Nhịp chậm xoang thường xuất hiện phổ biến ở những người cao tuổi. Khi nhịp chậm xoang không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác, thì nó thường được coi là một tình trạng tự nhiên và không đe dọa sức khỏe. Tuy nhiên, nếu nhịp chậm xoang đi kèm với các triệu chứng khác, điều này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nền sâu hơn và cần được chú ý đến.
Bạn đang đọc: Nhịp chậm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và triệu chứng của nhịp chậm xoang, cần tìm hiểu về các yếu tố gây ra tình trạng này. Các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi hoặc khó chịu khác có thể là dấu hiệu của nhịp chậm xoang tiến triển nguy hiểm và đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi bởi bác sĩ. Phương pháp khắc phục và phòng ngừa cũng cần được xem xét để duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bị tình trạng này. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về nhịp chậm xoang thông qua bài viết dưới đây.
Nhịp chậm xoang là gì?
Nhịp chậm xoang là tình trạng rối loạn nhịp chậm, khi nút xoang phát tín hiệu với tần số thấp hơn bình thường dẫn đến nhịp tim đo được dưới 60 lần/phút trong tình trạng nghỉ. Các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở thường trở nên rõ rệt khi nhịp tim giảm xuống dưới 50 lần/phút. Trong trường hợp nhịp tim giảm xuống dưới 45 lần/phút, người bệnh có thể trải qua tình trạng choáng và ngất xỉu.
Nguyên nhân của nhịp chậm xoang có thể xuất phát từ nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Đối với những người thường xuyên tập thể dục hoặc vận động viên, nhịp tim thấp hơn, dao động trong khoảng 55 – 60 lần/phút, có thể là điều bình thường. Thậm chí, nhịp chậm xoang cũng có thể xuất hiện khi người ta đang ngủ sâu.
Đối với việc xác định liệu có vấn đề gì nghiêm trọng với nhịp chậm xoang hay không, cần xem xét theo độ tuổi. Ở người cao tuổi, sự chậm nhịp sinh lý có thể xảy ra. Đối với trẻ sơ sinh, nhịp tim bình thường thường nằm trong khoảng 120 – 160 lần/phút và nhịp xoang chậm được định nghĩa khi dưới 100 lần/phút.
Trong nhiều trường hợp, nhịp chậm xoang có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt và thường không đòi hỏi sự can thiệp. Tuy nhiên, khi nhịp tim quá chậm và kéo dài, gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu thì cần phải có các phương pháp điều trị và can thiệp y tế thích hợp.
Tại sao gọi là nhịp tim chậm xoang?
Trong chu kỳ nhịp xoang, mỗi nhịp tim bắt đầu từ một nhóm tế bào đặc biệt nằm trong nút xoang nhĩ (SA). Nút SA tạo và phát tín hiệu điện, kích thích cơ tim co bóp. Nút xoang nhĩ được kiểm soát bởi dây thần kinh phế vị và dây thần kinh giao cảm.
Ở trạng thái bình thường, nút SA phát tín hiệu với tần suất khoảng 60 – 100 lần mỗi phút khi đang nghỉ ngơi. Khi xảy ra nhịp chậm xoang, tần suất này giảm xuống dưới 60 lần/phút. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nút SA dẫn đến tình trạng nhịp xoang chậm. Sử dụng phương pháp đo điện tim là một cách để chẩn đoán hiệu quả tình trạng nhịp chậm xoang.
Triệu chứng thường gặp của nhịp chậm xoang
Đa số những người mắc nhịp chậm xoang thường không có triệu chứng rõ ràng. Ở nhóm thanh niên khỏe mạnh hoặc những người thường xuyên thực hiện hoạt động thể lực, nhịp chậm xoang có thể thấp hơn so với mức bình thường. Đối với những người trên 65 tuổi, nhịp tim có thể tự nhiên chậm lại theo sự tăng tuổi. Cũng đáng lưu ý rằng nhịp chậm xoang có thể xuất hiện trong khi người bệnh đang ngủ say.
Tuy nhiên, những trường hợp khác của nhịp chậm xoang thường đi kèm với các triệu chứng như hụt hơi, khó thở, đau thắt ngực, mệt mỏi, giảm khả năng chịu đựng khi tập luyện và vấn đề về trí nhớ.
Người bệnh cũng có thể trải qua cảm giác chóng mặt, choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu. Ngoài ra, có thể xuất hiện sự lú lẫn, khó tập trung và thay đổi tính cách, dễ kích động hoặc biến đổi tâm trạng.
Những triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn tham gia vào hoạt động vận động nặng, đặc biệt là khi thực hiện các bài tập cường độ cao. Khi cơ thể đang đối mặt với áp lực tăng cao do nhu cầu vận động, các triệu chứng như vậy có thể gia tăng. Nếu bạn đã nghỉ ngơi nhưng triệu chứng không giảm đi, thậm chí còn trở nên nặng hơn, việc cần thiết là đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám kĩ càng.
Tìm hiểu thêm: Bại não thể múa vờn: Biểu hiện và phương pháp điều trị
Nguyên nhân nhịp chậm xoang
Nhịp tim chậm nút xoang
Khi nút xoang bị chậm nhịp, sẽ tạo ra các xung điện với tốc độ giảm dẫn đến sự chậm lại của nhịp tim. Nhịp tim chậm xoang có thể xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài dai dẳng.
Trong trường hợp nhịp tim chậm xoang thoáng qua, tình trạng này thường xuất hiện do tăng trương lực ở dây thần kinh phế vị, đặc biệt là khi người đang ngủ say. Dây thần kinh phế vị đóng vai trò chính trong thống thần kinh giao cảm, quản lý chức năng như thở, tiêu hóa, nhịp tim và huyết áp. Khi trương lực của dây thần kinh phế vị trở lại bình thường, nhịp tim sẽ ổn định trở lại.
Nhịp tim chậm xoang dai dẳng thường xuất hiện do bệnh nút xoang nội tại, thường là do xơ hóa bên trong nút xoang. Đây là một vấn đề thường xuyên xuất hiện ở những người từ 70 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Block nhĩ thất
Block nhĩ thất là hiện tượng tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất gây ra sự thay đổi về tốc độ đập của tim. Nguyên nhân thường xuất phát từ sự xơ hóa hoặc hoại tử hệ thống dẫn truyền.
Khi tín hiệu đến tim bị trì hoãn hoặc ngừng ngắt quãng, có thể gây ra tắc nghẽn một phần. Nếu tín hiệu dừng hoàn toàn, tắc nghẽn sẽ xảy ra toàn bộ. Trong trường hợp này, tâm thất sẽ không nhận được thông tin từ nút xoang và phải dựa vào thông tin từ một phần khác của tim nằm giữa tâm nhĩ và tâm thất, được biết đến là nút AV. Sự gián đoạn trong giao tiếp này dẫn đến tình trạng nhịp chậm xoang. Block nhĩ thất cũng có thể xảy ra thoáng qua hoặc kéo dài dai dẳng.
Phương pháp điều trị nhịp chậm xoang
Để xác định phương pháp điều trị phù hợp cho nhịp chậm xoang, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc thăm khám và đưa ra quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ xem xét các loại thuốc đang được sử dụng để xác định liệu chúng có thể là nguyên nhân gây nhịp chậm xoang hay không. Nếu có bất kỳ thuốc nào đang được sử dụng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, bác sĩ có thể đề xuất ngừng sử dụng. Trong trường hợp người bệnh đang phải sử dụng các loại thuốc cần thiết cho các bệnh lý khác và chúng có thể gây ra nhịp chậm xoang, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Điều trị bằng máy tạo nhịp vĩnh viễn
Máy tạo nhịp vĩnh viễn là một lựa chọn để hỗ trợ tạo bù nhịp tim trong trường hợp nhịp chậm xoang nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Bác sĩ sẽ cấy thiết bị này vào ngực của bệnh nhân, giúp cung cấp dòng điện đều đặn, mô phỏng hiệu ứng tương tự như nút SA của người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Chảy máu tử cung bất thường ở phụ nữ: Làm thế nào để nhận biết?
Trong những trường hợp không thể thực hiện cấy ghép máy tạo nhịp tim vĩnh viễn ngay lập tức, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng máy tạo nhịp tạm thời. Máy tạo nhịp tạm thời sẽ gửi các xung điện kích thích tim thông qua dây dẫn được đặt qua mạch máu đùi hoặc cổ vào tim.
Tóm lại, nhịp chậm xoang có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều trường hợp. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là quan trọng để phát hiện sớm và điều trị nhịp chậm xoang, từ đó ngăn chặn các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm