Nhiễm trùng máu hay còn gọi là nhiễm khuẩn huyết, là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là đối với trẻ em. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em và biện pháp phòng ngừa bệnh.
Bạn đang đọc: Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em như thế nào? Các biện pháp phòng tránh
Nhiễm trùng huyết là một tình trạng sức khoẻ nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao do tình trạng sốc nhiễm khuẩn cũng như suy đa tạng. Nếu không được điều trị, nhiễm khuẩn huyết sẽ không tự khỏi được. Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em cần được phối hợp điều trị nguyên nhân gây bệnh và các biến chứng nhằm hạn chế tối đa những rủi ro về sức khỏe cho bé.
Tổng quan về nhiễm trùng máu ở trẻ em
Hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển đầy đủ nên khả năng chống chọi lại với các tác nhân gây hại thấp, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tương đối cao.
Nhiễm trùng máu là tình trạng sức khoẻ có sự hiện diện của nhiều vi khuẩn trong máu và kèm theo các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm khuẩn. Ổ nhiễm trùng có thể xuất hiện từ nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu, cơ, da… Việc xác định được các ổ nhiễm trùng ban đầu sẽ giúp bác sĩ định hướng sử dụng loại kháng sinh nào có hiệu quả cao.
Nhiễm trùng máu có diễn biến vô cùng phức tạp và có tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh có thể gây ra các tổn thương cho các cơ quan lớn trong cơ thể.
Nhiễm trùng máu ở trẻ em có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, đồng thời làm giảm nguy cơ tử vong nếu được phát hiện sớm.
Bệnh nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh lý nền, tuổi tác, sức khỏe toàn trạng và thời điểm phát hiện bệnh.
Bệnh nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm do độc tố từ các chất bài tiết của vi sinh vật. Đồng thời, các chất hóa học trung gian do hệ miễn dịch của cơ thể giải phóng vào máu, từ đó làm kích hoạt phản ứng viêm toàn thân nhằm chống lại tình trạng nhiễm trùng, tuy nhiên nó cũng làm tổn thương mô và các cơ quan trong cơ thể. Theo đó, tình trạng nhiễm trùng máu nặng nề có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Do đó, nhiễm trùng máu được xem là một cấp cứu y tế khẩn cấp.
Hậu quả của nhiễm trùng máu rất nặng nề. Tình trạng này có thể gây viêm nhiễm nội mạch mao quản, lách và gan sưng to, suy thận cấp, viêm màng não và thậm chí là áp xe não, tác động xấu đến cơ xương khớp, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim cấp, viêm động mạch…
Người bệnh bị nhiễm trùng máu có tiên lượng tử vong cao hơn so với những người mắc các loại nhiễm trùng khác. Nhiễm trùng máu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân như:
- Sốc nhiễm trùng: Là một biến chứng nặng nề và thường gặp;
- Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS);
- Rối loạn đông máu;
- Suy đa tạng.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em như thế nào?
Bệnh nhiễm trùng máu càng được phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ càng làm tăng cơ hội sống sót cho trẻ.
Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng máu
Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Điều trị nguyên nhân: Tiêu diệt vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết, cần dựa vào các kết quả cận lâm sàng để xác định được nguyên nhân gây bệnh.
- Điều trị các biến chứng do nhiễm trùng máu gây ra.
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em
Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em cần tuân theo đúng nguyên tắc đã đưa ra để đạt được hiệu quả tối ưu nhất, cụ thể như sau:
Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính gây ra bệnh nhiễm trùng máu là do nhiễm vi khuẩn. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu trong điều trị bệnh là sử dụng các loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Nguyên tắc sử dụng kháng sinh:
- Dùng kháng sinh theo kết quả của kháng sinh đồ.
- Sử dụng kháng sinh ở liều cao.
- Sử dụng kháng sinh theo đường tiêm, tốt nhất là đường tĩnh mạch trong thời gian đầu.
- Cần phối hợp các loại kháng sinh với nhau: Đối với loại vi khuẩn kháng kháng sinh và chưa xác định rõ mầm bệnh.
- Thời gian sử dụng kháng sinh không dưới 14 ngày, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà có thể phải sử dụng hàng tháng.
Kết hợp thuốc kháng sinh trong các trường hợp như:
- Sử dụng để điều trị bao vây trong trường hợp chưa phân lập được mầm bệnh.
- Vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc tình trạng nhiễm trùng do nhiều mầm bệnh khác nhau gây ra.
- Dự phòng và ngăn chặn sự xuất hiện của chủng kháng.
- Tăng cường khả năng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng máu được áp dụng trong trường hợp:
- Nhiễm trùng máu do vi khuẩn gram (+) thường sử dụng kết hợp kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ I cùng với nhóm Aminoglycosid hoặc nhóm Quinolon.
- Nhiễm trùng máu do vi khuẩn gram (-) thường sử dụng kết hợp kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ III cùng với nhóm Aminoglycosid hoặc nhóm Quinolon.
- Nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn đa kháng thường sử dụng kháng sinh mạnh và có phổ rộng trước khi có kết quả kháng sinh đồ. Quinolone, Imipenem/Meropenem hoặc Ticarcillin kết hợp cùng với Clavulanic acid là những loại kháng sinh được lựa chọn. Hoặc có thể dùng kháng sinh Cefoperazone – Sulbactam ± Amikacin.
Sau khoảng 10 – 14 ngày điều trị bằng kháng sinh, bác sĩ cần đánh giá lại các kết quả cận lâm sàng và lâm sàng để lựa chọn loại kháng sinh thích hợp hơn.
Tìm hiểu thêm: Bệnh sốt xuất huyết có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?
Điều trị các biến chứng do nhiễm trùng máu gây ra
Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng máu, bệnh nhân cũng cần được điều trị các biến chứng do bệnh gây ra:
- Khôi phục lại thể tích tuần hoàn, điều chỉnh tình trạng rối loạn nước và điện giải. Đồng thời, giải độc bằng dung dịch Ringer lactat hoặc Dextrose.
- Chống toan chuyển hoá: Đây thường là hậu quả của sốc nhiễm khuẩn. Do đó cần điều trị tích cực tình trạng sốc nhiễm trùng nhằm tránh để sốc kéo dài. Sử dụng Bicarbonate để điều chỉnh trong trường hợp toan hóa máu nghiêm trọng.
- Rối loạn đông máu: Truyền huyết tương và tiểu cầu đông lạnh, kết tủa.
- Trợ tim mạch và hồi sức hô hấp.
- Lọc máu liên tục: Khi xảy ra tình trạng suy thận cấp kèm theo huyết động không ổn định và suy đa cơ quan. Ngoài ra, lọc máu còn giúp loại bỏ cytokine và các loại hóa chất trung gian.
Loại bỏ các ổ nhiễm trùng
Nếu phát hiện ra các ổ nhiễm trùng thì cần phải loại bỏ triệt để bằng cách:
- Phẫu thuật để loại bỏ ổ nhiễm trùng.
- Rạch da để dẫn lưu ổ áp xe.
- Loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng như các sonde dẫn lưu, catheter…
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể
Bệnh nhân bị nhiễm trùng máu cần được hỗ trợ nâng cao sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật cũng như mau phục hồi. Tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân nhiễm trùng huyết bằng cách:
- Truyền máu, truyền đạm hay sinh tố…
- Chế độ dinh dưỡng đa dạng, tăng cường đạm, rau xanh và hoa quả tươi.
Biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ em, bao gồm:
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ vắc xin.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu sau sinh.
- Đảm bảo công tác vô trùng trong bệnh viện để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật…
- Điều trị triệt để các bệnh lý xuất hiện ổ mủ hoặc ổ áp xe. Không nên tự ý trích, nặn mụn sớm.
- Sử dụng kháng sinh sớm trong điều trị với đầy đủ liều và có hiệu quả trong các bệnh lý có thể diễn tiến sang nhiễm khuẩn máu như bệnh do liên cầu, tụ cầu, phế cầu hay vi khuẩn đường ruột…
- Khi sử dụng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch cần phải có chế độ ăn uống chặt chẽ kết hợp với thuốc nhằm tăng sức đề kháng cho người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Móng tay bị tụt dần là dấu hiệu của bệnh gì và cách điều trị?
Nhiễm trùng máu ở trẻ em là một tình trạng sức khoẻ nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được phác đồ điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ em.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm