Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng bị nấc. Đa số tình trạng này đều không kéo dài song cũng có một số trường hợp nấc kéo dài khiến người bị nấc cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc cách chữa nấc kéo dài.
Bạn đang đọc: Bật mí cách chữa nấc kéo dài đơn giản có thể thực hiện tại nhà
Nấc là hiện tượng bình thường xong nấc kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó. Vậy nguyên nhân gây nấc là gì và cách chữa nấc kéo dài ra sao? Đọc bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có được câu trả lời bạn nhé.
Tổng quan về tình trạng nấc
Nấc hay nấc cụt là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường. Nấc xảy ra khi có sự kích thích lên cung phản xạ não – thần kinh hoành hoặc cơ hoành.
Thông thường, một cơn nấc thường kéo dài trung bình từ 5 đến 10 phút song có một số trường hợp nấc kéo dài đến vài gờ, thậm chí đến vài ngày. Trung bình, tần số nấc thay đổi từ 2 đến 60 lần/phút.
Nấc được chia thành 2 loại đó là nấc mạn tính và nấc cấp tính. Trong đó:
- Nấc cấp tính: Tình trạng nấc xảy ra trong một thời gian ngắn, khoảng vài giờ đến vài ngày với tần số thấp.
- Nấc mạn tính: Tình trạng nấc xảy ra liên tục và kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí là trong vài tháng hoặc lâu hơn khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ và sụt cân.
Nguyên nhân gây nấc
Nấc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Người ta chia nguyên nhân gây nấc thành 2 nhóm chính đó là nhóm nguyên nhân không đáng ngại và nhóm nguyên nhân cần lưu ý.
Nguyên nhân không đáng ngại
Nấc cụt có thể xảy ra do các nguyên nhân không đáng lo ngại khác nhau chẳng hạn như sự thay đổi cảm xúc hoặc tình trạng thể chất. Lúc này, có sự kích thích đến dây thần kinh kết nối não bộ với cơ hoành.
Một số nguyên nhân không đáng ngại dẫn đến nấc có thể kể đến như:
- Ăn quá nhanh hoặc ăn quá nhiều;
- Cảm thấy phấn khích hoặc hồi hộp quá mức;
- Sử dụng đồ uống có ga hoặc có cồn;
- Stress;
- Sự thay đổi đột ngột nhiệt độ;
- Nuốt nhiều không khí vào miệng trong quá trình ăn uống, chẳng hạn như vừa ăn vừa nói chuyện hay nhai kẹo cao su…
Nguyên nhân gây nấc đáng lưu ý
Nấc kéo dài có thể xuất phát từ một số nguyên nhân cần lưu ý như:
- Tổn thương dây thần kinh nối não bộ với cơ hoành. Thủ phạm dẫn đến tổn thương này có thể là do đau họng, màng nhĩ bị chạm phải, sự xuất hiện của khối u, u nang ở cổ hoặc bướu cổ…
- Tổn thương hệ thống thần kinh trung ương với bất kỳ một lý do nào đó, chẳng hạn như viêm màng não, viêm não, các rối loạn chuyển hoá hoặc suy thận.
- Sử dụng thuốc thuộc nhóm corticosteroid, thuốc an thần, thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid hoặc nhóm kháng sinh fluoroquinolon… đôi khi cũng có thể gây nấc kéo dài.
- Một số thủ thuật, đặc biệt là các thủ thuật có liên quan đến việc sử dụng thuốc gây mê đều dễ gây nấc cụt.
Nấc cụt kéo dài có nguy hiểm không?
Trên thực tế, hầu hết các trường hợp nấc cụt có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài quá 48 giờ hoặc gây phiền toái đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì bạn cần thật sự chú ý bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn.
Một số bệnh lý có thể gây nấc kéo dài như các bệnh lý về đường tiêu hoá (trào ngược dạ dày – thực quản, viêm thực quản, các bệnh thuộc dạ dày tá tràng như viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh về đường dẫn mật như viêm túi mật và viêm tuỵ tạng…), suy thận, ung thư phổi…
Trên thực tế, nấc kéo dài có thể gây khó chịu, thậm chí là ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người bệnh. Lúc này, người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề như:
- Ngủ không sâu giấc, thức giấc giữa đêm, mất ngủ và lâu dần sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ…
- Mệt mỏi, kiệt sức.
- Chán ăn, khó ăn, khó nuốt… Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Mất nước và mất cân bằng điện giải.
- Những trường phẫu thuật điều trị bệnh lý về dạ dày thực quản, nấc có thể khiến vết mổ khó lành thương, thậm chí làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật…
- Trong một số trường hợp, nấc kéo dài có thể gây ra biến chứng trào ngược dạ dày – thực quản và rối loạn nhịp tim.
Tìm hiểu thêm: Thâm mắt bẩm sinh có chữa được không? Nguyên nhân và cách khắc phục tại nhà
Cách chữa nấc kéo dài
Như các bạn cũng đã thấy, tình trạng nấc kéo dài gây ra không ít phiền toái cho người mắc phải thậm chí là ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chính vì thế, cách chữa nấc kéo dài vẫn luôn là chủ đề quan tâm của không ít độc giả.
Mặc dù không được chứng minh bởi nhiều bằng chứng khoa học, nhưng dưới đây là một số cách cắt cơn nấc hiệu quả, bạn có thể thử:
- Nín thở và nuốt nước bọt liên tục 3 lần;
- Hít thở vào một túi giấy kín;
- Uống một ly nước đầy với một hơi liên tục;
- Nuốt 1 muỗng cà phê đường;
- Lè lưỡi hết cỡ trong vòng 5 giây…
Bên cạnh đó, khi bị nấc cụt, bạn nên tránh những việc sau:
- Không sử dụng đồ uống có ga, có cồn hoặc nước nóng;
- Không hút thuốc, không nhai kẹo cao su;
- Tránh ăn đồ ăn quá cay;
- Không ăn quá nhanh;
- Sau khi ăn một món nóng thì không ăn đồ quá lạnh.
Tuy nhiên, không thể loại trừ nguyên nhân khiến bạn bị nấc kéo dài là do bệnh lý. Chính vì thế, nếu bạn bị nấc quá 48 giờ hoặc tình trạng nấc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Tại đây, cùng với việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm một số chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, đo nồng độ pH thực quản, nội soi tiêu hoá, nội soi phế quản, chụp X quang ngực, chụp X quang phổi, siêu âm tim… Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây nấc, bác sĩ sẽ đưa ra cách chữa nấc kéo dài phù hợp với từng trường hợp.
Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc chữa nấc kéo dài như Metoclopramide, Chlorpromazine hay Baclofen… Nếu phương pháp điều trị ít xâm lấn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chặn dây thần kinh cơ hoành, ngăn chặn các cơn nấc bằng cách tiêm một chất gây mê.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cấy ghép một thiết bị hoạt động bằng pin để cung cấp điện nhẹ đến dây thần kinh phế vị nhằm kiểm soát cơn nấc dai dẳng.
>>>>>Xem thêm: Các nguyên tắc cần thực hiện khi bảo quản thuốc tại nhà
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng nấc kéo dài phiền toái. Hy vọng, qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng nấc đồng thời nắm được cách chữa nấc kéo dài. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm