Mì Ramen là một món mì nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản. Có những người “đam mê” món ăn này đến nỗi ăn nó thường xuyên. Tuy nhiên, mì Ramen ăn nhiều có tốt không? Ăn mì Ramen thế nào tốt cho sức khỏe thì chưa nhiều người biết.
Bạn đang đọc: Mì Ramen ăn nhiều có tốt không? Cách ăn mì Ramen tốt cho sức khỏe
Nhắc đến ẩm thực Nhật, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến sushi, sashimi, tempura, cơm nắm Onigiri và cả các loại mì truyền thống, trong đó có mì Ramen. Nhiều người thích ăn mì Ramen nhưng chưa rõ loại mì này có giá trị dinh dưỡng thế nào? Ăn nhiều có tốt không. Nếu bạn cũng “đam mê” món mì Ramen, đừng bỏ qua bài viết này.
Mì Ramen là loại mì gì?
Những tín đồ của ẩm thực Nhật Bản hẳn không còn xa lạ với món mì Ramen. Nhưng không phải ai cũng biết lịch sử ra đời và các loại mì Ramen phổ biến.
Lịch sử mì Ramen
Mì Ramen là một loại mì truyền thống, xuất hiện ở đất nước mặt trời mọc từ đầu thế kỷ 20. Từ những năm 1980, món mì này đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản và dần được phổ biến trên toàn thế giới. Thậm chí, năm 1994, bảo tàng mì Ramen đầu tiên ở Nhật Bản đã ra đời.
Nguyên liệu chính để làm nên những tô mì Ramen là sợi mì làm từ lúa mì, nước dùng ninh từ xương heo, xương gà hay cá, các loại thịt, trứng, rong biển, măng chua, rau thơm đi kèm. Nước dùng chính là thành phần đặc trưng nhất của một tô mì Ramen.
Các loại mì Ramen
Dưới đây là những loại Ramen phổ biến nhất có thể bạn đã từng thưởng thức:
- Mì Miso Ramen với đặc trưng là sốt miso (sốt đậu nành lên men) được hầm với thịt gà và cá tạo hương vị ngọt thanh, độc đáo, khác biệt. Sợi mì dùng trong loại này xoắn, dày, ăn kèm với thịt xá xíu, chả cá, trứng luộc lòng đào.
- Mì Tonkotsu Ramen với nước dùng hầm từ xương và mỡ heo trong nhiều tiếng. Loại nước hầm này có màu trắng nhạt, thường đặc, ngọt và béo ngậy. Sợi mì dùng trong loại này là sợi mì nhỏ, ăn kèm trứng luộc lòng đào, thịt heo, rong biển – thực phẩm người Nhật hay ăn, gừng muối chua, hành lá và một số loại rau củ.
- Mì Shoyu Ramen với nước dùng nấu từ thịt, rau củ và xì dầu. Loại mì này có nước dùng khá đậm, sợi mì nhỏ, ăn kèm chả cá, rong biển, thịt xá xíu, măng khô, trứng luộc lòng đào.
- Mì Shio Ramen là loại mì Ramen có vị mặn nhất với nước dùng hầm từ xương heo hoặc thịt gà với nhiều loại muối. Ăn kèm có trứng lòng đào, thịt xá xíu, chả cá, giá đỗ, măng khô và một số loại rau.
- Mì Tsukemen Ramen là loại mì lạnh với sợi mì to hơn các loại khác. Mì và nước dùng để ở 2 tô riêng, khi ăn dùng mì chấm vào nước dùng.
Mì Ramen có cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể không?
Như tìm hiểu các loại mì Ramen bên trên, có thể thấy thành phần chính của loại mì này gồm:
- Những sợi mì được làm từ bột lúa mì. Đây là nguồn cung cấp chất bột đường cho cơ thể, tương tự như cơm trắng. Tuy nhiên, những ai bị dị ứng gluten – một loại protein trong lúa mì có lẽ không thích hợp với mì Ramen.
- Nước dùng được hầm từ xương gà, xương heo, cá, rong biển, mỡ heo, nước tương, các loại muối.
- Các loại topping ăn kèm gồm có thịt heo xá xíu, trứng luộc lòng đào, đậu phụ, rong biển, chả cá.
- Các loại rau củ thường có giá đỗ, rong biển, măng khô, hành lá xuất hiện trong tô mì với lượng khá ít.
Căn cứ vào những thành phần nguyên liệu trên, ta có thể thấy một tô mì Ramen hoàn toàn có thể cung cấp năng lượng tức thì cho cơ thể. Dinh dưỡng từ chất bột đường, chất béo, chất đạm, chất xơ có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Thi thoảng, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng một tô mì Ramen nhưng bạn không nên ăn món này với tần suất thường xuyên, liên tục.
Tìm hiểu thêm: Bệnh trĩ nhiễm trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Ăn mì Ramen nhiều có tốt không?
Dù khá đủ dưỡng chất nhưng chúng ta không nên ăn quá nhiều mì Ramen, lý do là:
- Hàm lượng chất xơ trong một tô Ramen khá ít, thông thường chỉ có một chút rau thơm, một chút rong biển, vài ngọn giá đỗ. Đây là lý do chúng ta không nên ăn quá nhiều mì Ramen để tránh mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn quá nhiều mì Ramen dễ bị nóng trong người, dẫn đến táo bón và mụn nhọt.
- Một số loại mì Ramen có hàm lượng muối và mỡ động vật khá cao. Muối vốn là khoáng chất cần thiết với cơ thể nhưng nếu dùng quá ngưỡng cần thiết có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận. Tác hại của việc ăn mặn là dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay nhiều vấn đề tim mạch khác. Cơ thể dư thừa muối còn dẫn đến loãng xương, suy thận, ung thư dạ dày,…
- Có lẽ không cần bàn nhiều về tác hại của mì gói. Trong mì Ramen ăn liền thường chứa các chất phụ gia chống oxy hóa và bột ngọt. Hàm lượng những chất này trong một khẩu phần mì Ramen ăn liền dù nhỏ và trong mức cho phép, nhưng nếu ăn quá nhiều loại mì này, các chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể nhiều hơn. Lâu ngày, chúng có thể làm tăng nguy cơ phì đại gan, ung thư hạch, tổn thương thần kinh, cao huyết áp…
>>>>>Xem thêm: Cách ăn giảm cân chuẩn khoa học không phải ai cũng biết
Ăn mì Ramen thế nào tốt cho sức khỏe?
Để đảm bảo sức khỏe khi ăn mì Ramen, bạn có thể lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên ăn mì Ramen quá thường xuyên, liên tục, thay thế các bữa ăn chính.
- Không nên ăn quá nhiều vì mì Ramen cung cấp nhiều calo, dễ gây tăng cân.
- Không nên ăn mì Ramen loại mì ăn liền. Bạn nên tự nấu hoặc ăn ở những quán ăn, nhà hàng Nhật Bản.
- Khi nấu mì Ramen bạn nên cho thêm nhiều rau, củ để bổ sung chất xơ, giúp món ăn thêm đầy đủ dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn.
- Bạn nên chọn các loại mì Ramen có ít muối, khi chế biến bạn cũng có thể giảm lượng muối trong món ăn. Việc hạn chế dùng dầu, mỡ khi nấu mì cũng giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát nồng độ cholesterol hiệu quả.
Tóm lại, mì Ramen là một món ngon đáng thử. Không phải vô cớ mà món mì này trở thành tinh hoa trong ẩm thực Nhật Bản và được yêu thích trên toàn thế giới. Nhưng dù ngon miệng đến mấy, bạn cũng chỉ nên ăn mì Ramen với lượng vừa phải để tránh mất cân bằng dinh dưỡng.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm