Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

Viêm phổi là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ mắc phải bệnh lý này có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Vậy viêm phổi là gì? Biện pháp điều trị viêm phổi nặng ở trẻ em ra sao? Tất cả sẽ được bật mí trong bản tin sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Bạn đang đọc: Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới ghi nhận gần 2 triệu ca mắc viêm phổi, trong đó có đến 25% trên tổng số các ca mắc gặp phải biến chứng nặng, thậm chí phải đối diện với nguy cơ tử vong. Chính vì thế, việc phát hiện sớm và chữa trị kịp thời là rất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng viêm phổi nặng ở trẻ em.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi là bệnh lý viêm đường hô hấp dưới, gây tổn thương nhu mô phổi và tiểu phế quản. Đây được xem là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trở sơ sinh và suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em bao gồm:

  • Vi khuẩn: Ở các nước đang phát triển nguyên nhân do vi khuẩn còn khá phổ biến. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp bao gồm phế cầu, hemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu, E coli…
  • Virus: Virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, adenovirus là các virus thường gặp gây bệnh viêm phổi.
  • Nấm: Thường gặp nhất là nấm candida albicans gây tưa miệng có thể phát triển xuống phế quản phổi gây viêm phổi do nấm.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi có thể kể đến như:

  • Môi trường sống bị ô nhiễm, điều kiện sống thiếu tiện nghi, nguồn nước không đảm bảo…
  • Trẻ em có người thân mắc bệnh lao phổi hoặc nghiện thuốc lá.
  • Chăm sóc không đúng cách: Không cho trẻ bú sữa mẹ, không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ…
  • Trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân khi sinh, hệ miễn dịch yếu hoặc trẻ có các dị tật bẩm sinh có liên quan đến hô hấp…

Về cơ chế bệnh sinh: Các tác nhân gây bệnh bao gồm virus, vi khuẩn và nấm xâm nhập vào phổi gây tổn thương viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang. Do phổi bị tổn thương khiến người bệnh tăng tiết đờm dãi, phù nề niêm mạc phế quản, gây bít tắc đường thở dẫn đến rối loạn thông khí và khuếch tán khí, cuối cùng là suy hô hấp.

Hậu quả của suy hô hấp là thiếu O2, tăng CO2 trong máu và gây nên các rối loạn bệnh lý khác, chẳng hạn như rối loạn thông khí, rối loạn tim mạch, mất cân bằng nước và điện giải…

Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

Vi khuẩn là một trong những tác nhân chính gây bệnh viêm phổi

Các triệu chứng của lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh viêm phổi

Triệu chứng của bệnh viêm phổi khá đa dạng, mỗi giai đoạn sẽ có các triệu chứng và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đặc biệt, các triệu chứng càng rõ rệt khi tình trạng bệnh diễn biến nặng. Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần phải theo dõi sát các triệu chứng mà trẻ gặp phải để kịp thời phát hiện cũng như chữa trị.

Triệu chứng lâm sàng

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ có các biểu hiện như:

  • Sốt nhẹ, nhiệt độ có thể tăng lên từ từ hoặc sốt cao ngay từ đầu. Trẻ mệt mỏi, khó chịu, hay quấy khóc và ăn kém.
  • Viêm long đường hô hấp trên với các biểu hiện nhue ho, chảy nước mũi, ngạt mũi…
  • Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện như nôn, trớ hoặc tiêu chảy…

Ở giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có các biểu hiện sau đây:

  • Sốt cao, quấy khóc, môi khô lưỡi bẩn.
  • Ho khan hoặc ho xuất tiết nhiều đờm dãi.
  • Nhịp thở nhanh: Lớn hơn hoặc bằng 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, lớn hơn hoặc bằng 50 lần/phút với trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi, lớn hơn hoặc bằng 40 lần/phút với trẻ trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi.
  • Khó thở, cánh mũi phập phồng, đầu gật gù theo nhịp thở, rút lõm lồng ngực. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể có dấu hiệu tím tái ở lưỡi, quanh môi và đầu chi, trẻ có rối loạn nhịp thở, thậm chí có các cơn ngừng thở.
  • Nghe phổi có ran ẩm to nhỏ hạt rải rác ở 1 hoặc cả 2 bên phổi, ngoài ra có thể có ran ngáy, ran rít.
  • Trẻ có thể có rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy…
  • Trong trường hợp suy hô hấp nặng, trẻ có thể có biểu hiện suy tim, trụy mạch.

Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

Trẻ có thể bị sốt khi bị viêm phổi

Triệu chứng cận lâm sàng

Trẻ bị viêm phổi sẽ có các biểu hiện cận trên cận lâm sàng cụ thể như sau:

  • X quang có nốt mờ rải rác, chủ yếu ở vùng rốn phổi và cạnh tim.
  • Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
  • Xét nghiệm đo các chất khí trong máu: Xét nghiệm Astrup thấy hiện tượng nhiễm toan PaO2 giảm, PaCO2 tăng, pH máu giảm, dự trữ kiềm (BE) âm trong những trường hợp viêm phổi nặng có suy hô hấp.

Hướng điều trị và chăm sóc viêm phổi nặng ở trẻ em

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cũng như cách chăm sóc cho từng trẻ.

Hướng điều trị

Khi điều trị viêm phổi nặng ở trẻ em mà nguyên nhân gây ra là do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là loại thuốc có tác dụng ức chế và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.

Khi sử dụng thuốc, cha mẹ nên cho trẻ dùng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua cũng như cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa chỉ định từ bác sĩ. Khi chưa kết thúc liệu trình điều trị mà các triệu chứng đã cải thiện thì cha mẹ tuyệt đối không được cho trẻ dừng uống thuốc.

Đối với trường hợp viêm phổi nặng ở trẻ em do virus, tuỳ thuộc vào loại virus gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng các loại thuốc phù hợp. Tuy thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này song trong một số trường hợp, bác sĩ vẫn có thể kê đơn kháng sinh nhằm dự phòng bội nhiễm.

Tìm hiểu thêm: Sưng nướu răng hàm trên là dấu hiệu của bệnh lý gì?

Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc
Viêm phổi nặng ở trẻ em do vi khuẩn cần được điều trị bằng kháng sinh

Chăm sóc trẻ mắc viêm phổi nặng

Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi nặng, cha mẹ có thể tham khảo:

  • Trẻ bị viêm phổi thường kèm theo sốt. Việc cha mẹ cần làm lúc này là hạ sốt cho trẻ. Để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ có thể nới rộng quần áo, cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo sữa mẹ, chườm mát cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo y lệnh hoặc liều dùng khuyến cáo (Paracetamol 10 – 15mg/kg/lần).
  • Một số trẻ có thể khò khè do tăng tiết đờm dãi, cha mẹ có thể làm thông đường thở cho trẻ bằng cách nới rộng quần áo, đặt trẻ nằm ở tư thế ngửa, kê gối dưới vai để đầu ngả ra sau, cằm đưa về phía trước và hơi nghiêng sang một bên, làm loãng đờm bằng cách cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn, vỗ long đờm cho trẻ và hút đờm dãi (nếu cần).
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ. Người nhà và người chăm sóc trẻ cũng cần đảm bảo vấn đề này. Bên cạnh đó, cha mẹ cần làm sạch đồ dùng, đồ chơi, dọn dẹp nhà cửa và phòng ốc của trẻ để tránh ẩm mốc, bụi bẩn.
  • Về chế độ dinh dưỡng: Cha mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn dễ nuốt và dễ tiêu chẳng hạn như cháo, sữa, thức ăn lỏng… nhưng vẫn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Mỗi lần cho trẻ ăn, cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều, thay vào đó, nên chia nhỏ thành nhiều bữa để trẻ dễ tiêu hoá.
  • Tăng cường nước bổ sung vào cơ thể cho trẻ. Việc làm này không chỉ vừa giúp hạ sốt, long đờm mà còn đảm bảo cơ thể trẻ không bị mất nước. Ngoài cho trẻ bú, hoặc uống nước lọc thông thường, mẹ có thể bổ sung linh hoạt dưới dạng nước ép, sữa, canh súp…

Viêm phổi nặng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và chăm sóc

>>>>>Xem thêm: Đặt tinh hoàn nhân tạo có an toàn không?

Cha mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ bị viêm phổi

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về tình trạng viêm phổi nặng ở trẻ em. Có thể thấy rằng, viêm phổi không chỉ gây ra cho trẻ những triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, cha mẹ cần chú ý khi trẻ có các dấu hiệu triệu chứng nêu trên và đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám cũng như điều trị kịp thời.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *