không được điều trị đúng mức, gây viêm mũi xoang mãn tính.

Nhiễm nấm

Do hít phải các bào tử nấm trong môi trường xung quanh, chúng sẽ bám vào hốc mũi xoang chờ cơ hội gây bệnh. Nguyên nhân có liên quan đến răng chiếm 1/3 trường hợp. Các sợi nấm phát triển trong chất hàn răng là oxit kẽm có trong eugenat đi qua đỉnh răng vào trong xoang. Thời gian từ lúc chăm sóc răng đến khi chẩn đoán viêm xoang do nấm từ vài tháng đến vài năm.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm mũi xoang do nấm:

  • Thông khí mũi xoang kém do có bệnh lý mũi xoang kéo dài, dị vật, lệch vẹo vách ngăn.
  • Điều trị thuốc làm mất cân bằng nấm-vi khuẩn tại chỗ.
  • Điều kiện khí hậu: Khí hậu nóng và ẩm ướt thích hợp cho nấm mốc phát triển.
  • Người bệnh bị suy giảm miễn dịch, bệnh tiểu đường.

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh một số nguyên nhân trên, còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm mũi xoang như:

  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Hít phải các chất kích thích (bụi, khói thuốc lá, hoá chất…).
  • Chấn thương mũi xoang.
  • Các khối u vòm mũi họng.
  • Bệnh toàn thân: Suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng lông chuyển, bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)…

Tại sao viêm xoang lại gây ra đau đầu và tạo áp lực ở vùng khuôn mặt?

Viêm mũi xoang được hình thành là do bị nhiễm trùng trong một khoảng thời gian nhất định gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến như sau:

  • Ứ đọng chất nhầy: Tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và một số loại nấm phát triển trong các xoang.
  • Dị ứng: Một số chất gây dị ứng xuất phát chủ yếu từ một số loại hóa chất và thức ăn làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang và nhiễm trùng.
  • Khả năng miễn dịch kém: Sức đề kháng kém làm giảm sức chống chọi của cơ thể với các loại vi khuẩn, làm suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
  • Rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể: Tuyến nhầy hoạt động quá nhiều, hệ thống lông chuyển hoạt động kém,…
  • Nhiễm trùng từ vùng lân cận: Nhiều trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
  • Chấn thương: Chấn thương vùng đầu mặt cũng có thể gây ra các tổn thương niêm mạc xoang.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Ứ động chất nhầy tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển trong xoang

Khi gặp các vấn đề nêu trên mà không được xử trí kịp thời, các niêm mạc xoang bị viêm sẽ xuất hiện mủ. Khi dịch tiết ra bị bế tắc, không thể lưu thông, vi trùng sẽ biến dần dịch thành mủ và hoại tử trong hốc xoang gây ra một số triệu chứng như đau đầu, khó thở. Nước mủ và dịch viêm chảy ra ngoài mũi và chảy xuống họng gây viêm mũi, viêm họng, tất cả các xoang thuộc đầu mặt đều có thể viêm trực tiếp hoặc lây qua bệnh viêm mũi.

Các biến chứng của bệnh viêm xoang là gì?

Một số biến chứng của bệnh viêm xoang bạn cần lưu ý:

  • Viêm họng mạn tính;
  • Polyp mũi;
  • Viêm tai giữa ứ dịch;
  • Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, viêm, giãn khí phế quản, viêm thanh quản;
  • Nhức đầu dai dẳng;
  • Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu;
  • Viêm tấy ổ mắt – viêm mí mắt – viêm túi lệ;
  • Viêm cốt – tủy xương, áp xe dưới cốt mạc xương trán;
  • Viêm màng não, áp xe não, viêm não, áp xe ngoài màng cứng;
  • Viêm tắc tĩnh mạch hang;
  • Làm nặng thêm các bệnh dị ứng khác như viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản,…;
  • Nếu viêm nhiễm trong xoang trán lan đến tủy xương trán, hiện tượng viêm xương tủy khu trú kết hợp với phá hủy xương có thể gây ra khối sưng mềm vùng trán được mô tả kinh điển là khối sưng phồng của Pott.

Tìm hiểu thêm: Hình thể ngoài, cấu trúc của nhu mô phổi và các bệnh lý liên quan thường gặp

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My
Viêm mũi xoang có thể làm bệnh hen phế quản nặng hơn

Làm thế nào để điều trị viêm xoang hiệu quả nhất?

Nguyên tắc điều trị:

  • Làm giảm các triệu chứng lâm sàng.
  • Kiểm soát nguyên nhân nhiễm trùng: Siêu vi, vi khuẩn, nấm…
  • Phòng tránh các yếu tố gây dị ứng: Khói thuốc lá, bụi nhà, lông vũ, phấn hoa…
  • Điều trị các bệnh nền nếu có như: Trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm miễn dịch…
  • Điều trị các bất thường về giải phẫu mũi xoang nếu có.

Viêm mũi xoang cấp tính

Điều trị nội khoa là chính, bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh nhóm Beta-lactam, Cephalosporin thế hệ 1, 2, Macrolide… dài từ 7 đến 14 ngày.
  • Thuốc chống sung huyết mũi giúp thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang như Oxymethazolone 0,05%, Xylomethazoline 0,05%…
  • Xịt Corticoid tại chỗ để giảm phù nề niêm mạc mũi xoang.
  • Các loại thuốc làm ẩm mũi, loãng dịch tiết mũi như nước muối sinh lý,… − Điều trị hỗ trợ như rửa mũi, hút mũi để đỡ nghẹt mũi.

Lưu ý những loại thuốc chống sung huyết mũi và các loại kháng histamin thận trọng dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Viêm mũi xoang mạn tính

Nếu người bệnh vẫn bị một hay nhiều triệu chứng lâm sàng kéo dài quá 12 tuần thì coi như viêm mũi xoang mạn tính. Viêm mũi xoang mạn tính hoặc những thời kỳ tái phát của viêm mũi xoang cấp tính nhiều hơn 4 – 6 lần trong một năm thì phải được đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để quyết định điều trị nội khoa tiếp tục hoặc phải can thiệp phẫu thuật nội soi mũi xoang.

Cần áp dụng những phẫu thuật bảo tồn hơn là phẫu thuật tiệt căn, chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Viêm mũi xoang tái phát hơn 6 lần/1 năm.
  • Chảy máu mũi, nghẹt mũi, không ngửi được mùi.
  • Mũi ứ đọng mủ nhầy, mủ hoặc chảy xuống thành sau họng.
  • Nhức đầu, ù tai, chảy mủ tai.
  • Khám mũi thấy có những biến dạng về cấu trúc giải phẫu, có polyp, VA phì đại… − Hình ảnh trên phim CT Scan có dấu hiệu viêm xoang mạn tính.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật nội soi mũi xoang cần theo chỉ định của bác sĩ

Để chẩn đoán viêm xoang cần thực hiện các xét nghiệm gì?

Soi mũi trước: Là cần thiết với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bị viêm mũi xoang. Cần chú ý phát hiện chất nhầy mủ, sung huyết, dị hình vách ngăn…

Thăm khám nội soi: Phương pháp nội soi mũi là cần thiết để xác định viêm mũi xoang. Những dấu hiệu có giá trị bao gồm: mủ nhầy tại phức hợp lỗ ngách và ngách sàng bướm, sự phù nề, sung huyết… niêm mạc mũi. Đối với viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm khuẩn, nội soi rất hữu ích cho chẩn đoán và lấy bệnh phẩm từ khe giữa.

Chụp Phim X quang thông thường (Blondeau, Hirtz):.

  • Hình mờ đều hoặc không đều các xoang.
  • Vách ngăn giữa các xoang sàng không rõ.
  • Hình ảnh dày niêm mạc xoang.

Phim CT Scan cho hình ảnh:

  • Hình ảnh mờ các xoang, có thể mờ đều hoặc không đều.
  • Dày niêm mạc các xoang, mức dịch trong xoang, polyp mũi xoang.
  • Bệnh tích bịt lấp vùng phức hợp lỗ ngách.
  • Các cấu trúc giải phẫu bất thường như: Vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều,…

Có các phương pháp điều trị viêm mũi xoang không dùng thuốc không?

Theo quan điểm của Tây Y, hiện tại chưa có phương pháp nào điều trị viêm mũi xoang mà không dùng thuốc.

Các loại thuốc chống dị ứng có thể giảm bớt triệu chứng của viêm xoang không?

Với các thuốc nhóm chống dị ứng rất có hiệu quả trong viêm mũi xoang do dị ứng cũng như điều trị hỗ trợ triệu chứng, trên những người bệnh có viêm mũi xoang .

Việc kết hợp làm trong, sạch không khí cũng góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ bệnh với những người có cơ địa dị ứng.

Lưu ý: Các loại thuốc kháng histamin thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Nên sử dụng thuốc nhỏ mũi hay thuốc xịt mũi như thế nào cho hiệu quả?

Việc hướng dẫn người bệnh, hay thân nhân của người bệnh cách sử dụng các thuốc nhỏ mũi hay xịt mũi đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị viêm mũi xoang. Do đó, khi được thăm khám, chỉ định điều trị, chúng ta nên được nhân viên y tế có chuyên môn, cũng như kinh nghiệm chỉ dẫn cụ thể, chi tiết nhằm thực hiện được các thao tác, động tác đúng, chính xác và đạt hiệu quả cao nhất.

Cần làm gì để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng mũi xoang?

Để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng mũi xoang cần:

  • Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên.
  • Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc. Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích (bụi, khói thuốc lá, hoá chất…).
  • Quản lý, điều trị tốt các bệnh toàn thân khác.
  • Giữ ấm vào mùa lạnh.
  • Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực. Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các thành phần.
  • Tiêm những vắc xin đúng và đủ lịch. Đặc biệt vắc xin Cúm, Phế cầu…

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Tiêm vắc xin cúm, phế cầu,… để hạn chế nhiễm trùng mũi xoang

Hiện tại, tất cả các trung tâm tiêm chủng của Long Châu trên toàn quốc cung cấp dịch vụ tiêm chủng phòng ngừa đặc hiệu các bệnh dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là các vắc xin ngừa bệnh đường hô hấp như Cúm, Phế cầu, Sởi – Quai bị – Rubella…

Những biện pháp phòng tránh nào nên thực hiện hàng ngày để tránh viêm xoang?

Một số biện pháp để phòng bệnh viêm mũi xoang cho trẻ em gồm:

  • Điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng tức thì. Như vậy có thể ngăn cản sự nhiễm khuẩn ở các xoang đang phát triển.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị cảm hoặc đang nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do siêu vi. Nếu phải tiếp xúc với những người này thì phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc thì phải rửa tay ngay lập tức.
  • Tránh xa khói thuốc lá trong nhà hoặc ở những nơi vui chơi công cộng, vì khói thuốc kích thích làm cho niêm mạc mũi xoang bị viêm nặng hơn.
  • Nếu đã có cơ địa dị ứng thì tránh những tác nhân gây bộc phát dị ứng, nên nói cho bác sĩ biết trẻ có đang điều trị bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu hay không.
  • Tránh hít thở không khí khô khan. Nên dùng máy tạo ẩm trong nhà hoặc nơi trẻ học tập để làm ẩm không khí.

Biện pháp phòng bệnh viêm xoang cho người lớn:

  • Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên.
  • Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.
  • Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực.
  • Quản lý tốt các bệnh toàn thân.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

Dọn dẹp, vệ sinh môi trường sinh hoạt giúp phòng tránh được bệnh viêm xoang

Các dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm mũi xoang đang nặng hơn là gì?

Trong quá trình theo dõi, điều trị viêm mũi xoang, mà người bệnh cảm giác khó chịu, không thoải mái, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, đồng thời có thể xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng dưới đây thì có thể tình trạng bệnh đang diễn tiến xấu, nặng hơn:

  • Khu vực hốc mắt bị sưng và đỏ tấy;
  • Đau nhức khi vận động mắt;
  • Giảm thị lực, giảm tầm nhìn;
  • Mí mắt bị sụp;
  • Vùng trán bị sưng nề;
  • Đau đầu, nôn ói. Có thể bí trung, đại tiện;
  • Sốt cao và lạnh run;
  • Tình trạng lú lẫn;
  • Tình trạng co giật.

Có cần tránh loại thực phẩm nào khi đang mắc bệnh viêm mũi xoang không?

Quan trọng nhất của người bệnh có viêm mũi xoang là đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đủ năng lượng cũng như các yếu tố vi lượng. Cần tránh những đồ ăn, uống có chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cafein….

Bệnh viêm mũi xoang và viêm mũi dị ứng có gì giống và khác nhau?

Về bản chất thì viêm mũi dị ứng, thuộc về 1 trong những thể bệnh của viêm mũi xoang.

Thời tiết tác động như thế nào đối với bệnh viêm xoang?

Cảm lạnh: Gây nghẹt mũi hoặc dị ứng tức thì gây nhiễm khuẩn ở các xoang đang phát triển.

Nhiệt độ thấp, lạnh dễ gây lan truyền các bệnh như Cúm, các Virus gây bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm mũi xoang dễ bùng phát dịch vào mùa lạnh như Sởi, Coxsackie…

Đồng thời niêm mạc mũi, xoang cũng rất dễ bị tổn thương khi thời tiết lạnh. Có thể dùng máy tạo ẩm không khí trong thời tiết khô hanh.

Ngoài ra, một số cây ra hoa theo mùa, hương hoa có thể là tác nhân gây viêm mũi xoang dị ứng. Hoặc thói quen đốt các vật liệu như lúa, rạ tạo ra khói, gây khó chịu, tác động đến niêm mạc mũi xoang, dễ gây ra kích ứng, viêm do khói, bụi.

Có bài tập thể dục nào có thể thực hiện để giúp cải thiện tình trạng viêm xoang không?

Trên thực tế, chưa có những bằng chứng qua số liệu khoa học đủ thuyết phục về các bài tập thể dục hỗ trợ, cải thiện tình trạng viêm mũi xoang. Tuy nhiên, bằng 01 nghiên cứu thực hiện trên 2 nhóm có đối chứng ngẫu nhiên, mù đôi, với cỡ mẫu là 30 người cho mỗi nhóm, cho thấy phương pháp tập luyện Yoga Bhramari Pranayama, có thể hỗ trợ hữu ích được cho người bệnh có viêm mũi xoang.

Viêm mũi xoang: Giải đáp các câu hỏi thường gặp cùng bác sĩ Nguyễn Văn My

>>>>>Xem thêm: Cạo lông vùng kín bị nổi mụn: Nguyên nhân, hướng xử trí và cách phòng ngừa

Yoga Bhramari Pranayama có thể hỗ trợ hữu ích cho người bệnh viêm mũi xoang

Trên là một số thông tin về bệnh viêm mũi xoang được bác sĩ giải đáp. Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu thêm về bệnh viêm xoang để có cách phòng ngừa và điều trị phù hợp. Chúc bạn sức khỏe!

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *