Trẻ sơ sinh 4 tháng đầu phát triển rất nhanh và có những thay đổi nhất định về thể chất cũng như trí não. Thời điểm này, bố mẹ cần hiểu rõ trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì và theo dõi sự phát triển của trẻ để có cách chăm sóc, tương tác phù hợp. Việc chứng kiến sự thay đổi từng ngày của con cũng là niềm hạnh phúc vô cùng đối với người làm cha mẹ.
Bạn đang đọc: Trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì? Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi
4 tháng tuổi là thời điểm đánh dấu những thay đổi quan trọng của trẻ, trẻ có sự phát triển một cách nhanh chóng về cả thể chất và nhận thức. Ở thời điểm này, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về khả năng và nhu cầu của con để tạo điều kiện bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Hãy cùng tìm hiểu trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì và một số vấn đề mà cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi
Tiêu chuẩn phát triển của trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi
Khi theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi, bên cạnh chiều cao và cân nặng, bố mẹ đừng quên theo dõi kích thước vòng đầu, vòng ngực hoặc thóp. Đây đều là những chỉ số quan trọng phản ánh sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn.
Các chỉ số phát triển tiêu chuẩn đối với trẻ 4 tháng tuổi:
- Chiều cao (chiều dài): Bé trai có chiều cao khoảng từ 59,7 – 69,6 cm, trung bình 64,6 cm; còn đối với bé gái là khoảng từ 58,6 – 68,2cm, trung bình 63,4 cm.
- Cân nặng: Bé trai có cân nặng khoảng 5,9 – 9,1 kg, trung bình đạt 7,5kg; còn bé gái nặng khoảng 5,5 – 8,5 kg, trung bình 7 kg.
- Vòng đầu: Bé trai có số đo vòng đầu là 39,7 – 44,5 cm, trung bình 42,1 cm; bé gái có vòng đầu là 38,8 – 43,6 cm, trung bình 41,2 cm.
- Vòng ngực: Bé trai có số đo vòng ngực là 38,3 – 46,3 cm, trung bình 42,3 cm; bé gái là 37,3 – 44,9 cm, trung bình là 41,1 cm.
- Thóp: Thóp trước của trẻ chưa khép lại, thóp sau và đường khớp đã khép lại.
Trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì?
Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi có những phát triển vượt trội về thể chất cũng như trí não. Đây là thời điểm bố mẹ nên tìm hiểu nhiều hơn về khả năng và nhu cầu của con để bé có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
Khả năng phát triển thể chất, vận động
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn về việc trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì, và có thể cho trẻ tập làm những gì? Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, trẻ dần trở nên cứng cáp hơn và có thể nâng đầu lên, bố mẹ có thể bắt đầu tập bế dựng bé lên thay vì bế ngửa. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa thể tự giữ thẳng lưng và cổ vì những bộ phận này chưa thực sự cứng cáp. Do đó, khi bế dựng, bố mẹ đừng quên đỡ phần cổ và đầu của bé.
Thời điểm này, nhiều em bé bắt đầu biết lật. Thông thường, trẻ sẽ biết lật từ tư thế nằm ngửa sang nằm sấp trước, và sau vài tuần sẽ biết lật ngược lại. Các bậc phụ huynh nên tập cho bé lật hàng ngày để bé có thể nhanh cứng cáp hơn.
Bên cạnh đó, khả năng vận động của trẻ 4 tháng tuổi còn có những thay đổi khác:
- Đưa tay và đồ vật vào miệng;
- Tay khép trước ngực khi nằm ngửa, hai tay nắm với nhau, đôi lúc còn biết đưa chân;
- Khi nằm sấp, cánh tay đưa về phía trước, ngẩng đầu cao mà không cần trợ giúp;
- Vươn tay ra để chạm hay nắm những thứ khiến bé thích thú;
- Tập ngồi khi bố mẹ hỗ trợ đỡ phía sau;
- Dồn lực xuống chân khi được đặt đứng trên một bề mặt cứng;
- Quan sát các vật thể chuyển động đang thu hút sự chú ý của trẻ và vươn tay ra để chạm vào.
Khả năng nhận thức, phát triển giác quan
Đôi khi, bạn sẽ bất ngờ khi biết được trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì. Khi được 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu kết nối với thế giới xung quanh nhiều hơn, thích hóng chuyện và tương tác với mọi người hơn. Trẻ sẽ quan sát và học theo một số biểu cảm đơn giản của người lớn như khóc, cau mày, cười. Lúc này, trẻ có thể thể hiện cho bố mẹ biết khi bé không vui, thích thú, đói bụng hay buồn ngủ,…
Trẻ cũng bắt đầu hứng thú với việc quan sát, thường chuyển động mắt theo những đồ vật đang di chuyển hoặc hoạt động của người khác và đưa tay ra với nếu cảm thấy yêu thích. Lúc này, trẻ đã có thể nhận biết được người thân và người lạ. Trẻ cũng có thể phản ứng lại với những tác động bên ngoài như biết lắng nghe và tìm kiếm nguồn phát ra âm thanh.
Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp
Giai đoạn 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biểu đạt cảm xúc nhiều hơn, trẻ hay cười và bập bẹ bi bô với mọi người xung quanh. Bạn sẽ nghe thấy những tiếng hét, tiếng khóc to đến chói tai khi bé giận dữ hay thích thú, có lúc lại là tiếng cười hay tiếng bi bô những âm điệu đáng yêu. Trẻ cũng sẽ cố gắng bập bẹ bắt chước lại tiếng nói của bố mẹ. Dù trẻ vẫn chưa thể phát âm rõ nhưng bạn có thể nghe thấy bé gọi “ba” hoặc “ma”.
Tìm hiểu thêm: Nang đám rối mạch mạc: Nguyên nhân và cách điều trị
Khả năng ăn uống
Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi. Tùy theo cân nặng cũng như mức độ tiêu hoá của trẻ mà mẹ quyết định số cữ ăn và lượng sữa phù hợp cho trẻ.
Các chuyên gia thường khuyến nghị không nên cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi để giảm nguy cơ dị ứng và đường ruột của trẻ cũng chưa phát triển đủ khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với những bé phát triển nhanh, cân nặng lớn thì lúc này bố mẹ có thể tập cho bé ăn dặm. Hãy bắt đầu với thức ăn loãng và khi trẻ quen dần thì chuyển qua thức ăn đặc hơn. Lưu ý rằng chỉ tập cho trẻ chứ không ép trẻ ăn và bữa ăn dặm chỉ là phụ, sữa mẹ vẫn là nguồn dưỡng chất chính cho trẻ tại thời điểm này.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi
Mỗi ngày chăm sóc bé yêu, bố mẹ sẽ tích lũy được những kinh nghiệm riêng để chăm sóc con. Tuy nhiên, các phụ huynh cũng nên tham khảo một số lưu ý dưới đây khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi:
- Giấc ngủ khoa học và đầy đủ: Giấc ngủ của trẻ 4 tháng tuổi bắt đầu ổn định, trẻ có thể ngủ liên tục vào ban đêm và ngủ các giấc ngắn hơn vào ban ngày. Tuy nhiên, quan niệm không cho trẻ ngủ nhiều vào ban ngày để ban đêm trẻ ngủ ngoan hơn là sai lầm. Giấc ngủ ngày và ngủ đêm đều quan trọng với trẻ, vì vậy bố mẹ nên sắp xếp để bé ngủ hài hòa cả ngày lẫn đêm.
- Khi trẻ mọc răng: Nhiều trẻ 4 tháng tuổi có thể bắt đầu mọc răng và chảy nước dãi. Lúc này, trẻ có thể sẽ gặm các đồ vật mà trẻ có thể cầm được. Do đó, bố mẹ nên vệ sinh sạch sẽ đồ vật xung quanh trẻ, đồng thời không cho trẻ cầm, gặm đồ vật quá nhỏ để tránh bị hóc.
- Trò chuyện, tương tác với con: Không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với màn hình TV hay điện thoại thông minh, phụ huynh nên dành nhiều thời gian để giao tiếp, tương tác với con. Thói quen đọc sách, kể chuyện hay mở nhạc cho con nghe vừa có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ, vừa gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và bé.
- Kích thích giác quan: Các giác quan của trẻ 4 tháng tuổi đang trong giai đoạn phát triển. Hãy cho con cầm nắm loại đồ vật để rèn luyện xúc giác; tắm nắng, khám quá thế giới xung quanh để tăng khả năng thị giác; có thể lựa chọn đồ chơi cho trẻ như những những món đồ có tiếng động để kích thích thính giác; bắt chước biểu hiện trên khuôn mặt và âm thanh của trẻ để khuyến khích bé nói chuyện và thử nhiều loại âm thanh.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết khi sử dụng kháng sinh cho phụ nữ có thai
Chăm sóc trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi khoa học sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh, tăng cân nhanh và ít bị bệnh vặt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý tới việc khuyến khích và tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin hữu ích về việc trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì, sự phát triển và những lưu ý khi chăm sóc bé yêu trong giai đoạn này.
Xem thêm:
- Phải làm khi nếu lỡ uống rượu bia khi mang thai tháng đầu?
- Xây dựng thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:ăn dặmChăm sóc trẻDinh dưỡng