Bướu máu và bướu huyết thanh là những tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này, Vậy làm thế nào để phân biệt bướu máu và bướu huyết thanh?
Bạn đang đọc: Hướng dẫn phân biệt bướu máu và bướu huyết thanh
Bướu máu (còn gọi là u máu) và bướu huyết thanh là 2 loại bướu sơ sinh với hình dáng và vị trí xuất hiện tương đồng. Việc tìm hiểu và phân biệt các loại bướu ở trẻ sẽ giúp ba mẹ không còn lo lắng và chủ động hơn trong việc thăm khám, điều trị cho trẻ. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá cách nhận biết bướu máu và bướu huyết thanh trong nội dung dưới đây.
Bướu máu ở trẻ sơ sinh là gì?
Bướu máu hay còn gọi là u máu ở trẻ sơ sinh là sự tăng trưởng ở các tế bào nội mạc mạch máu phụ trên da. Bướu máu có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể như mặt, đầu, chân, tay,… Trong đó, bướu máu ở vùng đầu, mặt và cổ chiếm tới 60%. Đặc biệt, tỷ lệ bướu máu ở bé gái cao hơn bé trai. Đây cũng là điểm khác biệt của bướu máu và bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện nhiều bướu máu cùng lúc ngay sau sinh hoặc sau vài tuần đến vài tháng. Bướu máu thường hình thành từ kích thước nhỏ như một nốt ruồi son rồi phát triển thành những vết to và đậm dần lên, thậm chí gồ lên thành mảng lớn.
Bướu huyết thanh là gì?
Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là tình trạng vùng đầu xuất hiện cục u do sưng hoặc phù nề ngay sau khi sinh. Cục u này là lành tính và nằm ngoài hộp sọ nên không gây ra bất kỳ tổn thương nào liên quan đến hệ thần kinh. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như tình trạng thiếu máu, vàng da ở trẻ.
Phân biệt bướu máu và bướu huyết thanh
Do vị trí và thời điểm xuất hiện tương đối giống nhau nên khiến nhiều ba mẹ nhầm lẫn giữa bướu máu và bướu huyết thanh. Tuy nhiên ba mẹ có thể dễ dàng phân biệt nếu nắm vững những thông tin dưới đây.
Nguyên nhân hình thành
Bướu máu và bướu huyết thanh khác nhau ở nguyên nhân gây ra. Trong đó, bướu máu gây ra bởi tình trạng các tế bào lót trong mạch máu sinh sản nhanh bất thường và một số yếu tố nguy cơ như người mẹ nhiễm virus HPV, nội tiết,… Còn bướu huyết thanh hình thành trong quá trình sinh nở, do sự chèn ép của đường sinh âm đạo lên đầu trẻ, hoặc do tác động của các dụng cụ hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, cả 2 loại bướu đều được đánh giá là lành tính và có liên quan đến tình trạng vàng da sơ sinh.
Vị trí xuất hiện
Bướu máu có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như mặt, chân, tay, cổ,… còn bướu huyết thanh thường chỉ xuất hiện ở vùng đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ bướu máu ở đầu là khá cao gây ra tình trạng nhầm lẫn.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về kỹ thuật phẫu thuật mở cạnh cổ
Tính chất bướu
Khối bướu máu thường là những tổn thương không đau với bề mặt bằng phẳng hoặc hơi gồ ghề trên da. Chính vì thế, bướu máu rất dễ bị loét, chảy máu nếu xảy ra va đập trong quá trình chăm sóc trẻ. Bướu huyết thanh có tính chất mềm khi ấn nhẹ và cũng không gây đau đớn cho trẻ.
Kích thước và màu sắc
Bướu máu và bướu huyết thanh khác nhau nhất ở kích thước và màu sắc. Đúng như tên gọi, bướu máu như một vết bớt có màu hồng hoặc hồng đậm. Kích thước bướu cũng không cố định mà lớn dần theo sự phát triển của trẻ.
Trong khi đó bướu huyết thanh chỉ là sự phù nề khiến vùng da đầu sưng lên thành cục u và thường không có màu. Kích thước của bướu huyết thanh thường cố định ngay khi xuất hiện và ít tăng kích thước theo thời gian.
Biến chứng
Sự khác nhau của bướu máu và bướu huyết thanh còn thể hiện ở biến chứng sức khỏe mà nó có thể gây ra. Thông thường cả 2 loại bướu đều có thể tự hết nhưng vẫn có thể xảy ra nhiều biến chứng đáng lo ngại. Trong đó, bướu máu có thể gây ra nhiều biến chứng tùy vào vị trí bướu như khó thở, ho ra máu, yếu xương, giảm thính lực, viêm loét hoặc hoại tử da,…
Bướu huyết thanh trong nhiều trường hợp cũng có thể gây ra tình trạng vàng da do nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, thiếu máu sơ sinh, nhiễm trùng,…
Phương pháp điều trị
Bướu huyết thanh thường sẽ tự hết sau vài tuần nên không cần điều trị. Với các trường hợp xảy ra biến chứng vàng da, thiếu máu, nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ có chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Tác dụng phụ của tretinoin là gì? Cách sử dụng tretinoin hiệu quả
Còn đối với bướu máu, nếu bướu gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ thì bác sĩ sẽ dựa vào kích thước, vị trí và tình trạng khối u để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bướu máu phổ biến hiện nay bao gồm sử dụng thuốc bôi tại chỗ, dùng thuốc đường uống, phẫu thuật và chiếu tia laser để loại bỏ khối u.
Bướu máu và bướu huyết thanh có thể xảy ra ở bất cứ trẻ sơ sinh nào. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về những tình trạng này. Nhờ đó sẽ có cách theo dõi, chăm sóc và xử trí kịp thời trong các tình huống nguy hiểm.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm