Bạn đang đọc: Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương
Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương là một phương pháp quan trọng, hỗ trợ cho các bác sĩ trong việc chăm sóc và điều trị các vấn đề liên quan đến xương.
Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương là một phương pháp quan trọng trong lĩnh vực y học dùng để đánh giá sự chuyển hóa xương và xác định các vấn đề liên quan đến xương. Chất đánh dấu này được sử dụng để theo dõi quá trình hấp thụ, tổng hợp và phân hủy xương, giúp cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe xương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thêm những thông tin cụ thể về xét nghiệm này.
Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương là gì?
Xương trải qua quá trình chuyển hóa liên tục, bao gồm sự tiêu hủy bởi tế bào hủy xương và sự hình thành bởi tế bào tạo xương. Một vấn đề phổ biến liên quan đến xương là bệnh loãng xương. Đây là một rối loạn chuyển hóa xương, chủ yếu liên quan đến sự gia tăng quá trình hủy xương và giảm sự hình thành xương. Kết quả cho thấy xương trở nên mỏng, yếu và dễ gãy. Đưa ra chẩn đoán sớm cho loãng xương giúp can thiệp điều trị kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ gãy xương.
Phương pháp đo mật độ xương đã trở thành một công cụ phổ biến để chẩn đoán bệnh loãng xương. Tuy nhiên, phương pháp này còn một số hạn chế. Đầu tiên, nó không thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong quá trình chuyển hóa xương hoặc theo dõi sự thay đổi trong giai đoạn ngắn. Thứ hai, chi phí đo mật độ xương khá cao, gây hạn chế cho việc làm xét nghiệm này thường xuyên.
Trong khi đó, xét nghiệm đang đề cập có thể giúp bác sĩ xác định sự thay đổi trong quá trình điều trị loãng xương chỉ sau vài tháng điều trị. Các chất đánh dấu này đã được chứng minh là có khả năng dự đoán chính xác sự cải thiện sớm của mật độ xương và hiệu quả của việc điều trị. Ngoài ra, chúng cũng có thể giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, lượng chất đánh dấu trong luân chuyển xương có thể thay đổi theo thời gian trong ngày và khối lượng xương, làm cho phương pháp xét nghiệm này không thực sự hữu ích trong việc sàng lọc bệnh loãng xương. Thay vào đó, xét nghiệm nói trên chủ yếu được sử dụng để đánh giá tác động của quá trình điều trị so với trước khi điều trị.
Những chất đánh dấu trong quá trình luân chuyển xương
Những chất đánh dấu trong luân chuyển xương bao gồm:
- Các chất chỉ dấu xương như N-telopeptide và C-telopeptide (NTx và CTx) chiếm gần 90% collagen type 1 trong cấu trúc xương. Khi xương bị phá hủy, NTx và CTx được giải phóng vào máu và sau đó tiết ra qua nước tiểu. Xét nghiệm NTx và CTx được sử dụng để đánh giá đáp ứng sớm với liệu pháp dùng thuốc chống tái hấp thụ.
- Propeptide procollagen type 1 tận cùng bằng amino (P1NP) tỷ lệ thuận với lượng collagen mới được sản xuất bởi nguyên bào xương. Nồng độ P1NP tăng cao ở những bệnh nhân mắc các bệnh xương khác nhau. Xét nghiệm P1NP hữu ích trong việc theo dõi quá trình hình thành xương và hiệu quả của liệu pháp chống tái hấp thụ xương.
- Pyridinium (PYD) liên kết chéo được tạo thành trong quá trình hình thành xương collagen type 1. Trong trường hợp tiêu xương, PYD liên kết chéo được giải phóng tự do.
- Osteocalcin (còn được gọi là Protein G1A xương – BGP) được sản xuất bởi nguyên bào xương và liên quan đến quá trình tạo và phân hủy xương. Nó là một chỉ số quan trọng về chuyển hóa xương. Mức độ tăng của Osteocalcin có liên quan đến mất mật độ khoáng xương. Osteocalcin là một protein phụ thuộc vào vitamin K, vì vậy khi thiếu vitamin K, mức độ BGP giảm. Điều này có thể giải thích nguyên nhân loãng xương do thiếu vitamin K.
- Phosphatase kiềm đặc trưng của xương (BSAP) được tìm thấy trong màng tế bào của tế bào tạo xương và nó là một chỉ số biểu thị tình trạng trao đổi chất và hình thành xương của tế bào tạo xương.
Khi nào được chỉ định làm xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương?
Dưới đây là những trường hợp cần làm xét nghiệm đang xét:
- Cùng với các xét nghiệm khác như: Đo nồng độ canxi trong máu, đo nồng độ vitamin D, kiểm tra chức năng tuyến giáp và hormon tuyến cận giáp.
- Kiểm tra chất đánh dấu trong luân chuyển xương được thực hiện khi bác sĩ phát hiện sự giảm mật độ xương của bệnh nhân bằng các xét nghiệm đo mật độ xương.
- Thực hiện khi bệnh nhân gặp chấn thương về xương không phải do nguyên nhân té ngã hay va chạm.
- Sau khi điều trị loãng xương, xét nghiệm này có thể được lặp lại sau 3 – 6 tháng để kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Tìm hiểu thêm: Số đo 3 vòng chuẩn của nữ tính như thế nào?
Quy trình thực hiện xét nghiệm
Chuẩn bị
- Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về mục đích của xét nghiệm và quy trình thực hiện.
- Bệnh nhân cần nhịn ăn trong 8 tiếng trước khi đi xét nghiệm.
- Một số bệnh viện có thể yêu cầu kiểm tra nước tiểu trong suốt 24 giờ.
Quy trình thực hiện
Xét nghiệm nước tiểu: Lấy mẫu nước tiểu bằng cách bỏ mẫu nước tiểu đầu tiên, sau đó lấy mẫu thứ hai để đảm bảo độ chính xác, cụ thể:
- Lấy mẫu nước tiểu đầu tiên (khoảng 30 – 40 phút trước thời gian yêu cầu lấy mẫu của phòng xét nghiệm);
- Bỏ mẫu nước tiểu đầu tiên;
- Uống một ly nước;
- Lấy mẫu nước tiểu thứ hai.
Xét nghiệm máu:
- Nhân viên y tế sẽ quấn một dải băng quanh cánh tay để ngăn máu lưu thông và xác định vị trí lấy máu.
- Vị trí lấy máu sẽ được sát trùng bằng cồn.
- Kim sẽ được tiêm vào tĩnh mạch và gắn với ống để máu chảy ra.
- Sau khi đã lấy đủ máu sẽ tháo dải băng quanh cánh tay ra.
- Ấn một miếng băng gạc lên vị trí vừa lấy máu để ngăn máu chảy ra.
- Dán băng keo cá nhân lên để cố định miếng băng gạc.
Sau đó, mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu sẽ được gửi đi xét nghiệm và kết quả sẽ được trả lại cho bệnh nhân.
>>>>>Xem thêm: Những bệnh có thể chữa bằng tế bào gốc mà bạn nên biết
Chỉ số bình thường của xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương
N-telopeptide
Nước tiểu (nm BCE */mm creatinine):
- Nam: 21 – 83;
- Nữ tiền mãn kinh: 17 – 94;
- Nữ sau mãn kinh: 26 – 124.
Huyết thanh (nm BCE *):
- Nam: 5,4-24,2;
- Nữ: 6,2-19,0.
C-telopeptide
Nước tiểu (ng/ml):
- Người lớn: 1,03 ± 0,41;
- Trẻ em: 8,00 ± 3,37.
Huyết thanh (pg/ml):
- Nam: 60 – 700;
- Nữ, tiền mãn kinh: 40 – 465;
- Nữ, sau mãn kinh: 104 – 1008.
Propeptide procollagen type 1 tận cùng bằng amino (P1NP)
Huyết thanh (lig/l):
- Nam: 22 – 105;
- Nữ, tiền mãn kinh: 19 – 101;
- Nữ, sau mãn kinh: 16 – 96.
Osteocalcin
Huyết thanh (ng/ml) ở người lớn (> 22 tuổi):
- Nam: 5,8 – 14,0;
- Nữ: 3,1 – 14,4.
Pyridium
Nước tiểu (nm/mm):
- Nam: 10,3 – 33,6;
- Nữ: 15,3 – 33,6.
Phosphatase kiềm đặc trưng của xương (BSAP)
Huyết thanh (mg/l):
- Nam: 6,5 – 20,1;
- Nữ, tiền mãn kinh: 4,5 – 16,9;
- Nữ, sau mãn kinh: 7,0 – 22,4.
Một số lưu ý về kết quả xét nghiệm:
- Khi thực hiện xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương qua nước tiểu, có thể xảy ra chênh lệch lên tới 30% kết quả dù được thực hiện trong cùng một ngày. Để giảm khả năng ra kết quả sai lệch, có một biện pháp là bỏ nước tiểu đầu ngày và thu thập nước tiểu thứ hai trong buổi sáng khi lấy mẫu.
- Sử dụng một số loại thuốc như Testosterone có thể làm giảm mức NTx trong xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương cung cấp thông tin quan trọng về tình trạng sức khỏe xương của một người. Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng xương, xác định nguy cơ gãy xương và đưa ra quyết định điều trị phù hợp. Đồng thời, theo dõi kết quả xét nghiệm theo thời gian cũng giúp đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị loãng xương và sự phục hồi của mật độ xương.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề: xét nghiệmKiểm tra sức khỏeChẩn đoán bệnh