Mỗi năm, trên thế giới có đến hơn 215.000 ca tử vong do mắc bệnh tiêu chảy bởi virus Rota gây nên. Căn bệnh này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Do đó, phụ huynh có con nhỏ rất quan tâm đến bệnh tiêu chảy do virus Rota và các biện pháp bảo vệ con khỏi tác nhân gây bệnh.
Bạn đang đọc: Virus Rota gây bệnh tiêu chảy nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy, trong đó nguyên nhân từ virus Rota chiếm tỉ lệ lớn nhất. Virus Rota gây nên nhiều ca bệnh nguy kịch và gây tử vong ở trẻ nhỏ. Vậy virus Rota là loại virus gì? Bệnh do virus Rota gây ra có lây không? Cách phòng bệnh do virus Rota thế nào?
Virus Rota là gì?
Virus Rota hay Rota virus là loại virus có khả năng lây lan mạnh gây viêm dạ dày và ruột, xuất hiện trong khoảng thời gian từ cuối đông đến đầu xuân. Người mắc bệnh có những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nặng, nôn ói, sốt dẫn đến mất nước. Có thể dùng thuốc để điều trị các triệu chứng này nhưng không có loại thuốc nào có thể tiêu diệt virus. Thậm chí trẻ em đã được tiêm ngừa vẫn có thể mắc bệnh hơn một lần.
Về cơ chế lây lan, trước khi triệu chứng xuất hiện, virus Rota đã tồn tại trong phân của bé cho đến 10 ngày sau khi triệu chứng giảm dần. Trong suốt khoảng thời gian này, virus có thể dính vào tay bé khi bé đi vệ sinh. Nếu bé không rửa tay sạch, virus chui vào tất cả mọi vật dụng cá nhân mà bé thường tiếp xúc như đồ dùng học tập, đồ ăn, bồn rửa hay quầy bếp, đồ chơi, điện thoại, máy tính, nước,…
Dù bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc virus Rota nhưng bệnh thường xảy ra ở các đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, những người chăm sóc trẻ, cô giáo,…
Triệu chứng khi mắc virus Rota
Trẻ nhiễm virut Rota có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng của tiêu chảy do virus Rota bao gồm:
- Nôn mửa: Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là trẻ nôn mửa rất nhiều trước khi bị tiêu chảy khoảng 6 – 12 giờ và có thể kéo dài 2 – 3 ngày. Và trước khi tiêu chảy xuất hiện, triệu chứng này sẽ giảm dần.
- Tiêu chảy: Bé đi phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, lẫn đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi phân lỏng như vậy hơn 20 lần trong ngày.
- Mất nước: Trẻ bị mất nước với các biểu hiện như khát nước, lưỡi khô, môi khô, da khô, quấy khóc, tiểu ít. Mất nước là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất khi bị tiêu chảy cấp do virus Rota. Tình trạng mất nước và mất muối có thể dẫn đến khô kiệt, gây trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời. Mất nước, ăn uống kém cũng làm trẻ sụt cân. Ngoài ra, một số trẻ còn bị sốt, ho, sổ mũi,…
Cần gặp bác sĩ trong trường hợp nào?
Phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện khi bé có các triệu chứng sau:
- Li bì và uống ít nước;
- Nôn nhiều;
- Phân đen hoặc có máu hoặc mủ;
- Trẻ nhỏ hơn 6 tháng bị sốt;
- Nếu bé lớn hơn 6 tháng bị sốt trong hơn 24 giờ;
- Khi bị nôn mửa và tiêu chảy, bé không muốn ăn hoặc uống, dẫn đến bị mất nước, cần đưa bé đến bệnh viện ngay.
Riêng triệu chứng mất nước, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện khi gặp các biểu hiện sau:
- Khóc không có nước mắt;
- Tã khô hoặc đi tiểu ít;
- Chóng mặt;
- Khô miệng và cổ họng;
- Cực kì buồn ngủ;
- Da nhợt nhạt;
- Mắt trũng.
Đối tượng dễ mắc tiêu chảy cấp do virus Rota?
Nhiễm virus Rota thường xảy ra nhất với trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ em trong 5 năm đầu đời đều có thể bị nhiễm virus Rota.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc virus Rota ở trẻ nhỏ gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các nguồn có nhiễm virus Rota;
- Trẻ ăn uống không vệ sinh do đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không tốt, bú bình dính virus;
- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota;
- Xử lý phân và chất thải có chứa virus Rota không đúng;
- Người lớn không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn hay cho trẻ ăn.
Bệnh tiêu chảy do virus Rota lây như thế nào?
Virus Rota thường tồn tại trong môi trường bị ô nhiễm, qua vật dụng và thực phẩm nhiễm bẩn. Virus có khả năng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa (phân) – hô hấp (miệng). Virus được giải phóng từ phân của người bệnh ra ngoài gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh trên cơ thể mới.
Kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 – 7 ngày, trung bình 2 – 3 ngày. Thời điểm lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường lây trong khoảng 7 – 8 ngày kể từ lúc bắt đầu bệnh.
Thông thường, bệnh ít xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi. Nhưng từ khi trẻ khoảng 3 – 6 tháng đến 2 tuổi là lúc kháng thể do mẹ truyền suy yếu dần, cũng là lúc trẻ dễ mắc bệnh nhất. Phần lớn trẻ nhỏ sau khi mắc bệnh xuất hiện tính miễn dịch đối với virus Rota nhưng không bền vững nên vẫn dễ bị mắc lại.
Tìm hiểu thêm: Đông máu nội mạch lan tỏa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Phương pháp điều trị
Hiện nay, trong việc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào và thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh này. Phương pháp điều trị cơ bản là bù nước qua đường uống và có chế độ dinh dưỡng thích hợp.
Việc điều trị tiêu chảy cấp do virus Rota gặp khó khăn do thường có triệu chứng nặng, gây nôn mửa nhiều. Trẻ cần nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch trong trường hợp không thể bù dịch bằng đường uống.
Hiện nay, vắc xin vẫn là cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota hiệu quả nhất. Trẻ cần được uống vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ. Tuy nhiên, đây là loại vắc xin uống ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra trong khi có rất nhiều tác nhân khác cũng gây ra bệnh tiêu chảy. Do đó, dù trẻ đã uống vắc xin, phụ huynh vẫn nên tuân thủ quy tắc vệ sinh như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi…
Phòng ngừa virus Rota
Để phòng ngừa nhiễm virus Rota, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
- Việc khử trùng bề mặt và rửa tay thường xuyên đều giúp ích trong việc phòng ngừa virus Rota, nhưng vẫn không có gì đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn vẫn có thể nhiễm bệnh.
- Vì không có loại thuốc nào có thể tiêu diệt virus Rota nên vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tối ưu.
- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên chủng ngừa cho trẻ nhỏ. Vắc xin ngừa virus Rota giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm bệnh và nếu trẻ mắc phải bệnh thì các triệu chứng của bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều.
- Lưu ý cần cho trẻ uống vắc xin đúng lịch, đúng thời điểm để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ đồng thời ngăn những người xung quanh có miễn dịch yếu bị nhiễm bệnh. Vắc xin có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi 14 bệnh có thể nghiêm trọng vào đúng thời điểm dễ bị mắc bệnh nhất.
- Việc cho trẻ uống vắc xin đầy đủ và đúng loại vắc xin phù hợp lứa tuổi sẽ tạo một hàng rào sức đề kháng tốt cho cơ thể trẻ, giúp bảo vệ trẻ sớm nhất và lâu dài khỏi bệnh tật.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm ký sinh trùng ở đâu tại TPHCM? 3 dạng xét nghiệm chính
Lịch uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra có loại vắc xin Rota dành cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi. Tùy thuộc vào từng loại vắc xin sẽ có lịch uống khác nhau. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang có loại vắc xin ngừa virus Rota là vắc xin Rotarix (Bỉ).
Vắc xin gồm 2 liều:
- Liều đầu tiên: Nên bắt đầu lúc trẻ 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2: Cách đó 4 tuần.
- Phải kết thúc 2 liều trước khi trẻ 6 tháng tuổi.
- Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì bắt buộc liều thứ 2 cũng phải uống Rotarix
Vắc xin này có khả năng bám dính rất tốt nên sau khi uống, trẻ có nôn trớ thì cũng không cần uống liều khác. Tuy nhiên, nếu xác định rằng trẻ nôn trớ phần lớn vắc xin ra ngoài thì có thể cho trẻ uống lại.
Tóm lại, virus Rota gây nên bệnh tiêu chảy vô cùng nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và tránh để trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
Xem thêm:
Virus Rota ở người lớn có nguy hiểm không?
Tổng quan bệnh kiết lỵ và cách phòng chống hiệu quả
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm