Đầu gối là một trong những khớp lớn và có cấu tạo phức tạp nhất trên cơ thể. Khớp gối đóng vai trò rất quan trọng trong việc di chuyển và hoạt động của con người. Bên cạnh đó, khớp gối cũng bộ phận dễ bị ngoại lực tác động, dễ chấn thương và mắc bệnh lý xương khớp nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Khớp gối và các vấn đề thường gặp
Khớp gối được xem là khớp lớn nhất trong cơ thể của người, nối liền đùi và phần chân dưới. Ngoài việc giúp con người có thể đứng thẳng cũng như gập, duỗi cẳng chân, khớp gối còn tham gia vào quá trình chịu lực cho toàn bộ trọng lượng cơ thể. Vì vậy, khớp gối là một vị trí rất dễ gặp chấn thương ở tất cả mọi người, đặc biệt là người thường xuyên chơi thể thao hay hoạt động chân nhiều.
Cấu tạo của khớp gối
Khớp gối là một khớp phức hợp, nằm ở vị trí tiếp giáp và liên kết ba trục xương chính: Xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Khớp gối có cấu tạo khá phức tạp với hệ thống gân, cơ, dây chằng, sụn khớp và bao khớp.
Cấu tạo các mặt khớp
Khớp gối bao gồm hai khớp:
- Khớp giữa xương đùi và xương chày: Là loại khớp lồi cầu, kết hợp giữa hai lồi cầu xương đùi và hai diện khớp trên của xương chày. Hai diện khớp trên xương chày có diện khớp trong lõm và dài hơn diện khớp ngoài.
- Khớp giữa xương đùi và xương bánh chè: Thuộc loại khớp phẳng, mặt sau (còn gọi là mặt khớp) của xương bánh chè khớp với diện bánh chè của xương đùi.
Sụn chêm
Sụn chêm là lớp sụn dai và có tính đàn hồi cao, nằm ở giữa diện khớp trên xương chày và đầu dưới xương đùi. Sụn chêm gồm 2 tấm:
- Sụn chêm trong có hình chữ C, nằm phía trong khớp.
- Sụn chêm ngoài có hình chữ O, nằm ở phía ngoài khớp.
Hai sụn chêm nối với nhau bởi dây chằng ngang gối và dính vào xương chày bởi các dây chằng. Sụn chêm có chức năng làm cho diện khớp sâu rộng và trơn láng hơn, đồng thời có tác dụng như tấm đệm lót giữa hai đầu xương khi khớp gối cử động.
Hệ thống dây chằng gối
Dây chằng ở vùng khớp gối khá phức tạp, bao gồm bốn hệ thống dây chằng chính:
- Dây chằng trước: Gồm có dây chằng bánh chè và mạc giữ bánh chè trong và ngoài.
- Dây chằng sau: Bao gồm các dây chằng khoeo chéo và dây chằng khoeo cung.
- Dây chằng bên: Gồm các dây chằng bên chày và dây chằng bên mác rất chắc, đóng vai trò quan trọng giữ cho khớp gối ổn định, không trật ra ngoài hay vào trong khi chuyển động.
- Dây chằng chéo: Gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau bắt chéo với nhau thành hình chữ X. Thêm vào đó, dây chằng chéo trước còn bắt chéo dây chằng bên mác, dây chằng chéo sau bắt chéo dây chằng bên chày. Các dây chằng này đan chặt giúp cố định các khớp xương, gân, cơ ở vùng đầu gối, giữ cho khớp gối không bị trượt ra trước hoặc ra sau quá mức.
Các gân, cơ vùng gối
Hệ thống gân, cơ ở khớp gối cũng khá đa dạng và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của khớp gối:
- Đầu tận của cơ nhị đầu đùi nằm ở phía trên và ngoài.
- Đầu tận của cơ bán gân và bán màng nằm ở phía trên và trong.
- Phía dưới là hai đầu của cơ bụng chân.
Các đầu tận của các cơ này giới hạn thành một hố khoeo có dạng hình thoi. Hố khoeo có chứa nhiều cấu trúc quan trọng như động mạch và tĩnh mạch khoeo, thần kinh chày, thần kinh mác chung, hạch bạch huyết,…
Bao khớp
Bao khớp gối là một bao sợi khá mỏng, bao xung quanh khớp và có tác dụng bảo vệ khớp gối. Bao khớp bám vào các bờ của xương bánh chè và sụn chêm.
Bao hoạt dịch
Ở vùng khớp gối, bao hoạt dịch khá phức tạp so với những khớp khác. Bao hoạt dịch khớp gối lót bên trong bao khớp, bám vào sụn chêm. Các dây chằng chéo đều nằm phía ngoài bao hoạt dịch.
Chức năng của khớp gối
Khớp gối là một khớp lớn và có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khớp gối có nhiều chức năng thiết yếu sau:
- Giữ cân bằng và nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể.
- Giúp con người đứng thẳng và đóng vai trò thiết yếu trong nhu cầu vận động hàng ngày như đi, đừng, ngồi, chạy, nhảy,…
- Giảm xóc và áp lực lên xương ống chân khi tiếp đất sau động tác nhảy.
- Chuyển động chủ yếu của khớp gối là gập và duỗi. Trong quá trình này, khớp gối hoạt động như một bản lề để bề mặt khớp của xương đùi lăn và lướt trên bề mặt xương chày. Phạm vi chuyển động bình thường của khớp gối là 0° đến 2° khi ở tư thế gối duỗi và 130° đến 140° ở tư thế gập.
Một số vấn đề thường gặp ở khớp gối
Thoái hóa khớp gối
Khớp gối có cường độ vận động nhiều nhất trong các khớp. Vì vậy, khớp gối rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp thường gặp, biểu hiện bởi sự biến đổi bề mặt sụn khớp, gây ra biến đổi bề mặt khớp, hình thành gai xương, và có thể dẫn đến tình trạng biến dạng khớp.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thoái hóa khớp gối là do quá trình lão hóa. Ngoài ra, thoái hóa khớp gối có thể xuất hiện bởi chấn thương, tổn thương khớp do viêm hoặc các bất thường bẩm sinh (khớp gối quá ưỡn, gối vẹo trong/vẹo ngoài,…).
Tổn thương dây chằng khớp gối
Trong các bộ phận của khớp gối thì hệ thống dây chằng là dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là tổn thương dây chằng chéo trước. Chấn thương dây chằng đầu gối thường xảy ra do các tình huống sau:
- Chấn thương khi hoạt động cường độ cao như vận động viên đá banh, quần vợt, cầu lông,…
- Va chạm với lực mạnh như va đập đầu gối vào vật cứng, té ngã đập đầu gối xuống đất,…
- Một số tư thế sai như dừng lại đột ngột, chuyển hướng quá nhanh, tiếp đất không tốt sau khi bật nhảy,…
- Tai nạn giao thông.
Tìm hiểu thêm: Mí mắt trên bị sưng đỏ và đau: Nguyên nhân và cách khắc phục
Viêm xương – khớp gối
Viêm xương – khớp gối là dạng viêm khớp thường gặp nhất ở gối. Nguyên nhân chủ yếu là tổn thương xuất hiện do nhiễm trùng, chấn thương, hoặc thậm chí là béo phì (do phải chịu lực đè nén lớn từ bên trên). Tuy vậy, viêm xương khớp gối cũng có thể là do gen di truyền.
Bên cạnh đó, viêm khớp gối vì bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể gây ra tràn dịch khớp gối. Tràn dịch khớp gối không phải bệnh lý mà là tình trạng có quá nhiều dịch bên trong khớp.
Hội chứng đau bánh chè – đùi
Hội chứng đau bánh chè – đùi (Patellofemoral pain syndrome) là tình trạng sụn ở mặt dưới của xương bánh chè bị kích thích gây triệu chứng đau ở đầu gối hoặc xung quanh xương bánh chè. Hội chứng xảy ra do tình trạng sử dụng khớp quá mức, thường gặp ở những người sử dụng đầu gối nhiều, vận động viên, người lao động nặng,…
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý miễn dịch, do các tế bào miễn dịch của cơ thể gây ra, có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn nếu không được điều trị. Ngoài ảnh hưởng đến các khớp, trong đó có khớp gối, viêm khớp dạng thấp còn có thể tổn thương tim, phổi, thận,…
Những điều cần lưu ý để bảo vệ khớp gối
Khớp gối là bộ phận có vai trò rất quan trọng đối với vận động của cơ thể. Vì vậy, để bảo vệ khớp gối cũng như phòng ngừa mắc các bệnh liên quan đến khớp gối, cần lưu ý những điều sau đây:
- Tránh các tư thế có thể gây hại cho khớp gối như quỳ gối quá lâu, ngồi gác chéo chân, ngồi xổm,…
- Khởi động kỹ các khớp trước khi tham gia tập luyện thể thao.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên đầu gối.
- Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu vitamin D, canxi và khoáng chất.
- Tập thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên tập các bài tập tăng cường hoạt động của chi dưới giúp tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của khớp gối.
- Hạn chế đi giày cao gót hoặc chọn giày có gót thấp nhất có thể để giảm áp lực cho khớp gối.
- Chọn giày vừa chân và phù hợp với từng hoạt động để tạo sự thăng bằng tốt và tránh làm đau bắp chân và đầu gối.
- Giữ ấm đầu gối, không để khớp gối bị quá lạnh sẽ gây đau nhức.
- Phát hiện và điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp gối (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài..). Điều trị sớm khi trẻ còn nhỏ sẽ có khả năng hồi phục cao hơn.
>>>>>Xem thêm: Sinh thiết lõi kim là gì? Kết quả thực hiện có chính xác không?
Khớp gối là một cấu trúc quan trọng của cơ thể vì phần lớn vận động đều liên quan tới vùng đầu gối. Cấu trúc của khớp gối phức tạp, nên khi khớp gối chấn thương có thể gặp nhiều loại tổn thương khác nhau. Do đó, khi gặp phải chấn thương hay tình trạng đau nhức khớp gối, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Cơ thể ngườiCơ xương khớp