Bạn đang đọc: Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh là gì? Những trường hợp nào được chỉ định loại thuốc này?
Chất dẫn truyền thần kinh là những chất nội sinh có vai trò như phương tiện trung gian để truyền các xung thần kinh giữa những tế bào thần kinh đến tế bào đích. Chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng kiểm soát mọi thứ từ suy nghĩ, cảm nhận cho đến cử động của cơ bắp, cũng như các chức năng của các cơ quan. Cùng tìm hiểu về thuốc tăng dẫn truyền thần kinh trong nội dung sau đây.
Chất dẫn truyền thần kinh là một phần của hệ thống thần kinh. Quá trình sản xuất những chất này suy giảm sẽ ảnh hưởng hoạt động các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Một số tình trạng liên quan đến suy giảm dẫn truyền thần kinh có thể cần dùng đến thuốc tăng dẫn truyền thần kinh. Vậy thuốc tăng dẫn truyền dẫn kinh là gì và dùng khi nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Cơ thể có những chất dẫn truyền thần kinh nào?
Trước khi đến với những thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, hãy cùng tìm hiểu khái quát về cơ chế dẫn truyền thần kinh trong cơ thể chúng ta.
Tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh hoạt động ra sao?
Tế bào thần kinh thường có cấu tạo gồm 3 phần:
- Phần thân tế bào: Đây là nơi quan trọng để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và duy trì chức năng của tế bào thần kinh.
- Một sợi trục: Sợi trục mang tín hiệu điện truyền dọc theo tế bào thần kinh đến đầu sợi trục.
- Đầu sợi trục: Các chất dẫn truyền thần kinh nằm ở một phần của đầu sợi trục được lưu trữ trong các túi có thành mỏng, hay còn gọi là túi tiếp hợp. Khi một thông điệp hoặc tín hiệu truyền dọc theo tế bào thần kinh, điện tích của tín hiệu sẽ làm cho các túi này kết hợp với phần rìa trên màng tế bào thần kinh. Từ đó, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ được giải phóng từ đầu sợi trục vào một không gian chứa đầy chất lỏng, nơi nằm giữa tế bào thần kinh và tế bào đích tiếp theo (có thể là tế bào thần kinh khác, tế bào cơ hoặc tuyến khác).
Chức năng của chất dẫn truyền thần kinh
Dây thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm soát những chức năng sau đây của cơ thể:
- Nhịp tim và huyết áp;
- Hơi thở;
- Chuyển động cơ bắp;
- Suy nghĩ, trí nhớ, học tập và cảm xúc;
- Ngủ, quá trình lão hóa hoặc chữa lành vết thương;
- Phản ứng căng thẳng;
- Điều hòa nội tiết tố;
- Tiêu hóa, cảm giác đói khát;
- Các giác quan (phản ứng với những gì bạn nhìn, nghe, cảm nhận, chạm và nếm).
Các chất dẫn truyền thần kinh được cho là quan trọng nhất đối với cơ thể cùng với những tình trạng bệnh lý hoặc chức năng liên quan bao gồm:
- Epinephrine (còn gọi là adrenaline) chất dẫn truyền thần kinh chính của dây thần kinh giao cảm trong hệ thống tim mạch;
- Acetylcholine (có liên quan đến bệnh Alzheimer và bệnh nhược cơ);
- Dopamine (bệnh Parkinson);
- Glutamate và GABA (động kinh và co giật);
- Serotonin (trầm cảm);
- Endorphin liên quan đến việc kiểm soát cơn đau, có tác dụng giống morphin và tham gia dẫn truyền các tín hiệu thần kinh liên quan đến hành vi “khen thưởng”.
Thuốc tăng cường dẫn truyền thần kinh có tác dụng thế nào?
Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh có thể thuộc nhóm chất chủ vận, hoạt động bằng cách tăng tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh cụ thể. Tác động của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh theo cơ chế trực tiếp hoặc gián tiếp.
Với tác dụng trực tiếp, các thuốc này tác động lên cơ thể bằng cách bắt chước các chất dẫn truyền thần kinh dựa vào sự tương đồng về cấu trúc hóa học.
Đối với cơ chế gián tiếp, những nhóm thuốc này có thể tác động lên các thụ thể thần kinh. Cơ chế gián tiếp khác cũng thường gặp khác là ức chế hoạt động của những enzym phân giải chất dẫn truyền thần kinh, giúp kéo dài thời gian tồn tại của các chất dẫn truyền. Ví dụ như nhóm thuốc tăng dẫn truyền thần kinh hoạt động thông qua liên kết tĩnh điện với vị trí hoạt hóa enzym cholinesterase – một enzym phá hủy acetylcholine. Từ đó, nhóm thuốc này như một chất ức chế nghịch đảo của cholinesterase, giúp kéo dài thời gian tích lũy của acetylcholine.
Các bệnh lý liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh
Các bệnh lý sau đây có thể được chỉ định thuốc tăng dẫn truyền thần kinh trong quá trình điều trị.
Bệnh Alzheimer
Đây là một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh liên quan đến việc thiếu acetylcholine tại một số vùng ở não, làm thay đổi trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Các chất ức chế cholinesterase ngăn chặn các enzyme phá vỡ acetylcholine, làm tăng lượng acetylcholine có sẵn cho các tế bào thần kinh và giúp cải thiện chức năng nhận thức ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Memantine, donepezil, galantamine là các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh được sử dụng trong điều trị bệnh Alzheimer.
Tìm hiểu thêm: Ăn hạt điều có nổi mụn không?
Trầm cảm
Đây là tình trạng bệnh do rối loạn tâm thần do sự thiếu hụt nồng độ norepinephrine, serotonin và dopamine trong hệ thần kinh trung ương. Do đó, các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc benzodiazepin có thể dùng để điều trị cải thiện các triệu chứng trầm cảm và lo âu của bệnh.
Ví dụ về nhóm thuốc SSRI như Prozac (fluoxetine) và Paxil (paroxetine), giúp ngăn chặn sự tái hấp thu serotonin, từ đó có nhiều serotonin hơn để truyền các thông điệp tiếp theo giữa các tế bào thần kinh ở gần đó.
Bệnh Parkinson
Ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, thiếu hụt dopamine gây ra tình trạng run cơ không kiểm soát được. Levodopa – một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson hiệu quả được sử dụng phổ biến hiện nay – với bản chất là một chất hóa học đi vào não và được chuyển đổi thành dopamine. Levodopa được kết hợp với carbidopa, giúp bảo vệ levodopa khỏi sự chuyển đổi sớm thành dopamine bên ngoài não, ngăn ngừa hoặc hỗ trợ làm giảm tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn.
Bệnh động kinh
Một số rối loạn gây ra động kinh được cho là do thiếu chất dẫn truyền thần kinh ức chế (GABA) hoặc sự gia tăng các chất dẫn truyền thần kinh kích thích (chẳng hạn như glutamate). Một trong những tác động của nhóm thuốc tăng dẫn truyền thần kinh trong điều trị động kinh có thể thông qua cơ chế như sau:
- Ức chế GABA – transaminase (enzym làm bất hoạt GABA), do đó làm tăng nồng độ GABA trong não và tăng hoạt tính ức chế thần kinh trung ương.
- Hoạt hóa thụ thể của GABA và làm cho kênh ion Cl- dễ dàng mở ra, từ đó làm tăng giải phóng GABA.
Bệnh Huntington
Ngoài bệnh động kinh, sự suy giảm GABA mãn tính trong não có thể dẫn đến bệnh Huntington. Căn bệnh này liên quan đến các gen di truyền và là một trong những hậu quả của sự rối loạn trong tổng hợp ADN, dẫn đến khả năng hấp thu GABA của các tế bào thần kinh bị suy giảm. Mặc dù không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh Huntington nhưng có thể giảm bớt các triệu chứng bằng những thuốc tăng dẫn truyền thần kinh liên quan đến việc tác động làm tăng cường hoạt tính GABA trong cơ thể.
Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh có gây tác dụng phụ không?
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Tăng tiết dịch tại phế quản;
- Chảy nhiều nước bọt;
- Đổ mồ hôi;
- Chảy nước mũi.
>>>>>Xem thêm: Hình ảnh dính thắng lưỡi ở trẻ và phương pháp điều trị
Tác dụng không mong muốn của thuốc có thể biến mất sau một thời gian, một số trường hợp có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi sử dụng những thuốc thuộc nhóm này, người bệnh cần có chỉ định phù hợp từ bác sĩ và thận trọng theo dõi những biểu hiện bất thường để được hỗ trợ kịp thời.
Như vậy, bài viết trên vừa đem đến cho bạn đọc những thông tin liên quan đến thuốc tăng dẫn truyền thần kinh. Việc sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh phải được chỉ định từ bác sĩ điều trị. Vì thế, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và người bệnh nên được hướng dẫn phù hợp từ người có chuyên môn khi sử dụng loại thuốc này.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:ThuốcBệnh thần kinhThông tin sức khỏe