Bạn đang đọc: Tổng hợp các cách thải độc thận tại nhà an toàn và hiệu quả
Thận có vai trò quan trọng trong quá trình lọc máu và đẩy chất độc, chất thải tồn dư ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên thói quen ăn uống không lành mạnh, uống ít nước và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có thể khiến thận của bạn hoạt động kém hiệu quả. Đây là lý do tại sao thỉnh thoảng bạn nên thải độc thận.
Thanh lọc thận tại nhà là phương pháp được nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Cùng tham khảo những cách thải độc thận tại nhà an toàn, hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Thải độc thận là gì?
Thải độc thận hay còn gọi là thanh lọc thận tại nhà là một phương pháp được thiết kế để hỗ trợ làm sạch thận thông qua cách ăn uống, detox cơ thể. Có rất nhiều biến thể của việc làm sạch thận trong đó việc sử dụng thực phẩm giúp làm sạch và hỗ trợ hoạt động của thận là phương pháp an toàn với cơ thể. Các chuyên gia y tế cũng khuyên rằng thanh lọc thận bằng cách tự nhiên là phương pháp tối ưu nhất với sức khỏe.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là việc thải độc thận không phải dành cho tất cả mọi người.
Đặc biệt, nếu bạn hiện đang mắc bệnh thận hoặc các vấn đề sức khỏe khác, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc việc sử dụng thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, nếu hiện tại bạn không mắc bất kỳ bệnh lý nào nhưng vẫn muốn làm sạch thận thì nên tìm hiểu các phương pháp an toàn hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Một nguyên tắc quan trọng khi thải độc thận là bạn không được nhịn tiểu. Bởi độc tố, chất thải trong cơ thể chủ yếu được đưa ra bằng đường bài tiết nước tiểu. Nếu bạn nhịn tiểu thì những độc tố này có thể tái hấp thu vào trong máu và gây nguy hiểm với sức khỏe. Nếu bạn chăm chỉ thanh lọc thận tại nhà bằng các phương pháp thiên nhiên nhưng lại có thói quen nhịn tiểu thì mọi việc bạn làm đều vô ích.
Thải độc thận có cần thiết không?
Thải độc thận có cần thiết hay không còn phụ thuộc vào tình trạng thận của bạn như thế nào. Thận là cơ quan có khả năng tự làm sạch, một đôi thận khỏe mạnh sẽ không yêu cầu bạn phải thực hiện việc thải độc. Ngược lại, thải độc sai cách còn có thể làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể bạn. Vậy khi nào thận cần được thanh lọc? Các dấu hiệu sau đây có thể cho thấy thận của bạn đang bị căng thẳng và nên được thải độc:
- Buồn nôn thường xuyên;
- Mệt mỏi;
- Da ngứa, khô;
- Mùi vị khó chịu trong miệng;
- Mắt cá chân bị sưng;
- Màu sắc nước tiểu thay đổi;
- Tần suất đi vệ sinh nhiều hơn hoặc ít hơn thông thường;
- Đau chân;
- Sỏi thận tái phát;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên (UTI).
Những cách thải độc thận tại nhà an toàn
Uống nhiều nước
Nếu bạn đang tìm kiếm cách thải độc thận an toàn thì uống đủ nước là lời khuyên dành cho bạn. Mọi cơ quan đều cần nước để hoạt động và thận cũng không ngoại lệ. Với vai trò lọc là chính, thận cần nước để tạo ra nước tiểu và mang chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể.
Như vậy, trước khi tìm đến các phương pháp thải độc thận, bạn cần đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Vì cho dù bạn có làm mọi cách nhưng không uống đủ nước thì hiệu quả thanh lọc cũng không cao.
Ăn hoa quả mọng
Hầu hết các loại quả mọng đều giàu chất chống oxy hóa và chất phytochemical. Những chất này có thể có tác dụng bảo vệ tế bào thận bằng cách chống lại chứng viêm và stress oxy hóa. Để thải độc thận, hai loại quả được nhắc đến nhiều nhất là quả việt quất và quả nam việt quất.
Theo một nghiên cứu trên động vật, quả việt quất có thể giúp điều hòa huyết áp và cải thiện khả năng dung nạp glucose. Quả việt quất cũng chứa ít kali, natri và phốt pho, ba loại khoáng chất có xu hướng gây áp lực cho thận nếu bạn ăn chúng với số lượng lớn. Quả nam việt quất được cho là có tác dụng làm dịu đường tiết niệu và có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Tìm hiểu thêm: Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm
Bổ sung vitamin B6
Vitamin B6 là chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể bạn sử dụng trong các phản ứng trao đổi chất khác nhau, bao gồm cả quá trình chuyển hóa glyoxylate. Khi thiếu B6, thay vì chuyển hóa thành glycine, glyoxylate lại chuyển hóa thành oxalate – một chất có liên quan đến việc hình thành sỏi thận. Bạn có thể uống viên vitamin hoặc bạn có thể lấy nó từ các nguồn thực phẩm như cà rốt, sữa, phô mai, quả bơ, chuối, cá hồi và thịt gà.
Bổ sung axit béo Omega-3
Nếu bạn vẫn đang tìm cách thanh lọc thận, bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm có chứa axit béo Omega-3 hơn để cân bằng lượng axit béo Omega-6 dư thừa (một trong những nguyên nhân gây ra sỏi thận). Ngoài ra, Omega-3 cũng có thể làm giảm nguy cơ truyền protein qua nước tiểu hay còn gọi là protein niệu. Bạn có thể bổ sung chất này qua dầu cá chất lượng cao hoặc ăn cá hồi, cá ngừ, cá cơm và cá thu, hàu, hạt lanh,…
>>>>>Xem thêm: Chia sẻ thắc mắc: Ăn rau gì giảm cân nhanh chóng?
Uống trà bồ công anh
Nếu phải chọn một loại trà thảo mộc giúp thanh lọc thận tại nhà thì đó chính là trà bồ công anh. Từ xa xưa, bồ công anh đã được sử dụng trong y học cổ truyền như một loại thuốc bổ thận. Trà được làm từ rễ bồ công anh tươi hoặc bồ công anh khô có thể giúp bạn làm sạch thận và có tác dụng kích thích sản xuất mật, cải thiện quá trình tiêu hóa giúp giảm lượng chất thải đến thận.
Ăn thực phẩm giàu canxi
Nhiều người cho rằng ăn nhiều thực phẩm chứa canxi có thể gây ra bệnh sỏi thận. Trong thực tế, suy nghĩ đó lại trái ngược hoàn toàn. Một trong những nguyên nhân hình thành nên sỏi thận là do trong nước tiểu có quá nhiều oxalat, trong khi đó canxi khi liên kết với oxalate sẽ làm giảm sự hấp thu và bài tiết của thận. Bạn có thể đáp ứng lượng canxi khuyến nghị hàng ngày là 1,2g bằng cách ăn các thực phẩm giàu canxi như các loại hạt, sữa chua, phô mai, hạnh nhân, cá hồi,…
Thận thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong cơ thể đó là lọc máu. Ngoài ra, thận còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác để duy trì các chức năng sống và sự trao đổi chất. Vì vậy, để thanh lọc thận tại nhà an toàn và hiệu quả, tốt nhất bạn nên tham khảo thêm tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Tuyệt đối không nên làm theo các cách thải độc thận chưa được chứng minh tốt cho sức khỏe để tránh những hậu quả không thể lường trước.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Dinh dưỡng