Đối mặt với nhịp sống hối hả, căng thẳng và áp lực công việc, chúng ta thường gặp các cơn đau đầu kèm theo cảm giác mỏi mắt khó chịu. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến đau đầu nhức mắt? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây tình trạng đau đầu nhức mắt
Thỉnh thoảng, chúng ta thường bị đau đầu nhức mắt, nhưng hiện tượng kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến bạn mệt mỏi. Nếu bạn gặp phải tình trạng như vậy thường xuyên thì có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đau đầu nhức mắt là gì?
Đau đầu nhức mắt là tình trạng đau đầu kèm theo cơn đau ngay tại vị trí hai mắt hoặc gần khu vực mắt. Cơn đau xuất hiện ở bên trong đầu, từ các xoang hoặc trong hốc mắt, đau đầu kèm theo giảm thị lực, chảy nước mắt, đỏ mắt,…
Tùy từng nguyên nhân và loại đau đầu mà hiện tượng đau đầu nhức hốc mắt có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt. Tình trạng này có thể khiến bạn nhạy cảm với ánh sáng và rất khó chịu ở mắt.
Tình trạng đau đầu nhức mắt thường tập trung vào những người trẻ và khỏe mạnh, không giống như nhiều bệnh mãn tính khác. Tỷ lệ người bị nhức mỏi mắt và đau đầu cao nhất thường nằm trong độ tuổi từ 25 đến 40, sau đó giảm dần theo tuổi cho cả nam và nữ.
Nếu triệu chứng đau đầu nhức mắt kéo dài và đi kèm với các triệu chứng không bình thường như buồn nôn, nôn mửa, ngất xỉu, mất thăng bằng,… người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra sớm nhất.
Mối liên hệ giữa đau đầu và nhức mắt là gì?
Một trong những hiện tượng phổ biến là đau đầu và mỏi mắt, xảy ra đồng thời ở trẻ em và người lớn. Mức độ và tần suất của những triệu chứng này có thể gia tăng dần, thậm chí xuất hiện hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến suy nhược cơ thể và giảm chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Nhức mỏi mắt, đau đầu có mỗi liệu hệ chặt chẽ và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Mắt là một cơ quan quan trọng với nhiều dây thần kinh. Do đó, bất kỳ tổn thương nào ở mắt cũng có thể gây đau đầu.
Nhức mỏi mắt có thể do mắc các bệnh tiềm ẩn hoặc do làm việc quá sức hoặc phải điều chỉnh nhiều. Ví dụ, khi bạn phải nhìn vào các vật thể hoặc màn hình ở gần, các cơ quan trong và xung quanh mắt sẽ hoạt động cao hơn. Như các phần khác trên cơ thể, mắt dần dần trở nên mệt mỏi. Hoặc nếu bạn thường xuyên nhíu mắt trong thời gian dài, điều này cũng có thể gây co thắt cơ quanh mắt và vùng cơ mặt. Những vấn đề này gây ra nhức mỏi mắt và có thể dẫn đến đau đầu và nhức mắt như một hệ luỵ.
Nguyên nhân gây đau đầu nhức mắt
Nhức đầu đau mắt được phân loại thành hai loại chính: Nguyên phát và thứ phát. Nhức đầu nguyên phát là khi đau đầu không có nguyên nhân cụ thể có thể xác định. Nhức đầu thứ phát là kết quả của các vấn đề sức khỏe khác có thể gây đau đầu.
Đau đầu và đau mắt có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, người bệnh cần quan sát kỹ các triệu chứng để xác định nguồn gốc của nhức mỏi mắt và đau đầu. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra đau đầu và đau mắt:
Bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma góc đóng cơn cấp)
Triệu chứng đau mắt đột ngột và dữ dội, cơn đau lan đến đỉnh đầu. Nhãn cầu có dấu hiệu căng tức. Mắt đỏ, chảy nước mắt, mi nề, cảm giác nhạy cảm với ánh sáng. Giảm hoặc mất thị lực, tầm nhìn mờ như có màn sương, quầng xanh đỏ khi nhìn vào vật phát sáng.
Có thể xuất hiện các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, vã mồ hôi, đau bụng, khiến người bệnh nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường.
Bệnh viêm xoang
Loại đau đầu và đau mắt này thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết thay đổi, khí hậu khắc nghiệt, làm cho cơ thể dễ mẫn cảm hơn. Nhức mắt và đau đầu do viêm xoang thường xuất hiện ở vùng trán, má, mũi và phía sau mắt.
Viêm xoang gây ra tình trạng tắc nghẽn dịch tiết, tạo áp lực và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đầu của người bệnh. Người bị viêm xoang có thể cảm nhận đau ở một hoặc cả hai bên đầu.
Tìm hiểu thêm: Cách giảm đau răng sau khi lấy tủy hiệu quả mà bạn có thể tham khảo
Migraine – Đau nửa đầu
Migraine là một bệnh lý đau nửa đầu được chia thành các cơn đau đầu có nhịp mạch. Các cơn đau thường tăng dần theo mức độ. Chúng có thể tập trung ở một nửa đầu hoặc xuất hiện trên cả hai bên đầu và có thể di chuyển từ phía bên phải sang bên trái và ngược lại.
Migraine có thể đi kèm với các triệu chứng như đau mắt, mất thị lực tạm thời, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn, buồn nôn,… Sau khi cơn đau qua đi, người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường tạm thời.
Dấu hiệu của u não
Cơn đau đầu nhức mắt do u não gây ra sẽ có các dấu hiệu khác so với đau đầu thông thường. Ví dụ, những người có khối u não thường trải qua những cơn đau đầu mỗi sáng sớm.
Nếu triệu chứng đau mắt và đau đầu của bạn không giảm dù đã sử dụng các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin,… Khi các tình trạng này kéo dài, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra ngay, để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Viêm màng não
Viêm màng não là một bệnh lý viêm vùng xung quanh màng não và tủy sống. Viêm màng não có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau đầu nhức mắt, cứng cổ, nhạy ánh sáng và tăng số lượng bạch cầu trong dịch não tủy.
Do suy nhược thần kinh
Nhức mỏi mắt và đau đầu là những triệu chứng thường gặp ở những người bị suy nhược thần kinh. Người bệnh thường cảm thấy buốt ở hốc mắt và cảm giác nặng nề ở vùng đầu. Một số người còn gặp vấn đề về tăng cường độ cận thị.
Vấn đề về vận động mạch thái dương
Chứng đau đầu vùng thái dương là một trạng thái đau đầu xảy ra khi có sự co thắt trong các mạch máu trong đầu và trong vùng sọ não. Người bệnh sẽ trải qua những cơn đau mạnh ở vùng đầu, vùng thái dương và vùng mắt. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên gặp nhức mắt và đau đầu ở vùng thái dương, có khả năng bạn đang mắc phải vấn đề vận động mạch thái dương.
Tình trạng căng thẳng kéo dài
Người bị đau đầu nhức mắt có thể nhận ra rằng chúng có nguyên nhân từ căng thẳng sau một ngày dài lái xe, nhìn vào màn hình hoặc bất kỳ công việc nào đòi hỏi tập trung cao liên tục. Nhiều người cảm thấy những cơn đau đầu này trong những ngày lạnh và chúng có thể đi kèm với cơn co thắt cơ ở đầu hoặc cổ.
>>>>>Xem thêm: Khi nào cần đo huyết áp chân và quy trình thực hiện đo huyết áp chân
Triệu chứng đau đầu trong cụm
Đau đầu trong cụm thường xảy ra theo chu kỳ và thường gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Mặc dù tình trạng này khá phổ biến, nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định rõ ràng ngoài các yếu tố di truyền. Nhiều người mắc phải tình trạng này thường trải qua những cơn đau đầu nhức mắt dữ dội, cơn đau bắt đầu từ vùng thái dương lan xuống vùng mắt và thường đi kèm với chảy nước mắt từ một bên.
Cách cải thiện cơn đau đầu nhức mắt
Để cải thiện tình trạng đau đầu nhức mắt bạn cần nhận biết được các tác nhân gây ra cơn đau đầu của bản thân. Nếu bạn bị nhức mỏi mắt và đau đầu do các yếu tố lối sống, hãy thực hiện một số thay đổi như sau:
- Thay đổi chế độ ăn uống;
- Giảm hoặc bỏ rượu và bỏ hút thuốc;
- Thường xuyên tập thể dục với các bài tập phù hợp;
- Thư giãn để giảm căng thẳng;
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng caffein, rượu và thực phẩm chế biến sẵn;
- Xông hơi hoặc xịt mũi để giúp đường mũi thông thoáng nếu bạn bị đau đầu nhức mắt do viêm xoang.
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ để giảm đau đối với cơn đau nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau đầu nhức mắt dữ dội và thường xuyên, bạn nên đi khám ngay lập tức. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị dựa trên nguyên nhân, triệu chứng và vị trí đau.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đau đầu nhức mắt đã trở thành một vấn đề phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có rất nhiều biện pháp và phương pháp giúp giảm bớt triệu chứng này, từ đó giúp sức khoẻ được cải thiện tốt hơn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm