Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần can thiệp y tế kịp thời. Đối tượng nguy cơ bao gồm bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn so với bệnh lý khác. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu lý do vì sao nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết vì sao? Thông tin về nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Trong đó, có nhiều đối tượng dễ mắc phải tình trạng này như người có vết thương lớn, bỏng nặng, bệnh nhân đang đặt ống thở hoặc thực hiện chu trình lọc máu. Vậy, vì sao bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn?
Thông tin về bệnh nhiễm khuẩn huyết
Nhiễm khuẩn huyết hay còn được biết đến như nhiễm trùng máu, là một bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh xuất phát khi vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập vào máu, từ đó lan tỏa khắp cơ thể. Điều này thường xảy ra khi có tổn thương ban đầu tại một cơ quan lan vào máu.
Vi khuẩn và virus trong máu có khả năng giải phóng những chất độc hại, đồng thời kích thích phản ứng viêm của cơ thể. Những phản ứng này có thể dẫn đến một loạt các thay đổi bên trong cơ thể, gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan quan trọng như gan và thận.
Mặt khác, cơ chế đông máu có thể bị ảnh hưởng, làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho chức năng của mô cơ quan.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm rối loạn đông máu, suy gan thận, tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể. Trong trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra sốc nhiễm trùng, dẫn đến hạ huyết áp và suy giảm đồng thời chức năng của nhiều cơ quan quan trọng như phổi, thận và gan.
Dù có các biện pháp điều trị tích cực kết hợp sử dụng kháng sinh phù hợp, đôi khi bệnh nhân vẫn có thể tử vong do tình trạng nặng nề của sốc nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc nhận biết và điều trị nhiễm khuẩn huyết sớm là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng cũng như cải thiện kết quả cho bệnh nhân.
Đồng thời, việc duy trì sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch cũng cần được đặc biệt chú ý trong việc ngăn chặn sự lan truyền của mầm bệnh, tiến triển nhiễm khuẩn huyết.
Đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn huyết
Đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn huyết bao gồm những nhóm có yếu tố rủi ro cao, bao gồm:
- Có vết thương nặng hoặc bỏng: Những người có vết thương nặng như bỏng là nhóm đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn huyết, vì vết thương có thể là cửa ngõ cho vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể. Đồng thời, vết thương cũng kích thích phản ứng viêm khiến cơ thể dễ phản ứng với vi khuẩn, virus hay mầm bệnh nói chung.
- Người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Nhóm đối tượng này thường có hệ thống miễn dịch yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già đều có khả năng chống lại nhiễm trùng thấp hơn so với nhóm tuổi khác.
- Hệ thống miễn dịch bị tổn thương: Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương như người mắc HIV, đang điều trị bằng hóa trị liệu hoặc tiêm steroid đều tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn huyết vì khả năng phòng ngừa nhiễm trùng của sức đề kháng bị giảm.
- Có ống thông tiểu hoặc tiêm tĩnh mạch (bao gồm cả trường hợp lọc máu): Các quá trình y tế liên quan đến việc sử dụng ống thông tiểu, tiêm tĩnh mạch hoặc bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn so với nhóm bệnh nhân khác.
- Bệnh nhân đang thở máy: Những người bệnh đang sử dụng máy thở cũng là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn huyết. Việc sử dụng thiết bị y tế này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào cơ quan như hệ hô hấp.
Đối với nhóm đối tượng này, việc đề phòng cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn huyết là điều quan trọng. Các biện pháp bảo vệ như vệ sinh cá nhân, kiểm soát vết thương, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bệnh nhân thuộc nhóm rủi ro giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.
Tìm hiểu thêm: Người cắt lá lách sống được bao lâu? Khi nào cần cắt lá lách?
Vì sao bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết?
Lọc máu một giải pháp tích cực cho bệnh nhân suy thận mãn tính, tuy nhiên lại đối mặt với nguy cơ cao mắc nhiễm khuẩn huyết. Chuyên gia đã đưa ra những lý do giải thích tại sao bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết hơn nhóm đối tượng bệnh nhân khác.
Một trong những lý do chính là việc đặt catheter ở tĩnh mạch trung tâm trong quá trình lọc máu. Catheter là điểm nơi máu được lấy ra và đưa vào lại cơ thể, tạo nên cửa ngõ tạo cơ hội lý tưởng cho vi khuẩn tấn công, đặc biệt nếu bệnh nhân thực hiện lọc máu thường xuyên ở môi trường như bệnh viện, cơ sở y tế.
Trong quá trình lọc máu, phần catheter nằm ở lòng mạch bị bao bọc bởi huyết tương, trong đó có fibrinogen, fibronectin và laminin, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự bám dính, phát triển của vi khuẩn, đặc biệt nguy hiểm là tụ cầu khuẩn.
Ngoài ra, phức hợp glycalise của tụ cầu vàng được xem như một trợ thủ đắc lực giúp vi khuẩn xâm thực và lan rộng nhanh chóng trong hệ thống máu. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao nhất là những bệnh nhân cao tuổi, người đang mắc bệnh lý mãn tính như đái tháo đường với hệ thống miễn dịch suy yếu
Mặc dù việc chăm sóc và vệ sinh catheter đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhưng nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết khi thực hiện quá trình lọc máu.
Sự suy giảm miễn dịch, giảm albumin máu, tăng sản sinh các dạng oxy phản ứng kết hợp tiền sử bệnh lý đã mắc nhiễm khuẩn huyết đều là các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết.
Bỏi vậy, cần có phương án toàn diện ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn huyết cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Bệnh nhân cần được chăm sóc chu đáo từ đội ngũ nhân viên y tế phối hợp với người nhà để đảm bảo quá trình điều trị trong bệnh viện đạt hiệu quả, an toàn tối ưu.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về loạn sản ngoại bì và phương pháp điều trị
Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin giải đáp thắc mắc rằng vì sao bệnh nhân lọc máu dễ bị nhiễm khuẩn huyết. Mong bạn đọc đã có được câu trả lời hữu ích mà còn có thêm thông tin về bệnh lý nhiễm khuẩn huyết. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết mới về nhiều chủ đề phong phú, đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:nhiễm trùng máunhiễm trùng