Parkinson là một bệnh lý có liên quan đến sự thoái hóa chức năng thần kinh não bộ và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của số lượng lớn người trên toàn thế giới. Trong đó, suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là biến chứng nặng nề nhất và để lại không ít hệ lụy trên đời sống của người bệnh.
Bạn đang đọc: Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson: Dấu hiệu nhận biết, yếu tố ảnh hưởng và điều trị
Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson trở thành nỗi trăn trở và lo lắng lớn nhất của hầu hết người mắc bệnh. Vậy làm thế nào để nhận biết được dấu hiệu của biến chứng này? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé!
Nhận biết dấu hiệu của suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson
Là căn bệnh được liệt kê vào danh sách những bệnh liên quan đến thần kinh, Parkinson xảy ra khi nhóm tế bào thần kinh trong não bị thoái hóa với nguyên nhân được cho là thiếu hụt dopamine. Từ đó, não bộ dần mất đi khả năng kiểm soát được sự vận động của cơ bắp, khiến con người đi lại trở nên khó khăn hơn, chân tay bị run cứng và cử động kém linh hoạt hơn.
Theo thống kê, có khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới mắc căn bệnh thần kinh này, trong đó tại Việt Nam, số người phải “sống chung” với căn bệnh Parkinson này đang ngày càng gia tăng. Parkinson thường gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên có gần 10% trường hợp người bệnh khởi phát ở độ tuổi dưới 40. Tuy đây không phải là căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng lại là trở ngại lớn cho những công việc và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là biểu hiện xuất hiện trong giai đoạn sau của bệnh, khi quá trình thoái hóa bắt đầu ảnh hưởng đến các khu vực tế bào não có chức năng điều hành ghi nhớ và mức độ tập trung. Tình trạng suy giảm trí nhớ do bệnh Parkinson có thể gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nhận thức bao gồm sự chú ý, trí nhớ thị giác không gian và chức năng điều hành. Rối loạn chức năng điều hành điển hình thường xảy ra sớm hơn và phổ biến hơn ở Parkinson so với Alzheimer.
Trong suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson thì sự mất ổn định về tư thế và những bất thường về dáng đi thường phổ biến hơn. Ngoài ra, phối hợp vận động giảm nhanh hơn và ngã nhiều hơn so với Parkinson mà không có chứng suy giảm trí nhớ.
Những dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết được tình trạng suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson bao gồm:
- Mất tập trung;
- Giảm khả năng ngôn ngữ nên gặp khó khăn nhiều hơn nói và diễn đạt;
- Suy giảm nhận thức về thời gian và không gian;
- Không thể ghi nhớ được các sự kiện dù chỉ vừa mới xảy ra;
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ về đêm và ngủ nhiều vào ban ngày;
- Dễ xuất hiện ảo giác khiến người bệnh luôn lo lắng, bồn chồn;
- Dễ cáu giận, tâm trạng buồn chán có thể do trầm cảm;
- Không nhớ và nhận diện được những người thân cận bên cạnh mình.
Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh Parkinson
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác khiến cho các tế bào chết đi và dẫn đến bệnh Parkinson. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ nặng của biểu hiện suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson bao gồm:
- Tuổi tác: Theo thống kê thì có khoảng 1% người bị Parkinson mắc suy giảm trí nhớ ở độ tuổi trên 60 bởi càng lớn tuổi thì lượng dopamine trong cơ thể càng suy giảm nhanh chóng. Vì thế, đây được xem là yếu tố nguy cơ có vai trò lớn nhất trong việc quyết định mức độ nặng nề của những bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí nhớ ở Parkinson.
- Giới tính: So với nữ giới thì nam giới mắc Parkinson có nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm trí nhớ cao hơn.
- Có người trong gia đình từng mắc Alzheimer.
- Kém đáp ứng với quá trình điều trị: Levodopa là thuốc điều trị ưu tiên trong Parkinson. Đây là một tiền chất của dopamin có vai trò quan trọng giúp làm tăng lượng dopamine trong các tế bào não. Nếu bệnh nhân mắc Parkinson đáp ứng kém khi điều trị với thuốc này thì sẽ có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ cao hơn so với bình thường.
- Rối loạn dáng đi: Bệnh nhân bị Parkinson thường di chuyển khó khăn trong tư thế khom người, giảm phản xạ vận động và khó có thể giữ được thăng bằng. Những đối tượng này thường có nguy cơ xuất hiện chứng suy giảm trí nhớ cao hơn so với những bệnh nhân khác gấp 4 lần.
- Thời gian mắc bệnh lâu: Suy giảm trí nhớ xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh Parkinson, vì thế người bệnh càng sống chung với Parkinson trong thời gian dài sẽ càng có nguy cơ mắc phải suy giảm trí nhớ cao hơn.
- Xuất hiện các biểu hiện nặng của Parkinson như rối loạn giấc ngủ, ngủ nhiều vào ban ngày, trầm cảm, xuất hiện ảo giác và các rối loạn tâm thần khác.
Tìm hiểu thêm: Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không? Cần lưu ý những gì?
Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Parkinson là bệnh lý do các tế bào thần kinh hạch nền bị suy yếu hoặc mất đi. Thông thường, các tế bào thần kinh này sẽ tạo ra một chất hóa học là dopamine. Khi các tế bào thần kinh ở hạch nền này bị suy yếu hoặc chết đi thì chúng sẽ giảm sản xuất dopamine, giảm kích thích lên vỏ não và khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn khi vận động.
Đến hiện tại, vẫn chưa có một phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân bị mắc Parkinson. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và trì hoãn tiến triển của bệnh, phòng mắc phải suy giảm trí nhớ. Biện pháp để điều trị Parkinson chủ yếu dựa vào thuốc và quá trình luyện tập phục hồi. Trong một số trường hợp nhất định, người bệnh phải phẫu thuật não để chữa trị.
Một số nhóm thuốc bệnh nhân được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson bao gồm:
- Hợp chất ức chế cholinesterase: Là một nhóm thuốc chính trong điều trị suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson hiện nay nhằm giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng và các biểu hiện liên quan đến suy giảm trí nhớ.
- Levodopa: Như đã đề cập ở trên thì Levodopa là một tiền chất của dopamin, giúp hỗ trợ tăng nồng độ của dopamin trong tế bào thần kinh. Tuy nhiên, nếu tự ý sử dụng Levodopa sẽ có nguy cơ xuất hiện ảo giác, ảo tưởng và khiến tình trạng trở nên nặng nề hơn. Vì thế nên người bệnh tuyệt đối không được sử dụng thuốc khi chưa có bất cứ sự hướng dẫn từ các bác sĩ điều trị.
- Thuốc chống loạn thần: Đây cũng là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị Parkinson. Tuy nhiên, thuốc này lại có thể gây ra khá nhiều tác dụng phụ trên người bệnh như: Lú lẫn, xuất hiện ảo tưởng, ảo giác và còn có nguy cơ làm nghiêm trọng hơn các biểu hiện khác của Parkinson.
- Thuốc chống trầm cảm: Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này để cải thiện biểu hiện trầm cảm và suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson.
>>>>>Xem thêm: Ánh sáng xanh có làm đen da không? Cách hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh đến làn da
Suy giảm trí nhớ ở bệnh Parkinson là một biến chứng nguy hiểm, chính vì thế người bệnh cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Nhà thuốc Long Châu hy vọng rằng, những kiến thức mang lại trên đây sẽ hữu ích đối với bạn. Cảm ơn bạn vì đã luôn đồng hành và theo dõi các thông tin từ Nhà thuốc Long Châu!
Xem thêm:
- Suy giảm trí nhớ mất ngủ có điều trị được không?
- Suy giảm trí nhớ do thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Suy giảm trí nhớHệ thần kinh