Có nhiều thuốc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa, tái tạo xương. Do đó loãng xương do thuốc ngày càng tăng và phổ biến. Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương dẫn đến tình trạng gãy xương. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ thông tin rõ hơn về vấn đề loãng xương do thuốc.
Bạn đang đọc: Vì sao có tình trạng loãng xương do thuốc?
Một số loại thuốc có tác động tiêu cực đến quá trình hình thành xương, làm tăng nguy cơ mắc loãng xương. Nguy cơ loãng xương đặc biệt cao hơn ở những phụ nữ mãn kinh trong vòng 4 năm, những người có mật độ xương thấp hoặc đã từng bị gãy xương, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương, người hút thuốc, uống quá nhiều rượu và những người bị thiếu vitamin D. Tình trạng loãng xương do thuốc gây ra bởi sự tác động của thuốc cộng thêm với các yếu tố nguy cơ sẵn có.
Loãng xương là gì?
Loãng xương là một rối loạn về xương được đặc trưng bởi sự suy giảm sức mạnh của xương dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Trong đó là sự mất cân bằng giữa quá trình tiêu xương và tạo xương. Loãng xương là một tình trạng phổ biến có thể dẫn đến đau đớn, gãy xương và tàn tật.
Phần lớn người mắc loãng xương là phụ nữ lớn tuổi, nhưng người trẻ tuổi cũng có thể mắc loãng xương. Người ta dùng chỉ số T-score để xác định mật độ xương. Trong đó loãng xương là tình trạng mật độ xương thấp với chỉ số T-score từ (-2,5) trở xuống, thiếu xương là tình trạng có chỉ số T-score từ (-1) đến (-2,5).
Loãng xương do thuốc xảy ra cũng rất phổ biến. Tỷ lệ mắc và tử vong khá cao. Các thuốc điều trị các bệnh lý có thể không liên quan đến xương nhưng ảnh hưởng đến mật độ xương. Từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất là gãy xương do loãng xương.
Nguyên nhân gây loãng xương
Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra tình trạng mất cân bằng của quá trình tiêu xương và tạo xương cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng loãng xương. Trong đó có những nguyên nhân sau:
- Tuổi tác: Ở phụ nữ mãn kinh do nồng độ estrogen thấp, ở nam giới là do nồng độ testosteron thấp khi lớn tuổi;
- Loãng xương do thuốc;
- Thiếu canxi, vitamin D do chế độ ăn, đặc biệt là không đủ cung cấp cho cơ thể trong giai đoạn xương phát triển;
- Lối sống ít vận động làm cho xương bị suy yếu;
- Hút thuốc lá, uống rượu bia;
- Công việc phải lao động nặng nhọc.
Loãng xương do thuốc
Có một số thuốc gây ra nguy cơ loãng xương do thuốc bao gồm:
Corticoid
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng loãng xương do thuốc. Corticoid được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh về phổi, thấp khớp, tiêu hóa, da liễu và các bệnh lý tự miễn. Nguy cơ mất xương cao nhất trong vòng 6 đến 12 tháng đầu điều trị lâu dài và phụ thuộc vào liều lượng. Uớc tính khoảng 30% đến 50% người bệnh dùng steroid lâu dài toàn thân cuối cùng sẽ bị gãy xương.
Corticoid làm giảm sự hình thành xương bằng cách tăng quá trình apoptosis của nguyên bào xương. Đồng thời làm giảm các yếu tố tăng trưởng liên quan đến việc tái tạo xương, trong đó bao gồm osteoprotegerin và yếu tố tăng trưởng giống insulin. Corticoid cũng đã được chứng minh là làm giảm sự hấp thu canxi qua đường tiêu hóa từ ruột và tăng bài tiết canxi qua thận.
Tìm hiểu thêm: Ngũ cốc nguyên hạt là gì? Lợi ích sức khỏe ra sao?
Thuốc chống động kinh
Một số thuốc chống co giật có thể gây loãng xương, trong đó có các loại thuốc bao gồm phenytoin, phenobarbital, carbamazepine và primidone. Trong một nghiên cứu về phụ nữ lớn tuổi, tình trạng mất xương gần như tăng gấp đôi ở những người dùng thuốc chống động kinh so với người bình thường.
Thuốc chống động kinh cảm ứng enzyme CYP450 ở gan, dẫn đến chuyển hóa vitamin D nhanh chóng, có thể có cả estrogen. Ngoài ra ở liều điều trị, phenytoin và carbamazepin có tác dụng trực tiếp lên xương bằng cách ức chế tế bào nguyên bào xương. Trong đó có thể liên quan đến việc ức chế hormon osteocalcin điều hòa canxi trong xương.
Heparin
Heparin không phân đoạn (UFH) cũng liên quan đến loãng xương do thuốc. Biến chứng này xảy ra khi điều trị lâu dài, liều cao. Người ta ước tính rằng tình trạng mất xương xảy ra sau sáu tháng điều trị bằng heparin với liều hàng ngày lớn hơn 15.000 đơn vị.
Các heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) chẳng hạn như enoxaparin có hiệu quả, ít cần theo dõi hơn, dễ dàng sử dụng ở bệnh nhân ngoại trú và dường như không gây mất xương. Trong một nghiên cứu, việc sử dụng enoxaparin không gây ra thay đổi đáng kể nào về mật độ xương ở phụ nữ được điều trị trong suốt thai kỳ và sáu tuần sau khi sinh con.
Cơ chế tế bào cụ thể mà heparin gây mất xương vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Heparin ức chế chức năng của nguyên bào xương, dẫn đến giảm khối lượng xương. Ngoài ra heparin làm tăng cường chức năng hormon tuyến cận giáp (PTH), làm tăng giải phóng canxi và phốt pho từ xương vào máu, dẫn đến giảm mật độ xương.
Progestin
Một trong những nhóm thuốc có liên quan đến loãng xương do thuốc là progestin. Progestin là một loại hormon thường được sử dụng trong tránh thai và các liệu pháp hormone.
Chế phẩm progestin thường liên quan đến mất xương nhất là medroxyprogesterone acetate (MPA). Nguy cơ mất xương tăng lên sau hai năm sử dụng MPA liên tục. Tác động của thuốc đối với tình trạng mất xương phụ thuộc vào liều lượng và nồng độ estrogen của bệnh nhân. MPA ức chế sản xuất estrogen của buồng trứng, khi đó nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến suy giảm khối lượng xương.
Các loại thuốc khác
Methotrexate có thể làm tăng nguy cơ loãng xương khi dùng liều rất cao, chẳng hạn như ở bệnh nhân ung thư. Cơ chế này chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng được cho là liên quan đến sự mất cân bằng trong quá trình tái hấp thu và hình thành xương.
Thuốc lợi tiểu quai như furosemide cũng có thể làm giảm khối lượng xương bằng cách tăng bài tiết canxi ở thận.
Ngoài ra các thuốc kháng axit có chứa nhôm có thể liên kết canxi trong đường tiêu hóa và dẫn đến giảm hấp thu canxi.
Lithium đã được chứng minh là làm tăng tiết hormone tuyến cận giáp. Do đó có thể gây giải phóng canxi từ xương để tăng nồng độ canxi trong huyết thanh.
>>>>>Xem thêm: Dày thành túi mật nguyên nhân do đâu? Có nguy hiểm không?
Tuy nhiên các thuốc này chưa có các nghiên cứu đưa ra bằng chứng thuyết phục là có liên quan đến loãng xương. Các cơ chế chủ yếu liên quan đến việc hấp thu và đào thải canxi.
Do đó khi bắt buộc phải lựa chọn các thuốc có nguy cơ gây loãng xương để điều trị, bác sĩ sẽ lựa chọn thêm các phương pháp để ngăn tình trạng loãng xương, gãy xương xảy ra. Trong đó có thể là bổ sung thêm canxi và vitamin D hoặc các thuốc loãng xương nhóm bisphosphonate.
Việc bổ sung thêm các thuốc khác là do bác sĩ chỉ định, người bệnh không được tự ý bổ sung khi chưa có chỉ định cụ thể.
Như vậy qua bài viết trên, bạn đã biết được vì sao có tình trạng loãng xương do thuốc. Hi vọng bài viết cung cấp cho bạn nhiều kiến thức thú vị và bổ ích. Chúc bạn luôn vui khỏe.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Bệnh loãng xươngBệnh xương khớp