Viêm túi mật không do sỏi là một trong những bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ căn bệnh này. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh viêm túi mật không do sỏi nhé.
Bạn đang đọc: Viêm túi mật không do sỏi: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm túi mật không do sỏi là gì? Nguyên nhân gây bệnh ra sao? Bệnh được chẩn đoán và điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu bật mí trong bài viết sức khỏe hôm nay.
Tổng quan về căn bệnh viêm túi mật không do sỏi
Viêm túi mật không do sỏi là dạng viêm túi mật gây ra bởi sự rối loạn chức năng làm rỗng túi mật mà hoàn toàn không liên quan đến sỏi. Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính xong tình trạng này thường xuất hiện cấp tính.
Một số nguyên nhân gây rối loạn chức năng túi mật phổ biến có thể kể đến như nhịn ăn trong một thời gian dài, giảm cân quá mức hoặc lạm dụng phương pháp dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra một số đối tượng có nguy cơ cao mắc rối loạn chức năng túi mật như:
- Người bệnh đang được chăm sóc đặc biệt.
- Người bệnh đang trong quá trình hồi phục sau các cuộc phẫu thuật lớn.
- Người đang mắc các bệnh lý như nhiễm trùng huyết, đột quỵ, bỏng nặng, bệnh tim hoặc chấn thương nghiêm trọng…
Sự ứ đọng dịch mật trong túi mật dẫn đến tình trạng muối mật tích tụ gây tăng áp lực trong lòng túi mật. Hệ quả là dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ ở thành túi mật và viêm, thậm chí là hoại tử và thủng thành túi mật nếu áp lực này không được giảm bớt.
Triệu chứng của viêm túi mật không sỏi
Trên thực tế, các triệu chứng viêm túi mật không sỏi thường dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng viêm túi mật khác. Một số biểu hiện điển hình mà người bệnh có thể nhận thấy như đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn, nôn, không dung nạp thức ăn, cảm thấy khó chịu sau ăn, tiêu chảy mạn tính…
Trong một số trường hợp, các triệu chứng viêm cấp tính có thể khởi phát đột ngột với mức độ nghiêm trọng như:
- Đau bụng dữ dội phía xương sườn, ¼ phía trên bên phải;
- Sốt kèm ớn lạnh;
- Buồn nôn, nôn;
- Da và mắt chuyển màu vàng;
- Chướng bụng;
- Đau bụng ngay sau khi ăn;
- Khám thực thể thấy túi mật căng to.
Các trường hợp viêm túi mật cấp tính không do sỏi ở mức độ nặng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu và chữa trị kịp thời để tránh tử vong.
Tình trạng viêm túi mật mạn tính không sỏi cũng có thể xảy ra nhưng tình trạng này thường diễn tiến chậm với các triệu chứng bệnh không rõ ràng, kéo dài và ít nghiêm trọng hơn so với viêm túi mật cấp tính không do sỏi.
Viêm túi mật không do sỏi có nguy hiểm không?
Các chuyên gia y tế cho biết: Viêm túi mật không do sỏi có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe đáng lo ngại nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Một số biến chứng gây ra bởi viêm túi mật không do sỏi phải kể đến như:
- Hoại tử túi mật: Sự tăng áp lực trong túi mật dẫn đến mô túi mật bị phân huỷ và hoại tử. Trong trường hợp này, tiên lượng người bệnh tử vong cao.
- Thủng túi mật: Lỗ thủng hình thành trên thành túi mật có thể diễn biến thành áp xe, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
- Nhiễm trùng huyết: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, nếu không được can thiệp chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán và điều trị viêm túi mật không do sỏi
Việc chẩn đoán sớm và điều trị viêm túi mật không do sỏi kịp thời có thể giúp người bệnh tránh được các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Vậy viêm túi mật không do sỏi được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm túi mật không do sỏi, bên cạnh thăm khám lâm sàng, thăm dò tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng, cụ thể như sau:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể cho thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng cao và tình trạng gan bất thường có liên quan đến viêm túi mật. Tuy nhiên, thăm dò cận lâm sàng này lại không mang tính chẩn đoán.
- Siêu âm ổ bụng: Đây là một trong những phương pháp được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán bệnh viêm túi mật cấp tính không do sỏi. Trên siêu âm có thể thấy thành túi mật dày lên bất thường, kèm theo đó là dấu hiệu phù nề và tụ dịch xung quanh túi mật.
- MRI bụng hoặc CT Scan bụng: Nếu siêu âm ổ bụng chưa ghi nhận hình ảnh túi mật viêm rõ ràng thì các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một trong hai phương pháp này.
Tìm hiểu thêm: IUI và IVF là gì? Nên lựa chọn phương pháp nào giữa IUI và IVF?
Điều trị
Sau khi được chẩn đoán là viêm túi mật không do sỏi, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị bằng các phương pháp dưới đây:
Đặt ống dẫn lưu túi mật qua da
Khi tình trạng người bệnh chưa thể phẫu thuật ngay thì các bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống dẫn lưu túi mật qua da để điều trị thay thế phẫu thuật cắt túi mật. Tỷ lệ thành công của phương pháp này đặt 85 – 90%.
Tình trạng người bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt trong vòng 24 giờ đầu. Nếu kết quả điều trị không tiến triển theo đúng dự kiến, khi tình trạng người bệnh ổn định hơn, bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.
Sau khi thực hiện đặt ống dẫn lưu túi mật qua da, tình trạng viêm giảm dần và người bệnh ổn định, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch cắt túi mật chương trình.
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị chính trong các trường hợp viêm túi mật không do sỏi, nhất là trong một số trường hợp nghiêm trọng như thủng túi mật, viêm túi mật hoại tử , viêm túi mật khí thũng, viêm túi mật không cải thiện khi thực hiện đặt ống dẫn lưu túi mật qua da.
Sử dụng kháng sinh
Kháng sinh chỉ đóng vai trò thứ yếu trong điều trị viêm túi mật không do sỏi, thường được bác sĩ chỉ định khi nguồn bệnh đã trong tầm kiểm soát.
Một số nhóm vi khuẩn có liên quan đến viêm túi mật không do sỏi phải kể đến như vi khuẩn gram âm, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện ở người bệnh đã từng sử dụng kháng sinh và phải điều trị ICU kéo dài.
Tuỳ vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng loại kháng sinh phù hợp. Cụ thể:
- Piperacillin – tazobactam là lựa chọn ưu tiên trong những trường hợp chưa tiếp xúc với kháng sinh nhiều.
- Meropenem thích hợp cho những trường hợp người bệnh phải điều trị ICU kéo dài, làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.
Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể, song thông thường, 4 – 5 ngày sau khi nguồn bệnh đã được kiểm soát, người bệnh sẽ ngừng việc điều trị kháng sinh.
>>>>>Xem thêm: HPV 31 là gì? Cách phòng ngừa virus HPV type 31
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh bệnh lý viêm túi mật không do sỏi. Hy vong, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về căn bệnh này. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và mong rằng bạn sẽ có thật nhiều các trải nghiệm tốt khi đến với Nhà thuốc Long Châu.
Xem thêm:
- Túi mật sứ: Triệu chứng nhận biết, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
- Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da là thế nào? Quy trình thực hiện ra sao?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Viêm túi mậtSỏi mật