Niệu quản là bộ phận có chức năng dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang cho cơ thể. Tuy nhiên với một số người buộc phải tạo hình niệu quản bởi bộ phận này bị dị tật hay do mắc phải một số bệnh liên quan.
Bạn đang đọc: Khi nào cần tạo hình niệu quản? Các phương pháp tạo hình niệu quản hiện nay
Niệu quản là một đường ống nhỏ giúp dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Bộ phận này có thể bị hẹp do viêm nhiễm, bướu, hoặc do chèn ép bởi các khối u khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư trực tràng. Tạo hình niệu quản chính là cách để hạn chế tình trạng hẹp niệu quản từ đó bảo vệ sức khoẻ.
Khi nào cần tạo hình niệu quản?
Hẹp niệu quản là một trong những yếu tố khiến bạn buộc phải can thiệp để điều trị nhanh chóng. Niệu quản có thể bị hẹp bẩm sinh hoặc là do bị chèn ép bởi các khối u. Hẹp niệu quản khiến bạn bị đau lưng, thay đổi lượng nước tiểu, tiểu khó, tiểu có lẫn máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, sốt cao. Bệnh có thể điều trị dứt điểm nếu được can thiệp sớm. Phương pháp tạo hình niệu quản chính là cách điều trị ngoại khoa phổ biến nhất.
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị khi người bệnh hẹp khúc nối bể thận với niệu quản hay từ niệu quản đến bàng quang bẩm sinh. Bên cạnh đó đối tượng bị chít hẹp niệu quản do dị dạng mạch máu hay do biến chứng sau phẫu thuật cũng nên can thiệp tạo hình sớm nhất.
Thực tế hiện nay phẫu thuật niệu quản là dạng phẫu thuật dễ thực hiện và ít gây biến chứng. Tuy nhiên tuỳ vào mức độ bệnh, độ uy tín của bác sĩ cũng như trang thiết bị y tế, bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật niệu quản sẽ ở các mức độ khác nhau. Sau can thiệp ngoại khoa, bệnh nhân có thể bị rò nước tiểu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiểu ra máu, vậy nên cần đặc biệt chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật cũng như thăm khám bác sĩ theo đúng lịch hẹn.
Các phương pháp tạo hình niệu quản hiện nay
Phẫu thuật niệu quản là cách điều trị bệnh hẹp niệu quản với 2 phương pháp là nội soi hoặc mổ mở. Mỗi một giải pháp can thiệp sẽ có những ưu nhược điểm riêng biệt:
- Phẫu thuật nội soi niệu quản: Đây là kỹ thuật nong rộng niệu quản bằng thủ thuật hiện đại. Bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi niệu quản từ niệu đạo qua bàng quang và lên niệu quản. Sau đó bác sĩ sẽ dùng laser để rạch rộng đoạn niệu quản bị hẹp. Cuối cùng đặt sonde JJ vào niệu quản để làm giảm tình trạng tắc hoặc làm hẹp niệu quản. Phẫu thuật tạo hình niệu quản nội soi thường sẽ kéo dài từ 30 đến 60 phút và được chỉ định cho những ai bị hẹp niệu quản ở mức độ nhẹ hoặc vừa cũng như có mạch máu chèn ép niệu quản.
- Phẫu thuật niệu quản bằng phương pháp mở: Bác sĩ sẽ rạch da theo đường ngang sau lưng dưới xương sườn số 12, sau đó tách các lớp gân cơ vào khoang sau phúc mạc tìm khúc nối bể thận – niệu quản hoặc niệu quản – bàng quang. Bác sĩ cắt rời niệu quản khỏi bể thận hoặc bàng quang rồi cắt đoạn niệu quản bị chít hẹp cũng như sử dụng ống thông nhỏ luồn vào lòng niệu quản, bơm nước để kiểm tra sự lưu thông của niệu quản. Tiếp theo bác sĩ sẽ khâu nối niệu quản với bể thận hoặc niệu quản vào bàng quang bằng chỉ tiêu chập, đặt sonde JJ hoặc đặt nòng niệu quản tùy theo tình trạng bệnh, khâu lại vết mổ.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý khi sử dụng tế bào gốc trong lĩnh vực làm đẹp
Sau khi phẫu thuật niệu quản, bệnh nhân cần được chăm sóc cẩn thận từ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường như đau vùng thắt lưng dữ dội, tiểu buốt, tiểu ra máu thì phải thăm khám bác sĩ ngay lập tức.
Những lưu ý khi thực hiện tạo hình niệu quản
Việc phẫu thuật niệu quản nên được can thiệp sớm nhất có thể. Nếu bệnh hẹp niệu quản không được điều trị kịp thì bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng niệu quản, nhiễm trùng thận, nhiễm trùng huyết, suy thận thậm chí gây tử vong.
Vậy nên hãy quan sát thật kỹ các biểu hiện của bản thân để thăm khám và điều trị bệnh tốt nhất. Trường hợp người bệnh tạo hình niệu quản bằng phương pháp mổ mở thì bạn cần phải tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để rút ống dẫn lưu và đánh giá tình trạng khôi phục vết thương.
Nếu vị trí vết khâu lành lặn thì có thể rút thông niệu đạo và kẹp thông mở bàng quang ra da. Bệnh nhân đi tiểu bình thường và không có dấu hiệu nhiễm trùng thì có thể dừng uống kháng sinh sau đó.
Khả năng hồi phục bệnh sau phẫu thuật tạo hình niệu quản còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc. Người bệnh nên sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như sữa, súp, cháo, sinh tố. Bổ sung nước để tăng cường chức năng đường tiết niệu cũng như tăng lượng chất xơ vào mỗi bữa ăn. Sau một thời gian khi vết thương đã được bác sĩ đánh giá lành lặn thì nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền.
Đặc biệt không được chủ quản trong cách ăn uống thường ngày sau khi bệnh đã được hồi phục. Tốt nhất hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, hạn chế ăn thức ăn nhiều muối, dầu mỡ, tránh dùng chất kích thích, thực phẩm dễ gây kích ứng.
>>>>>Xem thêm: Bật mí bí quyết chăm sóc da tuổi 50 để duy trì vẻ đẹp tuổi đôi mươi
Trên đây là những chia sẻ về tạo hình niệu quản. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn bệnh hẹp niệu quản cũng như biết cách điều trị kịp thời để bảo vệ tốt sức khoẻ hệ bài tiết của bản thân.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm