Một số trẻ sinh non, gặp vấn đề về khả năng nuốt hoặc cần điều trị ở phòng hồi sức tích cực sẽ được đặt ống thông dạ dày để giúp nuôi ăn cho trẻ cùng một số mục đích khác. Vậy đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh có gây nên biến chứng nào không và làm sao để chăm sóc trẻ?
Bạn đang đọc: Vì sao cần đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh? Cách chăm sóc trẻ khi đặt ống
Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh là thủ thuật đưa một ống nhựa mỏng, mềm qua mũi của bé sau đó xuống đến vùng cổ, họng và đi qua thực quản và vào dạ dày. Ống thông dạ dày cho phép đứa trẻ được cho ăn trực tiếp vào dạ dày mà không cần phải ăn bằng đường miệng, theo cách này được gọi là “cho ăn qua đường ống’’.
Ống thông dạ dày là gì?
Ống thông dạ dày (sone dạ dày) là một ống nhựa mỏng, dẻo được sử dụng cho mục đích tạm thời. Ống được thiết kế phù hợp để có thể đi qua khoang mũi hoặc miệng vào cổ họng và đi xuống thực quản vào dạ dày. Hai mục đích chính của ống thông mũi dạ dày là cho ăn bằng ống ngắn hạn, dùng thuốc và hút dạ dày (bơm dạ dày).
Các bác sĩ sẽ sử dụng các loại ống thông dạ dày khác nhau để đưa các chất dinh dưỡng hay thuốc vào dạ dày của trẻ để nuôi ăn bằng ống trong thời gian ngắn và cung cấp thuốc uống cho trẻ trong lúc nhập viện. Ống thông cũng có thể dùng để hút chất chứa trong dạ dày nhằm giảm áp lực hoặc loại bỏ chất độc.
Các trường hợp cần đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh
Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh sẽ được một điều dưỡng hay bác sĩ thực hiện, chiều dài và kích thước của ống cần thiết tùy thuộc vào cân nặng của bé và điều này sẽ được đo và chọn lựa trước khi đặt.
Trong quá trình cho trẻ ăn bằng ống, sữa mẹ hoặc sữa công thức được truyền qua một ống dẫn từ mũi hoặc miệng đến dạ dày của trẻ. Các loại nuôi ăn bằng ống bao gồm:
- Cho ăn qua ống thông mũi dạ dày (còn gọi là ống NG): Đây là khi em bé được cho ăn qua một ống nhỏ mềm, đặt vào mũi và chạy xuống phía sau cổ họng sau đó đi qua thực quản và vào dạ dày.
- Cho ăn qua ống thông miệng dạ dày: Đây là khi em bé được cho ăn qua một ống nhỏ mềm, được đặt vào miệng và chạy xuống phía sau cổ họng sau đó đi qua thực quản và vào dạ dày.
Chỉ định khi đặt ống thông dạ dày:
- Trẻ sinh non: Ở trẻ sơ sinh, phản xạ mút nuốt chưa trưởng thành do đó cần đặt ống thông dạ dày để hỗ trợ ăn uống, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.
- Bệnh thần kinh: Suy giảm phản xạ bú.
- Hỗ trợ hô hấp: Khi trẻ cần hỗ trợ hô hấp, tăng nhịp thở sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc, viêm phổi cho trẻ do đó cần phải đặt ống thông dạ dày.
- Giảm áp lực dạ dày.
- Viêm ruột hoại tử.
- Phẫu thuật vùng bụng.
Biến chứng ống thông mũi dạ dày
Ống thông mũi dạ dày sẽ an toàn nếu bạn tuân thủ các quy trình sử dụng. Nhưng các ống này có một số rủi ro, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Mặc dù ống thông không gây đau đớn nhưng nó có thể gây khó chịu nhẹ khi đưa vào và rút ra liên tục. Kích ứng có thể dẫn đến viêm xoang, còn gọi là nhiễm trùng mũi, hoặc chảy máu cam, còn gọi là xuất huyết mũi. Sau khi quá trình điều trị bằng ống thông của bé hoàn tất, các triệu chứng này sẽ tự khỏi.
Vị trí đặt không chính xác có thể gây ra hậu quả đe dọa tính mạng cho em bé của bạn. Các ống có thể chọc thủng mô thực quản của bé hoặc đi vào phổi thay vì dạ dày. Việc cho trẻ ăn bằng ống trong thời gian dài có thể dẫn đến kích ứng dạ dày, bao gồm chảy máu hoặc loét.
Tìm hiểu thêm: Kén khí phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị
Chăm sóc sau khi đặt ống thông dạ dày tại nhà
Nếu con bạn vừa đặt ống thông dạ dày, ban đầu bạn sẽ cảm thấy hơi lo lắng về nó. Nhưng bạn sẽ sớm cảm thấy quen dần và tự tin hơn trong việc cho ăn qua ống và theo dõi, chăm sóc ống thông dạ dày.
Dưới đây là một số lời khuyên cho phụ huynh:
- Luôn rửa tay thật kỹ trước khi chăm sóc ống hoặc cho trẻ ăn hoặc uống thuốc.
- Luôn để ống tránh xa tầm tay của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nguy cơ ống dẫn thức ăn có thể quấn quanh cổ trẻ, dẫn đến ngạt thở hoặc tử vong.
- Kiểm tra xem ống đã được đặt vào dạ dày và hoạt động tốt chưa trước khi bạn sử dụng.
- Biết phải làm gì nếu ống bị tắc hoặc tuột ra ngoài.
- Giữ vùng xung quanh mũi của con bạn sạch sẽ bằng miếng gạc và nước ấm.
- Kiểm tra vùng da quanh mũi thường xuyên để tìm dấu hiệu kích ứng hoặc nhiễm trùng. Các dấu hiệu bất thường như mẩn đỏ, đau, nóng, sưng hoặc chảy nước dịch.
- Đổi lỗ mũi mỗi lần thay ống.
Những trẻ có ống thông dạ dày, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ thăm khám khẩn cấp trong những trường hợp sau:
- Khó thở.
- Có máu trong ống, dịch dạ dày hoặc có phân trong lòng ống.
- Nôn, nghẹn hoặc ho khi bú.
Các dấu hiệu ít nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Đầy hơi hoặc chướng bụng.
- Bị tắc trong ống mà bạn không thể làm sạch được.
- Sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác.
- Khàn tiếng.
- Đỏ, sưng hoặc kích ứng ở cả hai lỗ mũi.
- Ống bị trật hoặc rơi ra ngoài.
- Nôn giữa các lần bú.
>>>>>Xem thêm: Vitamin A có trong trái cây nào?
Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh có thể được sử dụng làm ống truyền dinh dưỡng tạm thời, giúp cung cấp thuốc hay thức ăn. Ống thông có thể là một công cụ cứu mạng, tuy nhiên nó đi kèm với một số nhược điểm và nguy cơ đáng kể vì vậy bạn cần sự tư vấn kỹ càng từ các bác sĩ nhi đặt ống thông dạ dày cho trẻ.
Xem thêm:
- Dẫn lưu là gì? Cách chăm sóc cho người bệnh sử dụng ống dẫn lưu
- Dẫn lưu não thất được thực hiện khi nào? Quy trình phẫu thuật dẫn lưu não thất
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm