Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường ít chú ý đến sức khỏe của thận cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu nghiêm trọng. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất thải và duy trì cân bằng nước và các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Vì vậy, việc nhận biết và hiểu rõ các dấu hiệu của vấn đề thận là cực kỳ quan trọng để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu về những dấu hiệu thận có vấn đề và những biện pháp cần thực hiện để duy trì sức khỏe của cơ quan quan trọng này.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu thận có vấn đề và những điều bạn cần biết
Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các dấu hiệu thận có vấn đề, các dấu hiệu này thường không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các tình trạng khác. Hãy cùng Long Châu khám phá những dấu hiệu này trong bài viết dưới đây nhé.
Vai trò của thận
Hầu hết mọi người đều biết rằng chức năng chính của thận là loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Những chất thải và chất lỏng dư thừa này được loại bỏ qua nước tiểu. Quá trình sản xuất nước tiểu bao gồm các bước bài tiết và tái hấp thu rất phức tạp. Quá trình này cần thiết để duy trì sự cân bằng ổn định của nước, muối và khoáng chất trong cơ thể.
Ngoài ra, thận cũng sản xuất hormone ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác. Chẳng hạn, hormone erythropoietin do thận sản xuất sẽ kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu. Các hormone khác do thận sản xuất giúp điều hòa huyết áp và kiểm soát quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể.
Dấu hiệu thận có vấn đề
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Một trong những dấu hiệu thận có vấn đề là người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và khó tập trung. Bởi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây suy nhược và mệt mỏi.
Khó ngủ
Khi thận có vấn đề trong quá trình lọc máu, chất độc sẽ tích tụ trong máu thay vì bài tiết khỏi cơ thể qua nước tiểu, điều này có thể gây khó ngủ. Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh thận mạn tính, chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở những người mắc bệnh thận mạn tính so với dân số nói chung.
Da khô và ngứa
Thận thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận loại bỏ độc tố, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, kích thích sản xuất hồng cầu, giúp xương chắc khỏe, có tác dụng duy trì lượng khoáng chất trong ngưỡng an toàn. Da khô ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh thận tiến triển, khi thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Đi tiểu thường xuyên hơn
Nếu bạn cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu thận có vấn đề. Khi chức năng lọc của thận bị tổn thương, có thể gây ra cảm giác buồn tiểu thường xuyên. Đôi khi, điều này cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Nước tiểu có lẫn máu
Thận khỏe mạnh có khả năng giữ lại các tế bào máu trong cơ thể khi lọc chất thải từ máu để tạo ra nước tiểu, nhưng khi bộ lọc của thận bị tổn thương, các tế bào máu này có thể bắt đầu rò rỉ ra ngoài nước tiểu.
Bên cạnh việc báo hiệu thận có vấn đề, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Nước tiểu có bọt
Khi nước tiểu có nhiều bọt, đặc biệt khiến bạn phải xả nước nhiều lần trước khi chúng biến mất, cho thấy trong nước tiểu có protein. Bọt này có thể trông giống như bọt khi đánh trứng, vì loại protein phổ biến có trong nước tiểu là albumin, cũng chính là loại protein có trong trứng.
Phù mắt cá chân và bàn chân
Thận có vấn đề có thể dẫn đến giữ natri, gây phù ở bàn chân và mắt cá chân. Sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu tim, gan có vấn đề và các bệnh lý mạn tính về tĩnh mạch ở chân.
Tìm hiểu thêm: Xương mác là gì? Chức năng và các vấn đề liên quan đến xương mác
Mất vị giác, chán ăn
Đây là một triệu chứng rất chung chung, nhưng sự tích tụ độc tố do chức năng thận suy giảm có thể là một trong những nguyên nhân.
Chuột rút
Sự suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải. Chẳng hạn, kiểm soát kém nồng độ canxi và phốt pho có thể góp phần vào việc gây ra chuột rút cơ bắp.
Ớn lạnh
Ớn lạnh cũng là dấu hiệu cảnh báo thận có vấn đề. Nguyên nhân là do bệnh thận gây thiếu máu, không tạo đủ lượng hầu cầu cần thiết nên người bệnh có thể cảm thấy gai lạnh ngay cả khi trời ấm.
Ngoài ra, người bệnh cũng thường xuyên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung do thiếu hụt hồng cầu vận chuyển oxy lên não.
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh thận
Đái tháo đường
Bệnh thận là một trong những biến chứng từ đái tháo đường, sự tăng nồng độ glucose trong máu gây hại cho bộ lọc của thận. Theo thời gian, thận bị tổn thương đến mức không thể lọc chất thải dư thừa trong máu hiệu quả.
Dấu hiệu của bệnh thận do đái tháo đường là có protein trong nước tiểu. Khi bộ lọc bị hỏng, protein – bao gồm albumin bắt đầu rò rỉ từ máu vào nước tiểu bởi thận khỏe mạnh có khả năng giữ lại các protein trong cơ thể.
Huyết áp cao
Xơ hóa tiểu động mạch thận do tăng huyết áp xảy ra khi tăng huyết áp mạn tính làm tổn thương các mạch máu nhỏ, cầu thận và mô kẽ ống thận. Điều này dẫn tới bệnh thận mạn tiến triển nhanh.
Một số nguyên nhân khác gây ra bệnh thận
Có nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh thận, bao gồm:
- Bệnh thận đa nang trội nhiễm sắc thể, một tình trạng di truyền mà u nang phát triển trong thận;
- Nhiễm trùng thận;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc khi sử dụng thường xuyên trong thời gian dài như lithium, NSAIDs,…;
- Mắc một số bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm thận do lupus gây ra;
- Viêm cầu thận IgA;
- Rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và cơ quan của chính nó, chẳng hạn như bệnh Anti-GBM (Goodpasture’s);
- Ngộ độc kim loại nặng, ví dụ như ngộ độc chì;
- Mắc bệnh di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như hội chứng Alport;
- Hội chứng tăng urê huyết;
- Hẹp động mạch thận;
- Cholesterol cao gây ra sự tích tụ chất béo trong các mạch máu cung cấp cho thận;
- Tắc nghẽn dòng nước tiểu – do sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
Biến chứng của bệnh thận
Các biến chứng của bệnh thận bao gồm:
- Thiếu máu: Thiếu máu xảy ra khi thận không tạo đủ erythropoietin (EPO). Thiếu máu là nguy cơ độc lập gây tử vong, gây tăng huyết áp, suy tim và các vấn đề về tim mạch. Thiếu máu do suy thận cũng có thể gây trầm cảm, mệt mỏi, đột quỵ và tăng nguy cơ tái nhập viện.
- Bệnh tim: Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) có nguy cơ tim mạch cao, gây ra các vấn đề như bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim và tử vong do tim.
- Tăng kali máu: Thường gặp ở bệnh nhân CKD, tăng kali huyết thanh liên quan đến giảm bài tiết kali qua thận và sử dụng thuốc.
- Giữ nước: Tích tụ chất lỏng trong cơ thể gây sưng phù, huyết áp cao và các vấn đề sức khỏe khác.
- Bệnh xương và tăng phốt phát: Tăng phốt phát có thể làm xương giòn và lắng đọng canxi ở nhiều bộ phận cơ thể, gây đau tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Một số cách giảm nguy cơ mắc bệnh thận
Bệnh thận gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do đó việc phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Dưới đây là cách để giảm nguy cơ mắc bệnh thận:
- Thiết lập lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng và huyết áp ổn định; kiểm soát đường huyết, acid uric và cholesterol; tránh rượu, thuốc lá và chất kích thích.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Giảm muối, đạm và dầu mỡ, tăng cường rau, củ, quả, uống đủ nước hàng ngày.
- Thăm khám định kỳ: Thăm khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi phát hiện dấu hiệu thận có vấn đề để điều trị kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không?
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu về những dấu hiệu thận có vấn đề. Việc nhận biết và đáp ứng kịp thời đối với những dấu hiệu này là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự chăm sóc y tế để giữ cho thận luôn hoạt động khỏe mạnh. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào về vấn đề thận, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Thậndấu hiệuCơ thể người