Bạn đang đọc: Quả mề gà là gì? Có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Quả mề gà được biết đến là một vị thuốc quý giá trong Y học cổ truyền. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về lợi ích của loại quả này nhé!
Quả mề gà hay hạt mề gà chính là một đặc sản “có 1 không 2” tại vùng núi Tây Bắc. Với hương vị độc đáo, loại quả này được nhiều khách du lịch vô cùng săn đón. Tuy nhiên, ít ai biết quả mề gà còn là một loại dược liệu, có tác dụng hỗ trợ chữa trị nhiều tình trạng sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc xung quanh loại quả này!
Quả mề gà là gì?
Quả mề gà là quả của cây mề gà, hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Trôm mề gà, trôm thon, trôm lá mác, cây sảng, sảng lá kiếm, sang sé, quả thang, che van,… Về mặt khoa học, loài cây này có tên là Sterculia lanceolata, thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Đây là loại thực vật thân gỗ, mọc chủ yếu ở các khu vực rừng ẩm hoặc vùng trung du. Vì vậy, nó được tìm thấy rất nhiều ở các vùng trung du tại Việt Nam như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Thuận, Tây Nguyên,…
Theo đó, quả mề gà (hạt mề gà) thường chín và rụng xuống vào khoảng tháng 8 – tháng 10 hàng năm. Quả kép có từ 4 – 5 đại, xếp so le với nhau thành hình ngôi sao. Trên quả có một lớp nhung mềm, mỏng. Khi chín, quả mề gà sẽ nở ra to rõ rệt, chứa từ 4 – 9 hạt. Hạt mề gà màu đen bóng, hơi dẹt giống như quả trứng.
Quả mề gà có tác dụng gì?
Trong Y học cổ truyền, cây mề gà có tính ấm, vị cay nồng, hậu vị ngọt. Vì vậy, nó thường là nguyên liệu chính trong các bài thuốc cải thiện chứng nóng phổi và hảo khát.
Không những vậy, bất cứ bộ phận nào của loại cây này cũng có thể bào chế thành nhiều vị thuốc khác nhau. Cụ thể:
- Vỏ cây mề gà có tác dụng giảm đau, chống viêm nên có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị tình trạng chấn thương gây sưng tấy ngoài da, áp xe, mụn nhọt, khí hư và bạch đới. Ngoài ra, nhờ khả năng chỉ lỵ, ôn vị sát trùng, vỏ cây còn giúp hỗ trợ chữa bệnh đi ngoài ra máu.
- Rễ và lá cây mề gà được dùng để khu phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Đây là bài thuốc hữu hiệu đối với những bệnh nhân bị phong thấp, dẫn đến đau nhức xương khớp thường xuyên.
Sơ chế quả mề gà như thế nào?
Cách sơ chế quả mề gà trước khi điều chế thuốc cũng rất đơn giản. Cụ thể:
- Bước 1: Bạn cần thu hoạch quả mề gà đã già trong khoảng tháng 8 – tháng 10 trong năm.
- Bước 2: Tách hạt mề gà khỏi vỏ và loại bỏ những hạt bị hư hỏng.
- Bước 3: Rửa sạch hạt rồi đem phơi khô nhằm tránh hạt bị ứng nước, gây mốc, thối và có thể bảo quản được lâu hơn.
Tương tự như vậy, vỏ, lá và rễ cây mề gà sau khi rửa sạch cũng có thể thái nhỏ, đem phơi khô để dùng dần. Ngoài ra, bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng vỏ tươi để đạt được hiệu quả cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng hơn.
Các món ăn ngon từ quả mề gà
Từ lâu, quả mề gà chính là món ăn “cứu đói” cho bà con vùng núi Tây Bắc trong quá trình lao động và sản xuất. Tuy nhiên, nhờ vào hương vị thơm ngon, ngọt thanh, béo dẻo như hạt dẻ mà “danh tiếng” của loại quả này lại càng vang xa, khiến cho ngay cả các khách du lịch vùng xuôi cũng vô cùng yêu thích.
Cây mề gà mọc dại nên rất dễ kiếm, lại vô cùng sai quả. Mỗi cây có thể cung cấp đến hàng chục cân quả mề gà. Người dân Tây Bắc thường đợi đến khi quả nở bung lớp vỏ bên ngoài, để lộ ra phần hạt đen nhánh, nhẵn bóng bên trong thì mới bắt đầu thu hoạch. Lúc này, chất lượng của hạt đã đạt đến mức cao nhất, hạt to, đều và vô cùng béo, dẻo.
Hạt mề gà sau khi lấy về sẽ được đem đi rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo như: Luộc, nướng, nấu canh cùng với xương heo,…
Mặc dù vậy, với bà con người Thái, hạt mề gà vùi tro bếp mới là cách thưởng thức chuẩn nhất. Khi nhóm bếp, bạn chỉ cần nhanh tay vùi hạt vào lớp tro nóng còn óng ánh đốm lửa rồi đợi đến khi ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt là có thể thưởng thức. Với phương pháp này, hạt chín bằng nhiệt nên không bị mất nước, giữ trọng được hương vị thơm ngon vốn có. Hạt mề gà khi chín sẽ ngả màu vàng óng như lòng đỏ trứng gà.
Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật 6 múi được thực hiện như thế nào? Một số lưu ý để duy trì cơ bụng
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây mề gà
Cây mề gà nói chung và quả mề gà nói riêng được sử dụng để điều chế ra nhiều bài thuốc quý báu trong dân gian và y học cổ truyền. Trên thực tế, vẫn chưa có quá nhiều nghiên cứu khoa học chứng nhận về tác dụng điều trị bệnh của loại cây này. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đạt được hiệu quả cao nhất và tránh được các tác dụng phụ.
Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến được chiết xuất từ các bộ phận của cây mề gà:
Điều trị vết bỏng ngoài da
Để xử lý vết bỏng nhẹ, diện tích tổn thương không quá lớn và chưa bị bong tróc da, người bệnh chỉ cần giã nát một lượng nhỏ vỏ cây mề gà rồi chắt lấy nước cốt. Sau đó, bạn trộn chung với mỡ để tạo ra hỗn hợp sền sệt. Cuối cùng, bôi trực tiếp hỗn hợp này nên vùng da bị bỏng để làm giảm tình trạng đau, rát.
Chữa sưng tấy, áp xe, mụn nhọt ngoài da
Các bước hỗ trợ chữa bệnh sưng tấy, áp xe và mụn ngoài da bằng vỏ cây mề gà bao gồm:
- Bước 1: Chuẩn bị khoảng 20 – 30g vỏ cây mề gà tươi, đem rửa sạch.
- Bước 2: Khi vỏ cây ráo nước, bạn thái nhỏ, giã nát cùng với một ít muối biển.
- Bước 3: Đắp thuốc lên vị trí tổn thương trong 15 – 20 phút, cho đến khi hết sưng đau.
Tuy nhiên, bạn lưu ý tuyệt đối không được đắp thuốc lên các vết thương hở, lở loét hoặc chảy dịch vì có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, mưng mủ. Từ đó, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Giảm đau do chấn thương
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Giã nhuyễn vỏ cây mề gà cùng với một lượng muối ăn vừa đủ.
- Bước 2: Pha và khuấy đều hỗn hợp này với nước nóng.
- Bước 3: Nhúng khăn bông sạch vào hỗn hợp, sao cho thấm đẫm nước rồi vắt trực tiếp lên vùng bị chấn thương.
Để cơn đau được cải thiện hiệu quả, bạn cần thực hiện liên tục 2 – 3 lần/ngày, tiến hành trong 2 – 3 ngày.
>>>>>Xem thêm: Tầm quan trọng của hoạt động thể chất đối với việc cải thiện mạch vành cấp tính
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm được những kiến thức bổ ích về tác dụng của quả mề gà. Hãy theo dõi ngay Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Dinh dưỡngThực phẩm