Lỗ ở tai bẩm sinh là dị tật có một lỗ nhỏ trên da mặt vùng trước tai, thông vào trong vùng chân sụn vành tai. Trẻ có dị tật này nếu không được vệ sinh cẩn thận sẽ bị viêm và chảy mủ, nguy hiểm đến sức khỏe.
Bạn đang đọc: Lỗ ở tai bẩm sinh là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Lỗ ở tai bẩm sinh hay còn gọi là rò luân nhĩ, được xem là một loại dị tật bẩm sinh. Trẻ bị rò luân nhĩ sẽ có một lỗ nhỏ như đầu tăm ở vùng da mặt trước tai, không kèm theo dấu hiệu đặc biệt nào nếu không có viêm nhiễm. Vậy rò luân nhĩ là gì và tình trạng này có nguy hiểm không, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tìm hiểu về hiện tượng có lỗ ở tai bẩm sinh
Rò luân nhĩ thường xảy ra vào tuần thứ 6 của thai kỳ, tỷ lệ mắc ở bé gái cao hơn bé trai. Xét trên phương diện bào thai học, rò luân nhĩ được hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai trong quá trình hình thành tai ngoài.
Khái niệm hiện tượng có lỗ ở tai bẩm sinh
Rò luân nhĩ là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng có một lỗ nhỏ ở phía trước vành tai của bé. Lỗ này ăn sâu vào trong và bám vào sụn của vành tai. Sự xuất hiện của lỗ rò luân nhĩ có thể trở thành tác nhân tạo ra u nang dưới da liên quan đến xương trước vòng xoắn và sụn khớp.
Hiện tượng có lỗ ở tai bẩm sinh có thể quan sát thấy ngay sau khi trẻ chào đời, thường chỉ có ở một bên tai, hiếm khi ở cả hai bên. Trong một số trường hợp, rò luân nhĩ có thể kết hợp với các dị tật khác và tạo thành những hội chứng hoặc bệnh lý có biểu hiện toàn thân như: Teo nửa mặt, khe mang – tai – thận,…
Nhận biết hiện tượng có lỗ ở tai bẩm sinh
Thông thường, lỗ rò luân nhĩ thường nằm gần bờ trước vành tai, có khi nằm dọc theo rìa phía trên vòng xoắn, tiểu thùy hoặc đường tragus. Kích thước lỗ rò khoảng bằng một đầu que tăm. Nếu nặn từ trong lỗ rò ra, ta có thể thấy chất bã màu trắng đục chảy ra như nhân trứng cá. Đây cũng là lý do khiến không ít người nhầm lẫn rò luân nhĩ với mụn trứng cá.
Hầu hết các lỗ rò luân nhĩ không biểu hiện thành triệu chứng khi không xảy ra hiện tượng nhiễm trùng. Nếu lỗ rò bị nhiễm trùng thì bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng ngứa, sưng, đau, tấy đỏ, chảy dịch. Dịch lỗ rò có thể có mùi hôi hoặc không. Ngoài ra, người bị rò luân nhĩ nhiễm trùng thường xuyên bị chảy mủ tai. Khi tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sốt, đau đầu, tụ mủ và viêm mô tế bào. Tác nhân chính gây ra nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ là vi khuẩn tụ cầu, Peptococcus, Proteus, Streptococcus.
Lỗ ở tai bẩm sinh có nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?
Với những triệu chứng như đã đề cập ở trên, nhiều người băn khoăn việc có lỗ ở tai bẩm sinh có nguy hiểm hay không? Trường hợp nào cần phải phẫu thuật để điều chỉnh lỗ rò luân nhĩ này?
Có lỗ ở tai bẩm sinh có nguy hiểm không?
Lỗ rò luân nhĩ bản chất không nguy hiểm nhưng vấn đề lại nằm ở việc nó có thể bị viêm và nhiễm trùng. Do nhiều người bị nhưng không biết, do chủ quan hoặc không chú ý đến việc vệ sinh lỗ rò nên dẫn đến hệ lụy là xảy ra viêm nhiễm tại đây. Ngoài ra, bệnh nhân rò luân nhĩ có thể gặp các biến chứng như:
- Lỗ rò luân nhĩ phình ra tạo thành nang bội nhiễm. Theo thời gian, kích thước nang bội nhiễm to lên và bị áp xe rò luân nhĩ. Tình trạng này có thể lan ra cả sau tai.
- Lỗ rò luân nhĩ bị viêm nên gây sưng, đau, ngứa ngáy, phình to rồi vỡ ra, gây ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ.
- Lỗ rò luân nhĩ tiết dịch, hình thành áp xe. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến thính giác.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu thực quản có vấn đề mà bạn nên biết
Có lỗ ở tai bẩm sinh khi nào cần phẫu thuật?
Bên trong đường rò luân nhĩ có một ống được lát bằng biểu mô với tác dụng giúp hạn chế tiết dịch. Nếu lỗ rò không bị nhiễm trùng thì không cần điều trị.
Trong trường hợp lỗ rò luân nhĩ bị viêm, nguy cơ bị nhiễm trùng, áp xe sẽ tăng lên. Tình trạng này nghiêm trọng hơn khi người có lỗ rò không nhận biết được dấu hiệu viêm rò luân nhĩ để điều trị sớm. Lúc này, người bệnh cần phải phẫu thuật rò luân nhĩ để loại bỏ đường rò, nhằm chấm dứt nhiễm trùng.
Cách vệ sinh lỗ ở tai bẩm sinh để phòng ngừa viêm nhiễm
Người bị rò luân nhĩ không viêm có thể chung sống với lỗ ở tai bẩm sinh cả đời mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc theo dõi, chăm sóc và vệ sinh lỗ rò luân nhĩ rất quan trọng vì việc này giúp phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm.
Cách vệ sinh lỗ rò luân nhĩ bình thường
Để vệ sinh lỗ rò luân nhĩ bình thường, bạn cần thực hiện như sau:
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch vùng có lỗ rò hàng ngày.
- Không dùng tay nặn hay bóp vào lỗ rò, không đưa tăm bông sâu vào đường rò để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào lỗ rò và hình thành viêm nhiễm.
- Nếu bên ngoài lỗ rò có hiện tượng tiết ra dịch nhầy, bệnh nhân cần dùng bông thấm nước muối sinh lý để vệ sinh nhẹ nhàng.
>>>>>Xem thêm: Góc giải đáp: Bé mấy tháng biết vỗ tay, vẫy tay và chỉ tay?
Cách vệ sinh lỗ rò luân nhĩ đã bị viêm nhiễm
Nếu lỗ rò luân nhĩ đã bị viêm nhiễm, trẻ thường có hiện tượng sốt, ngứa ngáy, đau và chảy dịch ở lỗ rò,… Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn cách điều trị rò luân nhĩ. Với bệnh nhân bị viêm nhiễm lỗ rò luân nhĩ, bạn cần chú ý vệ sinh lỗ rò như sau:
- Dùng bông y tế thấm vào nước muối sinh lý để làm sạch, sau đó thấm khô lỗ rò bị tổn thương.
- Tuyệt đối không dùng tay nặn hay sờ vào lỗ rò luân nhĩ.
- Không tự ý đắp bất kỳ loại lá hay loại thuốc nào lên vùng bị tổn thương nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
- Hạn chế để ruồi đậu vào khu vực bị tổn thương.
- Nếu bệnh nhân bị đau nhiều thì có thể chườm ấm ở vùng bị tổn thương.
Bài viết trên đây đã giúp Nhà thuốc Long Châu giải đáp cho bạn những thắc mắc về lỗ ở tai bẩm sinh. Lỗ rò luân nhĩ bị nhiễm trùng có thể liên quan đến nhiều dị tật bẩm sinh ở vùng tai – mũi – họng, tim mạch, phế quản, thận, ung bướu,… Do vậy, nếu nghi ngờ lỗ rò có dấu hiệu bị viêm, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để kiểm tra và được điều trị rò luân nhĩ theo phác đồ chuẩn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm