Các bệnh lý liên quan đến đốt sống có thể làm suy giảm chức năng vận động và đi lại của người bệnh, thậm chí dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ. Một trong số những phương pháp điều trị hiệu quả với tình trạng này là phẫu thuật điều trị trượt đốt sống.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật điều trị trượt đốt sống
Trượt đốt sống có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như bẩm sinh, lão hóa, chấn thương,… Không chỉ gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng đi lại, trượt đốt sống còn có thể gây liệt vĩnh viễn. Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống kịp thời sẽ giảm nguy cơ biến chứng. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật điều trị trượt đốt sống.
Trượt đốt sống là bệnh gì?
Trượt đốt sống thắt lưng, trượt đốt sống ra sau hay trượt đốt sống ra trước không phải tình trạng hiếm gặp. Trượt đốt sống xảy ra khi đốt sống ở trên bị trượt ra trước hoặc trượt ra sau so với đốt sống dưới.
Tình trạng này khiến người bệnh bị đau cột sống, đau lưng, đi lại, vận động khó khăn. Cảm giác đau ở cột sống còn có thể lan xuống một hoặc cả hai chân. Có những người tình trạng bệnh nặng, không được can thiệp, điều trị kịp thời bị biến chứng liệt 2 chân vĩnh viễn, đại tiểu tiện mất tự chủ,…
Các cấp độ trượt đốt sống
Trượt đốt sống được phân thành nhiều cấp độ khác nhau gồm:
- Trượt đốt sống độ 1: Bệnh nhân bị trượt 0 – 25% thân đốt sống.
- Trượt đốt sống độ 2: Bệnh nhân bị trượt 26 – 50% thân đốt sống.
- Trượt đốt sống độ 3: Bệnh nhân bị trượt 51 – 75% thân đốt sống.
- Trượt đốt sống độ 4: Bệnh nhân bị trượt 76 – 100% thân đốt sống.
- Trượt đốt sống độ 5: Bệnh nhân bị trượt đốt sống hoàn toàn, tức là đốt sống bên trên bị tách rời khỏi bề mặt đốt sống bên dưới.
Nguyên nhân và biến chứng trượt đốt sống
Nguyên nhân dẫn đến trượt đốt sống có thể do bẩm sinh, thoái hóa, khuyết eo đốt sống, chấn thương, biến chứng sau phẫu thuật, do nhiễm khuẩn hoặc ung thư. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như:
- Bị đau cột sống mãn tính dẫn đến giảm khả năng vận động, suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Trượt đốt sống lâu ngày dẫn đến giảm sức mạnh của cơ, teo cơ, tăng nguy cơ té ngã, liệt sau khi bị té ngã hoặc liệt hoàn toàn.
- Một biến chứng dễ xảy ra với người bị trượt đốt sống là hẹp ống sống.
- Tổn thương rễ thần kinh, chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật cũng có thể là biến chứng xảy ra với người bị trượt đốt sống.
- Không ít bệnh nhân sau khi trượt đốt sống bị suy giảm chức năng sinh dục, rối loạn đại tiểu tiện hay còn gọi là hội chứng đuôi ngựa.
Thế nào là phẫu thuật điều trị trượt đốt sống?
Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống nhằm mục đích cố định cột sống, loại bỏ chuyển động bất thường giữa các đốt sống bị lệch, mất vững đồng thời giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Nói ngắn gọn, phẫu thuật này có tác dụng đưa đốt sống bị lệch trở về vị trí đúng của nó như ban đầu.
Trong nhiều trường hợp, trượt đốt sống có thể điều trị bằng uống thuốc, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, giảm cân nếu người bệnh thừa cân béo phì,… Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo cấp độ trượt và các triệu chứng xuất hiện ở người bệnh.
Phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định trong một số trường hợp như:
- Trượt đốt sống dẫn đến chèn ép dây thần kinh, người bệnh bị đau nghiêm trọng và mức độ đau ngày càng tăng.
- Bệnh nhân đã được điều trị bằng dùng thuốc, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, giảm cân,… trong thời gian ít nhất 6 tuần và dài nhất 12 tháng nhưng các triệu chứng không giảm. Trượt đốt sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
- Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng rối loạn cảm giác, rối loạn đại tiểu tiện, liệt một hoặc cả hai chân, teo cơ,…
- Khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ tiến triển dẫn đến trượt đốt sống nặng.
Quy trình phẫu thuật điều trị trượt đốt sống
Hiện nay, phẫu thuật điều trị trượt đốt sống thắt lưng, nắn chỉnh đốt sống trượt, dùng nẹp vít cố định cột sống, ghép xương liên thân đốt lối sau được cho là giải pháp phẫu thuật hiệu quả nhất. Phẫu thuật nhắm đến mục đích làm vững cột sống và giải phóng chèn ép thần kinh với các bước như sau:
- Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà sẽ được giải thích cụ thể về tình trạng bệnh và phương pháp phẫu thuật.
- Bệnh nhân vệ sinh cơ thể sạch sẽ, được sát trùng vùng phẫu thuật và được mê toàn thân.
- Bệnh nhân được hướng dẫn nằm sấp, bác sĩ xác định đường mổ sau lưng.
- Bác sĩ nắn chỉnh đốt sống bị trượt, đưa về đúng vị trí để giải phóng rễ thần kinh và tủy sống.
- Bác sĩ bắt vít phù hợp để cố định cột sống qua cuống cung, tránh tình trạng tái chuyển động trượt sau phẫu thuật.
- Nếu bệnh nhân bị xẹp đĩa đệm nặng, bác sĩ sẽ lấy bỏ đĩa đệm và ghép xương liên thân đốt, sau đó đặt miếng ghép có kích cỡ tương đương đĩa đệm rồi mới dùng nẹp vít cố định cột sống.
Tìm hiểu thêm: Thắc mắc: Tế bào ung thư phát triển như thế nào?
Biến chứng tiềm ẩn sau phẫu thuật chữa trượt đốt sống
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng như: Đau vết mổ, rối loạn tiểu tiện do gây mê, tê đau chân cho phẫu thuật có tác động đến dây thần kinh, đau rát họng do đặt nội khí quản, có dịch và máu thấm qua băng,… Đây là những triệu chứng bình thường và sẽ giảm dần sau vài ngày. Tuy nhiên, có một số biến chứng cần theo dõi đặc biệt và thông báo sớm cho nhân viên y tế như:
- Vết mổ đau nghiêm trọng, quá sức chịu đựng của bệnh nhân.
- Máu tươi chảy nhiều, có thể ướt đẫm băng, dịch dẫn lưu màu hồng, đỏ hoặc không chảy ra.
- Bệnh nhân có cảm giác tức tiểu nhiều nhưng không thể tự tiểu được.
- Cảm giác tê đau nhiều hoặc có dấu hiệu yếu, liệt chân.
- Vị trí vết mổ sưng đau kèm theo tình trạng bệnh nhân sốt hoặc có mủ.
- Bệnh nhân bị táo bón, khó khăn trong việc đại tiện.
Sau phẫu thuật điều trị trượt đốt sống cần lưu ý gì?
Sau phẫu thuật điều trị trượt đốt sống, có một số vấn đề người bệnh cần lưu ý như:
- Người bệnh cần được chăm sóc tốt với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
- Tập phục hồi chức năng đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.
- Tuân thủ thời gian đeo nẹp cố định cột sống hoặc đai lưng cột sống như bác sĩ chỉ định.
- Vệ sinh vết mổ đúng cách, thay băng thường xuyên để vết mổ luôn sạch và khô.
- Uống thuốc, tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Sau khi lành thương, tránh chơi các môn thể thao mạnh, mang vác vật nặng, lao động quá sức.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu viêm tụy sớm để giảm thiểu rủi ro
Phẫu thuật điều trị trượt đốt sống có tính chất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng nào của tình trạng trượt đốt sống, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm