Đau vai là một triệu chứng rất phổ biến, có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà cơn đau vai biểu hiện mức độ khác nhau, đa phần đều gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Việc xác định đúng nguyên nhân gây đau vai sẽ giúp người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa bệnh tình tiến triển nghiêm trọng.
Bạn đang đọc: Một số bệnh gây đau vai và biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Vai là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất của cơ thể và có phạm vi chuyển động rất linh hoạt. Vì vậy, khi vai bị đau sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến vận động, sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Vậy đau vai là bệnh gì và có những biện pháp nào để phòng ngừa hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Đau vai là bệnh gì?
Vai là một bộ phận có cấu trúc phức tạp, bao gồm 3 xương chính: Xương cánh tay, xương đòn và xương bả vai. Những xương này được lót bằng một lớp sụn và nối với nhau bởi các khớp vai, 2 khớp chính là khớp ức đòn và khớp cùng đòn. Đây là 2 khớp linh hoạt nhất trong các khớp của cơ thể, cho phép vai có thể di chuyển ra trước và sau, cánh tay có thể cử động tròn và vươn dài.
Đau vai là tình trạng vùng vai bị đau nhức, dẫn đến sưng bả vai, khó cử động cánh tay và hạn chế vận động. Đau vai rất phổ biến, ước tính có khoảng 20% dân số từng bị đau vai trong suốt cuộc đời, chỉ đứng sau tỷ lệ mắc các bệnh lý về đau cột sống thắt lưng.
Thói quen sinh hoạt hằng ngày hoặc các chấn thương có thể khiến vai bị tổn thương, dẫn đến đau vai. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà dấu hiệu khi bị đau vai ở mỗi người có thể khác nhau. Các triệu chứng đau vai phổ biến có thể kể đến như:
- Các cơn đau phần khớp vai, trước hoặc sau vai xuất hiện với mức độ ngày càng tăng dần, có thể kéo dài dai dẳng.
- Cơn đau vai tăng khi vận động mạnh.
- Vai khó cử động do triệu chứng cơ cứng vai, làm hạn chế cử động vai và cánh tay.
- Không thể nằm nghiêng phía bên vai bị đau, thậm chí ngay cả khi nằm ngửa cũng có thể dẫn tới cơn đau.
Đối tượng dễ bị đau vai
Chứng đau vai có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào. Trong đó, có một số đối tượng thường dễ bị tình trạng đau vai hơn so với người khác:
- Nhân viên văn phòng: Những người làm việc văn phòng hoặc thường ngồi làm việc như lập trình viên, kế toán, kiến trúc sư,… thường có tần suất ngồi một chỗ lâu và ít vận động, khiến khớp vai bị ảnh hưởng, lâu ngày dẫn đến đau nhức vai. Đây là một trong những đối tượng thường mắc phải chứng bệnh đau vai nhất.
- Người lớn tuổi: Tình trạng đau vai ở người lớn tuổi phần lớn là do một số bệnh lý xương khớp như thoái hóa, loãng xương, viêm khớp,… Ngoài ra, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi cũng làm tăng khả năng bị đau vai của người lớn tuổi.
- Vận động viên thể thao hoặc người vận động quá sức: Nguyên nhân thường gặp là do hoạt động sai tư thế hoặc chấn thương, điều này có thể gây tổn thương trực tiếp cho vai và các khớp vai. Tình trạng này nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm xương khớp vai, thậm chí tăng nguy cơ thoái hóa khớp vai.
Các bệnh gây đau vai
Tình trạng đau vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những nguyên nhân đơn giản như cơ thể mệt mỏi, sai tư thế, đến những nguyên nhân nghiêm trọng hơn như các vấn đề bệnh lý. Dưới đây là một số chứng bệnh thường gây ra các cơn đau ở vai.
Viêm khớp vai
Viêm khớp vai là tình trạng phần khớp vai bị tổn thương hoặc viêm nhiễm, gây sưng, nóng đỏ và đau nhức ở vùng vai. Viêm khớp vai có thể do nguyên nhân nhiễm khuẩn, tự miễn, thoái hóa,… Trường hợp chỉ bị viêm nhẹ, sau một thời gian đau nhức, tình trạng này sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trường hợp nặng mà không điều trị dứt điểm, viêm khớp vai sẽ gây ra những cơn đau khớp kéo dài mạn tính, có thể đau lan xuống cánh tay, cẳng tay, thậm chí dẫn đến các biến chứng về xương khớp tại vùng vai, làm người bệnh không thể nâng hoặc cử động cánh tay.
Thoái hóa khớp vai
Khớp vai rất dễ bị thoái hóa vì là một trong những khớp có tầm vận động rộng nhất và hoạt động liên tục nhất của cơ thể. Khớp vai bị thoái hóa là do tình trạng sụn khớp bị bào mòn, dẫn đến phần xương dưới sụn và các đầu xương vai không được bảo vệ và khi cử động sẽ cọ xát vào nhau gây đau đớn. Từ đó, quá trình cọ xát này cũng làm xơ hóa xương dưới sụn, thoái hóa các đầu xương, từ đó tạo gai xương và hốc xương dưới sụn, góp phần gây sưng và đau nhức vùng vai.
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về xét nghiệm dấu ấn miễn dịch bề mặt tế bào
Chấn thương vùng vai
Chấn thương vùng vai có thể xuất phát từ quá trình sinh hoạt hàng ngày, lao động nặng hoặc tham gia các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, chấn thương vai cũng có thể xảy ra do tai nạn hoặc va chạm trực tiếp vùng vai. Một số chấn thương vai thường gặp:
- Trật khớp vai: Đây là chấn thương khớp vai thường gặp nhất. Khi bị trật vai, hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay tách ra khỏi hốc xương, có thể nhìn thấy rõ hình dạng của vai bị trật bằng mắt thường. Lúc này, cùng với cơn đau dữ dội, khả năng vận động của khớp vai giảm hoặc mất hoàn toàn, vai và cánh tay không thể cử động được.
- Rách cơ chóp xoay vai: Xảy ra khi cơ xoay của khớp vai có vết rách một phần hoặc toàn phần. Chấn thương này có thể gây bởi té ngã, va chạm mạnh hoặc do vận động quá mức tác động vào vùng vai. Triệu chứng nổi bật khi bị rách chóp xoay chính là tình trạng đau vai.
- Đau dây chằng vai: Dây chằng có vai trò kết nối các xương tạo thành khớp. Khi các cấu trúc xung quanh cơ vai bị căng giãn quá mức khiến cơ vai và 2 đầu dây chằng bị viêm và sưng lên. Tình trạng đau dây chằng vai gây ra các cơn đau nhức tại khớp vai.
- Gãy xương bả vai: Thực tế thì xương bả vai rất khó bị gãy, trừ khi có chấn thương lớn như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao hoặc té ngã,… Khi bị gãy xương bả vai, người bệnh sẽ bị sưng, đau và bầm tím ở vùng vai.
Các biện pháp phòng ngừa đau vai
Hiện nay không có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa tuyệt đối các bệnh lý gây đau vai. Tuy nhiên, có thể áp dụng các biện pháp sau để phòng tránh các cơn đau vai trong quá trình sinh hoạt và lao động:
- Trước khi chơi thể thao, vận động mạnh cần thực hiện các bài khởi động để các cơ, gân, dây chằng vai trở nên linh hoạt hơn và tránh bị tổn thương.
- Hạn chế vận động khớp vai cường độ cao trong thời gian vì rất dễ gây chấn thương.
- Không nhấc vật nặng một cách đột ngột hoặc trong tư thế chưa thoải mái.
- Chế độ ăn uống giàu protein, canxi và vitamin D giúp cơ, xương, khớp khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp.
- Sau khi chơi thể thao, làm việc nặng cần có thời gian để nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.
- Thường xuyên tập thể dục, có thể thực hiện các bài tập kéo giãn cơ xương, giúp tăng cường độ dẻo dai của khớp và sức mạnh cơ bắp. Lưu ý, không tập luyện quá sức và kéo dài.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến bị đau buốt trong xương ống chân
Đau vai là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người bệnh nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị đơn giản để giúp giảm các cơn đau. Nếu tình trạng đau nhức vai trở nên nghiêm trọng hoặc do nguyên nhân bệnh lý, chấn thương, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị theo đúng nguyên nhân.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm