Bạn đã bao giờ thắc mắc, cơ thể chúng ta được cấu tạo từ bao nhiêu loại cơ chưa? Hệ thống cơ và vai trò của chúng đối với cơ thể người như nào? Liệu không có cơ bắp, chúng ta có thể sống được hay không? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Hệ thống cơ và vai trò của cơ đối với cơ thể người
Đa phần chúng ta thường nghĩ rằng, cơ thể người chỉ có một loại cơ và nó có vai trò hỗ trợ cho những cử động của cơ thể. Tuy nhiên thực tế lại khác, cơ được chia thành nhiều nhóm khác nhau và đảm nhiệm những vai trò khác nhau. Để hiểu thêm về hệ thống cơ và vai trò của chúng đối với cơ thể người, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Hệ thống cơ của cơ thể người
Cơ thể người được cấu tạo từ nhiều cơ khác nhau và được chia thành ba nhóm chính, với số lượng cơ ở mỗi nhóm là không giống nhau. Để đưa ra một con số cụ thể về tổng số lượng cơ là không thể, có đến hàng tỷ sợi cơ cấu tạo nên cơ thể. Ba nhóm cơ chính bao gồm:
Cơ xương (cơ vân)
Có khoảng 700 cơ, chiếm khoảng 40 – 50% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, sau 40 tuổi thì khối lượng của cơ xương bắt đầu giảm dần.
Cơ xương có ở hầu hết các vị trí trên cơ thể, bao gồm: Vùng đầu cổ (cơ gò má, cơ mắt, cơ lưỡi, cơ cắn…), vùng thân mình (cơ sống lưng, cơ liên sườn, cơ hoành…), vùng sàn chậu (cơ nằm ở xung quanh chậu tham gia hoạt động tiểu tiện và đại tiện), vùng tay (cơ delta, cơ nhị đầu, cơ tam đầu…), vùng chân (cơ chày trước, cơ tứ đầu, cơ bắp chân…).
Cơ trơn
Có khoảng vài tỷ tế bào cơ trơn được kết nối với nhau và có mặt ở nhiều hệ cơ quan như hệ hô hấp, tiêu hoá, tim mạch, tiết niệu, sinh sản. Các tế bào cơ trơn thường tròn ở phía trung tâm và giãn dần ra ở hai bên, không có vân như cơ xương.
Cơ tim
Loại cơ duy nhất chỉ có ở tim. Khả năng tái sinh của cơ tim rất hạn chế, chính vì thế khi cơ tim gặp vấn đề hay chịu tổn thương sẽ khiến cơ thể bị ảnh hưởng rất nhiều.
Hệ thống cơ là một mạng lưới phức tạp và đảm nhiệm vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Cơ bắp chiếm khoảng 40% tổng trọng lượng cơ thể người. Trong đó, cơ tim là cơ bắp làm việc chăm chỉ nhất với khả năng bơm khoảng 5 lít máu mỗi phút để nuôi toàn bộ cơ thể. Cơ mông lớn là cơ bắp lớn nhất trong cơ thể với nhiệm vụ duy trì tư thế đứng thẳng cho chúng ta, còn cơ nhỏ nhất nằm ở vị trí tai.
Theo thống kê, cơ cắn là cơ mạnh nhất tính theo trọng lượng, nó cho phép hàm cắn lại với một lực lớn khoảng 55 pounds đối với răng cửa và lực mạnh lên đến 200 pounds đối với răng hàm.
Vai trò của từng loại cơ
Mỗi nhóm cơ sẽ đảm nhiệm một vai trò nhất định đối với cơ thể.
Cơ xương
Nhiều người thường nhầm lẫn khi nhắc đến hệ cơ thì họ lại nghĩ đến hệ cơ xương bởi cơ xương liên kết với khung xương nhờ có gân để tạo nên hệ vận động cho toàn bộ cơ thể. Cơ xương được cấu tạo từ hai loại protein là myosin và actin. Có hàng ngàn sợi cơ được bó lại với nhau để tạo nên một cơ xương. Các sợi cơ được sắp xếp với nhau theo một hình sọc, quan sát dưới kính hiển vi có thể thấy phần sáng và phần tối tương tự như các vân, và đây cũng chính là lý do cơ xương còn được gọi với một cái tên khác là cơ vân.
Đây là nhóm cơ duy nhất mà cơ thể người có thể kiểm soát được. Vai trò phải kể đến của cơ xương đó là điều phối các cử động, duy trì tư thế cũng như hỗ trợ cấu trúc cho toàn bộ cơ thể, bảo vệ và cố định các khớp ở đúng vị trí vốn có của nó.
Bên cạnh đó, cơ xương còn đảm nhiệm vai trò như một acid amin để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể trong trường hợp bị đói. Đặc biệt, cơ xương còn có vai trò điều hoà và duy trì nhiệt độ cho cơ thể.
Cụ thể vai trò của cơ xương được chia theo các khu vực trên cơ thể:
- Cơ xương vùng đầu, cổ: Giúp kiểm soát chuyển động của mặt, đầu và cổ. Chẳng hạn như, cơ gò má sẽ liên quan đến việc biểu hiện biểu cảm khuôn mặt, nâng khoé miệng khi cười hay cơ cắn giúp đóng mở miệng và nhai thức ăn, cơ mắt giúp kiểm soát hoạt động đóng mở của mí mắt, cơ ức đòn chũm sẽ liên quan đến cử động xoay hoặc nghiêng đầu…
- Cơ xương vùng thân mình: Chủ yếu những cơ này nằm ở bụng và thân của cơ thể. Cơ sống lưng giúp hỗ trợ các chuyển động của cột sống như uốn cong hay vặn cột sống. Cơ liên sườn cho phép việc hít thở diễn ra dễ dàng. Cơ hoành là phần ngăn giữa ngực với bụng trên, cũng liên quan trực tiếp đến việc hít thở, khi hít vào cơ hoành sẽ co lại và khi thở ra cơ hoành sẽ giãn nở. Cơ sàn chậu là nhóm cơ tham gia vào hoạt động tiểu tiện và đại tiện.
- Cơ xương chi trên: Tham gia vào hoạt động di chuyển vai, cánh tay, cổ tay và bàn tay. Cơ delta giúp nâng hoặc xoay cánh tay, trong khi cơ nhị đầu giúp gập cẳng tay hay cơ tam đầu lại có tác dụng kéo duỗi cẳng tay.
- Cơ xương chi dưới: Các cơ này có tác dụng trong việc di chuyển chân và bàn chân. Chẳng hạn như cơ tứ đầu nằm ở trước đùi có vai trò trong việc duỗi thẳng chân, cơ chày trước giúp nâng lòng bàn chân lên khỏi mặt đất hay cơ bắp chân có tác dụng duy trì tư thế trong lúc di chuyển, đi lại.
Tìm hiểu thêm: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Cơ trơn
Cơ trơn xuất hiện ở nhiều vị trí, và tùy thuốc vào vị trí mà cơ trơn sẽ đảm nhiệm những chức năng khác nhau:
- Cơ trơn ở hệ tiêu hoá sẽ giúp đẩy thức ăn đi qua đường tiêu hoá, hỗ trợ quá trình tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng được diễn ra một cách thuận lợi.
- Cơ trơn ở hệ hô hấp giúp đường thở được co nhỏ lại hoặc giãn rộng ra để điều chỉnh lượng khí ra vào cơ thể. Ngoài ra, cơ trơn còn giúp cho phổi được giãn nở thông qua động tác hít thở.
- Cơ trơn ở hệ thống tĩnh mạch, động mạch giúp hỗ trợ sự di chuyển của dòng máu, đảm bảo điều chỉnh huyết áp cho cơ thể.
- Cơ trơn ở hệ thận – niệu giúp điều chỉnh dòng nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài, đào thải chất độc và cân bằng điện giải cho cơ thể.
- Cơ trơn ở hệ sinh sản của nữ giới giúp co bóp tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài. Trong khi đó đối với nam giới, cơ trơn giúp hỗ trợ đẩy tinh trùng ra bên ngoài.
Cơ tim
Đây là nhóm cơ hoạt động theo sự kiểm soát của hệ thần kinh tự trị, tức con người không thể điều khiển nhóm cơ này theo ý muốn của mình được. Vai trò chính của nhóm cơ này đó là co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể. Hoạt động co bóp của cơ tim được điều khiển thông qua đáp ứng với tín hiệu xung điện được phát ra từ những tế bào tạo nhịp tim.
Các tín hiệu được phát ra từ tế bào tạo nhịp sẽ được truyền đến tế bào cơ tim để kích thích tế bào này co bóp nhịp nhàng tạo thành nhịp tim, đồng thời bơm máu đi nuôi cơ thể. Các tín hiệu này sẽ được truyền xuyên suốt từ phần trên xuống phần dưới tim. Nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào cơ tim mà tín hiệu điện thế được truyền đi liên tục theo kiểu làn sóng.
Biện pháp bảo vệ sức khoẻ của hệ thống cơ
Để cơ thể có thể vận động một cách thuận lợi và nhịp nhàng, các cơ cần khoẻ mạnh và để duy trì điều này, bản thân mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho hệ thống cơ. Một số biện pháp có thể kể đến như:
- Tập thể dục đều đặn: Việc vận động đều đặn, vừa sức mỗi ngày không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp mà còn giúp rèn luyện cũng như cải thiện khả năng chịu đựng của cơ tim và toàn bộ cơ thể.
- Chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dưỡng chất: Để có được một hệ cơ khỏe mạnh không thể không nhắc đến chế độ ăn uống bởi đây là nguồn cung cấp dưỡng chất chính cho cơ thể. Để bảo vệ hệ cơ cũng như sức khoẻ cần hạn chế những thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa, đồ ăn chiên, xào, hạn chế ăn mặn,… vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Không sử dụng chất kích thích: Thuốc lá, chất kích thích, hạn chế rượu bia bởi đây là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của chúng ta nói chung và hệ cơ nói riêng.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp: Cân nặng là một trong những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến hệ cơ cũng như tình trạng sức khoẻ. Theo dõi chỉ số BMI để điều chỉnh cân nặng ở mức cho phép. Trong trường hợp thừa cân hoặc thậm chí là béo phì sẽ khiến cơ thể phải đối diện với nhiều vấn đề xấu, có thể dẫn đến những chấn thương, ảnh hưởng đến hệ tim mạch và nhiều cơ quan khác.
- Chế độ nghỉ ngơi cân đối: Bên cạnh thời gian hoạt động, sinh hoạt bình thường, đặc biệt là sau khoảng thời gian vận động luyện tập với cường độ cao thì thời gian nghỉ ngơi chính là lúc để cơ bắp có thời gian để sửa chữa, phục hồi chức năng và tái tạo các tế bào mới.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người thường bỏ qua việc kiểm tra sức khoẻ vì lo sợ tốn kém hay sợ phát hiện bệnh. Tuy nhiên việc kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm những bất thường và có kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm ADN có khi nào sai không?
Cơ bắp tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể như điều hoà nhịp tim, nhịp thở, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, bài tiết, sinh sản và cho phép việc di chuyển được diễn ra thuận lợi. Khi cơ gặp các vấn đề hay bị hư hỏng sẽ tác động xấu đến việc chuyển động cũng như nhiều hoạt động trong cơ thể. Một số bệnh lý như bệnh về cơ, loạn dưỡng cơ, bệnh đa xơ cứng, Parkinson hay đau cơ xơ hoá,… có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc vận hành trơn tru của hệ thống cơ bắp.
Chi tiết về hệ thống cơ và vai trò của chúng đối với cơ thể người đã được thông tin cụ thể ở bài viết trên. Để cơ thể cũng như hệ thống cơ bắp phát triển mạnh mẽ, hy vọng bản thân mỗi người sẽ có những biện pháp luyện tập cũng như ăn uống khoa học, giữ cho cơ luôn được khỏe mạnh.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm