Trong lĩnh vực y học, việc sử dụng kỹ thuật chụp CT được đánh giá là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và tiên tiến, có vai trò đặc biệt quan trọng giúp hỗ trợ cho các bác sĩ trong quá trình điều trị và đánh giá tình trạng bệnh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn còn lo ngại đối với kỹ thuật chụp CT về nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến sức khỏe. Vậy, chụp CT có hại không?
Bạn đang đọc: Chụp CT có hại không? Chụp CT tác động đến cơ thể như thế nào?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về kỹ thuật chụp CT, ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật này trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh. Đồng thời, cung cấp thông tin chi tiết về tính hiệu quả và an toàn của phương pháp. Hãy cùng nhau khám phá và hiểu rõ hơn về tác động của kỹ thuật chụp CT đối với cơ thể thông qua bài viết “Chụp CT có hại không” bạn nhé!
Tìm hiểu về kỹ thuật chụp CT
Kỹ thuật chụp CT là gì?
Kỹ thuật chụp CT, hay còn được biết đến với tên gọi chụp cắt lớp vi tính, là một phương pháp chẩn đoán sử dụng tia X để quét qua khu vực cụ thể của cơ thể theo lớp cắt ngang, sau đó được xử lý bằng máy vi tính để tạo ra hình ảnh 2D hoặc 3D của bộ phận cần chụp.
So với phương pháp chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính mang lại hình ảnh chi tiết hơn. Phương pháp này giúp hỗ trợ trong việc theo dõi, đánh giá và phát hiện các biểu hiện bất thường, bao gồm khối u trong não, phù não, dạng mạch máu não, cũng như chụp cắt lớp vùng bụng để phát hiện khối u, ổ áp xe, và nhiều bệnh lý khác của ổ bụng, xương chậu, mà phương pháp chụp X-quang không thể hiện được.
Ứng dụng của kỹ thuật chụp CT trong y học
Chụp CT là một kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học nhằm chẩn đoán các vấn đề như xơ vữa động mạch, phình mạch máu và cục máu đông. Ngoài ra, chụp CT còn hữu ích trong việc đánh giá cột sống, phát hiện sỏi thận và bàng quang, kiểm tra áp xe, và chẩn đoán các bệnh viêm nhiễm như viêm loét đại tràng và viêm xoang. Trong trường hợp chấn thương, chụp CT có khả năng xác định tổn thương ở đầu, hệ thống xương, và các cơ quan nội tạng.
Đối với ung thư, kỹ thuật chụp CT giúp sàng lọc, tầm soát, chẩn đoán sự hiện diện của khối u, cung cấp thông tin về giai đoạn ung thư, hướng dẫn sinh thiết để xác định loại khối u, hướng dẫn các phương pháp điều trị tại chỗ, như liệu pháp áp lạnh, cấy hạt phóng xạ… Hình ảnh CT cũng giúp lập kế hoạch xạ trị hoặc phẫu thuật, xác định sự đáp ứng của ung thư với điều trị, đồng thời theo dõi sự tái phát của khối u.
Ngoài ra, chụp CT có thể phát hiện chức năng não bất thường hoặc đánh giá tình trạng trí nhớ ở những bệnh nhân lớn tuổi, như trong trường hợp bệnh Alzheimer.
Chụp CT có hại không?
Kỹ thuật chụp CT đem lại rất nhiều lợi ích trong lĩnh vực y học, vậy chụp CT có hại không? và kỹ thuật này tác động như thế nào đến cơ thể?
Kỹ thuật chụp CT có ưu và nhược điểm gì?
Ưu điểm
- Hình ảnh rõ nét và không chồng chéo giúp bác sĩ quan sát và chẩn đoán bệnh một cách chính xác hơn.
- Đối với các mô mềm, hình ảnh đạt được từ CT có độ phân giải cao hơn so với chụp X-quang.
- Với khả năng phân giải cao đối với xương, phương pháp này trở thành lựa chọn lý tưởng để khảo sát các vấn đề liên quan đến hệ xương.
- Thời gian chụp nhanh, không rườm rà và phức tạp giúp cho chụp cắt lớp CT trở thành một công cụ quan trọng trong việc đánh giá các tình trạng cấp cứu.
- Đối với những bệnh nhân không thể thực hiện kỹ thuật MRI, chụp cắt lớp CT vẫn là một lựa chọn khả thi, giúp chẩn đoán nhanh chóng và chính xác.
Nhược điểm
- Chụp CT gặp hạn chế trong việc phát hiện tổn thương ở các mô mềm do khả năng đâm xuyên của tia X. Đối với ảnh chụp CT, độ phân giải không cao như MRI, đặc biệt là trong việc chụp các mô mềm. Do đó, những tổn thương nhỏ có thể trở nên khó bị phát hiện khi sử dụng kỹ thuật chụp CT.
- Chụp CT sử dụng tia X, do đó có thể gây nhiễm xạ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và bác sĩ đã thực hiện nghiên cứu để đánh giá mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp, và đã đặt ra giới hạn cho phép. Do đó, bệnh nhân không cần quá lo lắng về tác động xấu đối với sức khỏe do nhiễm xạ từ quá trình chụp CT.
Tìm hiểu thêm: Tầm quan trọng của cơ Hip Flexor và cách khắc phục cơ Hip Flexor yếu
Tác động khi chụp CT đối với cơ thể
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này thường được coi là an toàn, do các bác sĩ thường sử dụng tia X thấp nhất cần thiết để thu thập thông tin, từ đó giảm nguy cơ và biến chứng sau quá trình chụp. Trong trường hợp xảy ra biến chứng, phản ứng có hại thường xuất hiện sau sử dụng thuốc cản quang. Mặc dù chất cản quang giúp tăng cường độ rõ nét của hình ảnh, nhưng cũng có thể gây ra một số phản ứng như ngứa, phát ban, nổi mề đay, và cảm giác nóng bừng. Tuy nhiên, đa phần những triệu chứng này thường biến mất nhanh chóng, không gây ra tác động lâu dài.
Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể trải qua tình trạng phản ứng phản vệ, dẫn đến phát ban nặng hoặc khó thở. Mặc dù nguy cơ này rất thấp, nhưng nếu xảy ra, cần phải được điều trị ngay lập tức để bảo vệ tính mạng của bệnh nhân.
Ngoài ra, một rủi ro khác khi chụp CT là nguy cơ nhiễm độc thận, có thể dẫn đến suy thận, đặc biệt ở những bệnh nhân tiểu đường, mất nước hoặc suy giảm chức năng thận.
Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai nên thông báo cho bác sĩ trước khi quyết định chụp CT để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
>>>>>Xem thêm: Chế độ ăn thuần chay và ăn thô – bạn chọn cách nào giảm cân hiệu quả?
Những điều cần lưu ý trước khi chụp CT
- Tránh ăn uống trong khoảng vài giờ trước khi thực hiện chụp CT để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
- Cởi bỏ quần áo và sử dụng áo do bệnh viện cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chụp cắt lớp vi tính.
- Trước quá trình chụp, loại bỏ các dụng cụ kim loại có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, bao gồm răng giả, trang sức giả, thắt lưng, kính đeo mắt,…
- Nếu có nghi ngờ về sự xuất hiện của khối u bất thường, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc cản quang để làm nổi bật cấu trúc của khu vực cần kiểm tra chi tiết.
- Trong trường hợp chụp CT cho trẻ nhỏ, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc an thần để giúp trẻ bình tĩnh, tránh cử động để đảm bảo tính chính xác của hình ảnh kết quả.
Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn đã có những thông tin hữu ích về kỹ thuật chụp CT đồng thời giải đáp được thắc mắc “Chụp CT có hại không”. Hình ảnh chụp CT có độ chi tiết và rõ nét cao giúp chẩn đoán chính xác các tình trạng bệnh. Kỹ thuật này khá an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên do có sử dụng thuốc cản quang nên có thể dẫn đến một số rủi ro cho người bệnh. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình chụp CT, hãy thông báo cho bác sĩ ngày lập tức để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả không mong muốn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm