Khi khám hội chứng thắt lưng hông, bác sĩ sẽ khám đồng thời hai hội chứng nhỏ của tình trạng này gồm hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Dựa vào dấu Lasegue, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân có bị hội chứng thắt lưng hông hay không, từ đó chỉ định phương án điều trị phù hợp.
Bạn đang đọc: Dấu Lasegue: Phương pháp chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông
Dựa vào dấu Lasegue hay còn gọi là nghiệm pháp Lasegue được xem là phương pháp khám lâm sàng hội chứng thắt lưng hông phổ biến, cho phép bác sĩ phát hiện những triệu chứng của hội chứng này. Hai hội chứng thành phần của hội chứng thắt lưng – hông gồm hội chứng dây rễ thần kinh và hội chứng cột sống.
Hội chứng thắt lưng hông là bệnh gì?
Các rễ dây thần kinh tủy sống ở vùng cột sống thắt lưng kéo dài từ đốt sống L1 đến đốt sống L5. Nếu cột sống hoặc đĩa đệm thắt lưng bị tổn thương thì những rễ dây thần kinh tại vùng này cũng rất dễ bị tổn thương, tình trang này gọi là hội chứng thắt lưng hông.
Nhìn chung, hội chứng thắt lưng hông có liên quan trực tiếp đến các rễ thần kinh của đốt sống L1 – L5, dây thần kinh tủy sống ở thắt lưng và đoạn cuối của tủy sống, khiến người bệnh bị đau đớn, ảnh hưởng khả năng vận động.
Các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động và di chuyển do hội chứng thắt lưng hông có liên quan với dây thần kinh cột sống. Tuy nhiên, cơn đau chỉ có tính chất cơ học nên thường hết đau khi nghỉ ngơi hoặc dễ dàng giảm đau đáng kể.
Cũng vì lý do này mà nhiều người chủ quan không phát hiện bệnh và điều trị muộn dẫn đến những biến chứng xấu như yếu cơ, giảm hoặc mất khả năng vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh thực vật,…
Cả nam ở độ tuổi 40 và nữ độ tuổi từ 50 – 60 đều có thể mắc hội chứng thắt lưng hông. Nguy cơ mắc hội chứng này tăng lên do một số yếu tố như:
- Độ tuổi: Người cao tuổi dễ mắc bệnh cao hơn;
- Vận động mạnh;
- Mắc các bệnh lý khác liên quan đến cột sống.
Triệu chứng của hội chứng thắt lưng hông
Để nhận biết hội chứng thắt lưng hông, cần dựa vào 2 nhóm triệu chứng ở cột sống thắt lưng và ở rễ thần kinh.
Với hội chứng rễ dây thần kinh
Người bệnh gặp triệu chứng phổ biến nhất là xuất hiện cơn đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, là dây thần kinh dài nhất chạy từ mông xuống chân. Cơn đau được cảm nhận là nhức, khiến người bệnh giảm khả năng vận động và sinh hoạt.
Với hội chứng cột sống
Người bệnh có biểu hiện đau ở cột sống thắt lưng có thể là cơn đau đột ngột cấp tính tự phát hoặc bị đau sau khi gặp phải chấn thương. Ngoài ra, có một số trường hợp bị đau từ từ theo kiểu bán cấp hoặc là mạn tính. Khi bác sĩ ấn trên mỏm các đốt sống, người bệnh sẽ thấy đau nhói ở các đốt sống. Đặc biệt, trường hợp cột sống bị biến dạng làm đường cong sinh lý thay đổi dẫn đến giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng.
Dấu Lasegue áp dụng trong chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông
Để xác định bệnh nhân có bị hội chứng thắt lưng hông hay không, bác sĩ sẽ dùng dấu Lasegue.
Thao tác chẩn đoán bằng dấu Lasegue
Nghiệm pháp Lasegue là dấu hiệu thường được bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông, diễn ra theo 2 thì:
Thì 1:
Chân của bệnh nhân luôn duỗi thẳng. Nâng cao chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường (hướng tới 90 độ) cho đến khi bệnh nhân kêu đau, cảm thấy căng dọc mặt sau chân thì dừng lại. Lúc này, bác sĩ sẽ xác định góc giữa mặt giường và chân bệnh nhân. Ví dụ, nâng chân bệnh nhân tới 60 độ thì bệnh nhân kêu đau, như vậy góc Lasegue sẽ là 60 độ.
Thì 2:
Giữ nguyên góc 60 độ trên và gấp chân bệnh nhân lại tại khớp gối. Bệnh nhân không còn thấy đau dọc mặt sau chân nữa. Bác sĩ sẽ khám lần lượt hai chân của bệnh nhân.
Đánh giá kết quả khi sử dụng dấu Lasegue
Người bình thường sẽ có góc Lasegue 90 độ. Khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện sau đây, bác sĩ sẽ kết luận dấu Lasegue dương tính:
Thì 1:
Khi chân chưa vuông góc với mặt giường, bệnh nhân thường sẽ cảm thấy đau.
Thì 2:
Bệnh nhân không còn thấy đau nữa khi chân gấp lại.
Trường hợp dấu Lasegue chéo là khi đang tìm dấu hiệu Lasegue bên chân lành thì chân bên bị bệnh sẽ đau tăng lên.
Tìm hiểu thêm: Đặt ống jj đi tiểu ra máu có sao không?
Các dấu hiệu khác để chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông
Ngoài dùng dấu Lasegue chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông, bác sĩ có thể áp dụng nhiều dấu hiệu khác như:
Hệ thống điểm Valleix: Đây là những điểm mà dây thần kinh hông to đi qua, gồm có điểm giữa ụ ngồi và mấu chuyển, điểm giữa mặt sau đùi, điểm giữa nếp lằn mông, điểm giữa nếp kheo chân. Khi bác sĩ ấn vào những điểm ở trên mà người bệnh cảm thấy đau nhói tại đó tức là dây thần kinh đang bị tổn thương.
Dấu hiệu Neri: Người bệnh ở tư thế đứng thẳng, sau đó cúi gập người, giơ hai tay ra trước (hướng tay chạm xuống đất), hai gối giữ thẳng. Khi bệnh nhân thấy đau dọc chân bị bệnh và chân bên đó co lại tại khớp gối là nghiệm pháp dương tính.
Dấu hiệu Déjerine: Khi hắt hơi, ho bệnh nhân thấy đau ở vùng thắt lưng tăng lên.
Dấu hiệu Siccar: Bệnh nhân nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân thoải mái. Bác sĩ khám như kiểm tra dấu hiệu Lasegue thì 1. Khi bệnh nhân thấy đau tăng dọc mặt sau chân đang được khám thì nghiệm pháp dương tính.
Dấu hiệu Bonnet: Bệnh nhân nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân thoải mái. Bác sĩ gấp cẳng chân bệnh nhân hướng vào đùi và gấp đùi vào bụng. Khi bệnh nhân thấy đau sau đùi và vùng mông bên được khám thì nghiệm pháp dương tính.
Dấu hiệu Wasserman: Bệnh nhân nằm sấp, duỗi thẳng hai chân, thoải mái. Bác sĩ nâng đùi bệnh nhân lên khỏi mặt giường nhẹ nhàng, từ từ. Khi bệnh nhân thấy đau, căng ở mặt trước đùi thì nghiệm pháp dương tính.
Cách hạn chế hội chứng thắt lưng hông
Dù sao thì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mỗi người có thể tự hạn chế và phòng ngừa được những cơn đau do hội chứng thắt lưng hông gây ra khi thực hiện các biện pháp sau:
- Để cải thiện sự dẻo dai của các cơ thắt lưng, bạn nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, cần chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vùng thắt lưng.
- Cần nâng, bê vật nặng với thao tác đúng tư thế chuẩn.
- Hạn chế ngồi sai tư thế và ngồi nhiều trong một thời gian dài. Người làm việc văn phòng hoặc công việc yêu cầu ngồi nhiều nên đứng dậy, di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc.
- Khi sinh hoạt vợ chồng tránh những tư thế khó, cường độ mạnh.
- Hạn chế đi giày cao gót vì gây áp lực lên cột sống – thắt lưng.
- Cần có một chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ dưỡng chất (bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi và vitamin D để cải thiện sức khỏe của xương), hạn chế sử dụng các chất kích thích hoặc đồ uống có cồn.
- Nếu đang mắc hội chứng thắt lưng hông, nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hoặc ngồi ghế xích đu.
- Bình thường nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp y khoa: Sinh thiết bằng kim nhỏ có chính xác không?
Khi thấy có dấu hiệu tê bì tay chân ngày càng nhiều và đau tại vùng thắt lưng xuống hông, bệnh nhân nên đi khám ngay. Bác sĩ sẽ dùng dấu Lasegue để phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân có bị hội chứng thắt lưng hông hay không.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Thử nghiệm lâm sàngThoái hóa cột sốngCơ xương khớp