Bạn đang đọc: Tủy răng: Cấu tạo, vai trò và bệnh lý thường gặp
Tủy răng là một bộ phận trong cấu trúc của răng. Tủy được bảo vệ bởi lớp men răng và ngà răng. Tủy răng màu gì và có đặc điểm, cấu tạo như thế nào? Cùng xem bài viết để nắm được những thông tin cần biết về tủy răng nhé!
Tủy răng được hình thành qua các giai đoạn phát triển của răng và có cấu tạo khá phức tạp. Nó đảm nhận vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Các bệnh lý ở tủy răng có thể lan ra vùng xung quanh gây đau nhức, sưng tấy và nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Tủy răng là gì?
Tủy răng là một mô mềm, có ở trong thân răng và chân răng. Nó chứa các tế bào, mạch máu, dây thần kinh, mô liên kết. Tủy cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi răng, giúp răng tồn tại. Cấu tạo của răng gồm 3 bộ phận: Men răng, ngà răng, tủy răng. Vị trí của tủy răng nằm bên trong men răng và ngà răng. Đây là môi trường khép kín và vô khuẩn.
Tủy răng màu gì?
Trong trạng thái bình thường, tủy răng có màu xanh và đỏ. Trường hợp bị chết tủy hoặc chấn thương buồng tủy thì nó sẽ làm thay đổi màu sắc của thân răng. Nguyên nhân do ngà răng bị máu viêm bên trong tủy ngấm vào. Thân răng chuyển từ màu trắng ngà sang hồng nhạt là dấu hiệu cảnh báo tổn thương tủy. Thân răng chuyển sang màu tím nhạt hoặc nâu đen là dấu hiệu của chết tủy.
Cấu tạo của tủy răng
Tủy răng có cấu tạo gồm 2 bộ phận chính: Buồng tủy và ống tủy. Buồng tủy là khoang chứa tủy nằm trong phần thân răng, bao gồm trần tủy và sàn tủy. Hai cấu trúc này tạo ra ranh giới giữa buồng tủy với tủy chân răng. Trong đó, trần tủy lồi lõm, có sừng tủy tương ứng với các núm mặt nhai. Sàn tủy chứa các lỗ thông giữa buồng tủy với ống tủy. Các răng một chân không chứa sàn tủy.
Ống tủy là khoang chứa tủy ở phần chân răng, bao gồm: Tủy chân răng, ống tủy phụ, ống tủy bên. Số lượng ống tủy trong mỗi chiếc răng là khác nhau, dao động từ 1 – 4 ống tủy. Trong đó, răng cửa thường chứa 1 ống tủy, răng cối nhỏ chứa 2 ống tủy, răng hàm chứa 3 – 4 ống tủy. Nằm bên trong ống tủy là tủy chân. Trên mỗi ống tủy đều có một lỗ cuống răng.
Theo cấu trúc mô học, trong tủy răng sẽ bao gồm các thành phần như sau:
- Tế bào: Chứa nguyên bào ngà, nguyên bào sợi (chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong tủy răng), tế bào trung mô chưa biệt hóa. Ngoài ra còn có các tế bào khác như: Mô bào, lympho bào, bạch cầu đơn nhân. Các tế bào này có chức năng nhận biết vi khuẩn xâm nhập và sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn.
- Mạch máu: Chứa các mạch máu chính và mạch máu nhỏ. Trong đó, mạch máu chính đi vào ống tủy chân và và buồng tủy thông qua các lỗ hở ở chóp răng. Mạch máu nhỏ liên kết tủy răng với màng nha chu.
- Mạch bạch huyết: Chứa thành nội mô rất mỏng, có van nhưng không có màng đáy, không có hồng cầu. Mạch bạch huyết di chuyển vào vùng dưới nguyên bào ngà, chảy đến các ống mạch. Ống mạch chạy xuyên qua tủy đi vào lỗ chóp răng. Sau đó thoát ra qua lỗ chóp của ống tủy bên.
- Dây thần kinh: Chứa sợi thần kinh có myelin và sợi thần kinh không có myelin. Sợi thần kinh đi vào tủy thông qua lỗ chóp, mạch máu và mạch bạch huyết. Chúng dẫn truyền cảm giác và điều hòa sự co mạch. Mỗi tủy thường có 2 – 3 bó sợi thần kinh. Mỗi bó có từ 150 sợi đến 1300 sợi.
- Các vùng mô của tủy: Có nhiều phân nhánh tạo thành mạng lưới ở ngoại vi tủy thân răng. Cấu trúc các vùng mô này bao gồm lớp nguyên bào ngà, vùng lưỡng cực giàu tế bào và vùng thưa nhân dưới nguyên bào ngà.
- Thành phần sợi: Gồm lưới sợi ưa bạc và các bó sợi collagen.
- Các chất căn bản: Nước, proteoglycan, glycoprotein, dermatan sulfate,…
Vai trò của tủy răng
Là bộ phận nằm trong cùng của răng, tủy răng có những chức năng quan trọng để nuôi sống và bảo vệ răng. Dưới đây là các vai trò của tủy răng.
Truyền dẫn cảm giác
Khi nhai thức ăn hoặc khi mắc bệnh lý ở răng, các dây thần kinh ở tủy sẽ truyền dẫn cảm giác. Răng sẽ có các phản ứng giúp cơ thể cảm nhận được tác động kích thích. Ví dụ như: Ê răng khi ăn đồ chua, ê buốt khi ăn đồ ngọt, đau nhức khi bị sâu răng,…
Tìm hiểu thêm: Tắc động mạch mắt: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nuôi dưỡng và tái tạo ngà răng
Ngà răng nằm bên trong men răng và ngay bên ngoài buồng tủy. Nó che chở, bảo vệ tủy răng ở môi trường khép kín. Tủy răng chứa rất nhiều mạch máu để vận chuyển dưỡng chất nuôi sống ngà răng. Nó giúp sửa chữa tổn thương và tái tạo ngà răng, bảo vệ răng khỏi các tác nhân gây hại.
Tăng khả năng miễn dịch
Hệ thống mạch bạch huyết và các tế bào miễn dịch bên trong tủy có thể phát hiện, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhờ vậy, tủy răng giúp cơ thể tăng cường chức năng miễn dịch để ngăn ngừa tác nhân gây hại.
Tủy răng quyết định đến sức khỏe và sự tồn tại của răng. Khi tủy trong răng bị chết thì chiếc răng đó cũng chết theo, không còn phản ứng với các kích thích từ bên ngoài. Tình trạng răng chết tủy cũng có thể gây ra các biến chứng áp xe, viêm xương, rụng răng và mất răng vĩnh viễn,… Vì vậy, bạn cần phát hiện và điều trị kịp thời khi tủy răng bị tổn thương.
Các bệnh lý thường gặp ở tủy răng
Mặc dù sống trong môi trường vô khuẩn được bao bọc bởi ngà răng, men răng nhưng tủy vẫn có thể bị tổn thương. Nguyên nhân do các tổ chức bảo vệ bị ảnh hưởng làm lộ tủy ra bên ngoài và gây viêm tủy răng.
Bệnh viêm tủy có phục hồi
Tủy bị viêm ở mức độ nhẹ do tình trạng sâu răng gây ra. Bệnh ít có dấu hiệu đặc trưng nên thường bị người bệnh bỏ qua. Chỉ đến khi tiến triển nặng hơn, cảm giác đau rõ ràng thì người bệnh mới đi khám.
Viêm tủy không phục hồi
Tình trạng viêm đã làm tổn thương hoàn toàn buồng tủy và không thể phục hồi như ban đầu. Bệnh xuất hiện ở hai dạng là đau hoặc không đau. Nếu bị bệnh ở dạng đau, bạn sẽ thấy các cơn đau dữ dội thành vùng, kéo dài vài phút hoặc nhiều giờ.
>>>>>Xem thêm: Sau khi làm PRP kiêng gì là tốt nhất?
Viêm tủy cấp
Biểu hiện của bệnh là các cơn đau đến tự nhiên, kể cả khi đang nghỉ ngơi. Cơn đau âm ỉ liên tục hoặc đau nhói từng cơn. Đau nghiêm trọng hơn khi thức ăn rơi vào lỗ sâu trên răng, ăn uống quá nóng hoặc quá lạnh. Trường hợp viêm tủy cấp sinh mủ thì các cơn đau sẽ đến dữ dội hơn. Cảm giác đau giật mạnh như mạch đập, chiếc răng bị viêm tủy nhô cao hơn và có thể bị lung lay nhẹ.
Viêm tủy mạn tính
Nguyên nhân gây bệnh do các kích thích tác động liên tục ở cường độ nhẹ tới mô tủy. Người bị bệnh xuất hiện các cơn đau âm ỉ kéo dài nhiều giờ ở răng bị viêm. Hoặc đau theo từng cơn nhưng khoảng cách giữa các cơn đau rất ngắn. Cũng có trường hợp người bệnh chỉ bị nhói đau nhẹ khi nhai thức ăn.
Hoại tử tủy răng
Hầu hết các trường hợp răng bị hoại tử tủy đều không có triệu chứng đau. Chỉ đến khi ổ viêm nhiễm và hoại tử đã lan đến chân răng thì mới xuất hiện cơn đau. Số ít trường hợp có cảm giác đau buốt răng khi mắc bệnh này.
Để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh ở tủy răng, bạn nên đi khám nha khoa khi bị đau răng kéo dài. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần cũng giúp sớm phát hiện bệnh. Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vệ sinh răng miệng sạch sẽ là cách để bạn phòng ngừa các bệnh lý ở răng. Bạn tham khảo thêm các sản phẩm nước súc miệng diệt khuẩn để hỗ trợ làm sạch và bảo vệ răng nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:răng miệngviêm tủy răng