Bạn đang đọc: Khám dinh dưỡng cho bé mang lại những lợi ích gì?
Chế độ dinh dưỡng phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ, do đó việc cho con đi khám dinh dưỡng định kỳ là rất cần thiết. Vậy khám dinh dưỡng cho bé khi nào thì thích hợp, vì sao bé cần phải khám và quy trình khám gồm các bước như thế nào?
Khi khám dinh dưỡng cho bé, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, cận lâm sàng và đưa ra các chẩn đoán và tư vấn về tình trạng sức khỏe của bé để giúp bé phát triển một cách khỏe mạnh. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu mọi thông tin cần thiết về việc khám dinh dưỡng cho bé.
Khám dinh dưỡng cho bé khi nào thì tốt?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ nên cho bé dưới 16 tuổi đi khám dinh dưỡng định kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé. Nên sắp xếp lịch thăm khám tùy theo từng giai đoạn phát triển của bé, cụ thể như sau:
- Các mốc thời gian cần khám định kỳ cho bé dưới 2 tuổi gồm: 3 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi, 15 tháng tuổi, 18 tháng tuổi và 24 tháng tuổi. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về chế độ dinh dưỡng vì đây là giai đoạn phát triển não bộ của bé.
- Cần khám dinh dưỡng định kỳ cho bé từ 2 tuổi trở lên từ 1 – 2 lần/năm.
Ngoài đi khám định kỳ, cha mẹ nên chủ động đưa bé đi khám dinh dưỡng trong trường hợp bé có những biểu hiện bất thường sau đây:
- Lười ăn, có dấu hiệu suy dinh dưỡng, còi xương;
- Bị rối loạn tiêu hóa;
- Bị thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin A, D,…
Cần đi khám dinh dưỡng cho bé có nguy cơ bị thừa cân, béo phì để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, khoa học hơn.
Khám dinh dưỡng cho bé có những lợi ích gì?
Khám dinh dưỡng cho bé có tầm quan trọng như sau:
Chủng ngừa
Lợi ích đầu tiên khi khám dinh dưỡng cho bé là bé được chủng ngừa theo lịch trình vào đúng giai đoạn nhằm ngăn ngừa bệnh tật. Một yếu tố chính của chăm sóc dự phòng là dinh dưỡng cùng với việc kiểm tra thị lực và thính giác. Chủng ngừa và chăm sóc dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Đánh giá sự tăng trưởng và phát triển
Khám dinh dưỡng cho bé với mục đích:
- Kiểm tra tình trạng đáp ứng của bé với các nhu cầu dinh dưỡng hiện tại.
- Phát hiện sớm sự thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, cụ thể trẻ thừa hoặc thiếu chất gì, từ đó có cách tiết chế hoặc bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
- Giúp các bậc cha mẹ lập kế hoạch ăn uống lành mạnh cho bé.
- Tìm ra các biện pháp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ nhẹ cân, thấp còi, sức đề kháng kém hay thừa cân, béo phì,… giúp trẻ sớm theo kịp đà tăng trưởng của các trẻ đồng trang lứa.
- Hạn chế bệnh liên quan đến dinh dưỡng như hội chứng kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, tiêu chảy, táo bón. Cung cấp cho cha mẹ kiến thức và phát triển nhận thức về tình trạng sức khỏe lâu dài của bé.
- Kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe của bé để kịp thời giải quyết ở giai đoạn sớm.
- Giúp cha mẹ dễ dàng theo dõi và đánh giá sự phát triển của bé kể từ lần khám gần đây nhất, chẳng hạn bé có đạt được các mốc phát triển thiết lập theo từng giai đoạn hay không.
Giải đáp thắc mắc của cha mẹ
Trong lúc thăm khám dinh dưỡng cho bé định kỳ, các bậc cha mẹ có thể hỏi bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào về sự phát triển của con và trình bày bất kỳ mối quan tâm nào về sức khỏe của con. Cha mẹ nên chuẩn bị trước các vấn đề cần hỏi, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và tránh bỏ sót câu hỏi. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ thắc mắc nhiều vấn đề và có thể hỏi ý kiến bác sĩ ở lần tái khám dinh dưỡng tiếp theo. Phụ huynh thường quan tâm một số chủ đề như quá trình phát triển của bé, chế độ ăn uống, nhu cầu dinh dưỡng, tập thể dục, giấc ngủ và hành vi của bé.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải đi khám dinh dưỡng đúng lịch, nếu nhận thấy bé có bất kỳ bất thường nào trong thói quen ăn uống, có các vấn đề liên quan đến cân nặng hoặc nghi ngờ bé bị thiếu hụt dinh dưỡng,… cha mẹ vẫn có thể đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Đặc biệt là về cân nặng, bác sĩ sẽ theo dõi các vấn đề liên quan đến cân nặng như:
- Suy dinh dưỡng: Nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển thì trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng là do ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh và không có giá trị dinh dưỡng hoặc do thiếu thức ăn hoặc ăn không đủ các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, bổ dưỡng;
- Thừa cân hoặc béo phì: Nếu trẻ có cân nặng vượt ngưỡng bình thường so với tiêu chuẩn chung cho các trẻ cùng độ tuổi thì trẻ sẽ bị thừa cân, béo phì;
- Trẻ bú ít hoặc ăn ít;
- Sụt cân hoặc tăng cân đột ngột;
- Không phát triển cả về chiều cao và cân nặng với tốc độ mong đợi bình thường, tính theo tuổi của trẻ;
- Mắc bệnh về tiêu hóa hoặc hội chứng kém hấp thu;
- Thay đổi hành vi như cáu kỉnh hoặc chậm chạp;
- Thay đổi màu da như da nhợt nhạt, xanh xao;
- Tóc rụng;
- Chỉ số khối cơ thể không cân xứng hoặc bất thường;
- Tái phát nhiễm trùng, hay ốm vặt.
Tìm hiểu thêm: Các bước đọc X quang ngực cơ bản: Hướng dẫn và phân tích kết quả
Quy trình khám dinh dưỡng cho bé
Quy trình của một buổi khám dinh dưỡng sẽ diễn ra như sau:
Đầu tiên, để nắm được tình trạng sức khỏe tổng quát của bé, bác sĩ thường khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ đo các chỉ số cơ thể cơ bản để đánh giá xem bé có phát triển phù hợp với lứa tuổi không, ví dụ: Đo cân nặng, chiều cao của bé và sau đó đối chiếu với bảng cân nặng, chiều cao tiêu chuẩn (việc so sánh dựa vào độ tuổi, giới tính).
Ngoài ra, trong buổi khám dinh dưỡng, theo thông tin do cha mẹ cung cấp, bác sĩ sẽ biết được sở thích, thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của bé, tiền sử mắc bệnh (nếu có). Với những thông tin kể trên, bác sĩ có thể chỉ định bé thực hiện thêm kiểm tra chuyên sâu, một số xét nghiệm cần thiết.
Trong gói khám dinh dưỡng cho bé sẽ có các xét nghiệm phổ biến như:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu;
- Xét nghiệm chức năng gan như xét nghiệm đo nồng độ Albumin, protein toàn phần, xét nghiệm đo nồng độ ALT, AST, ALP,…;
- Xét nghiệm chức năng thận như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm ure máu, creatinin huyết thanh, albumin huyết thanh, acid uric máu,…;
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp như đo nồng độ TSH, T4 (thyroxine) và T3 (triiodothyronine),…;
- Xét nghiệm tuyến yên;
- Xét nghiệm mỡ máu, đường máu, protein, albumin máu;
- Xét nghiệm các vi chất như vitamin A, B, C, D, E,… cũng như sắt, magne, calci, phosphat, kẽm,…;
- Trẻ có thể được chỉ định đo độ loãng xương, siêu âm ổ bụng nếu cần thiết.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu harzer là gì? Thường xuất hiện trong bệnh cảnh nào?
Từ kết quả khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể tư vấn cha mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với con. Đồng thời, trong mỗi buổi khám dinh dưỡng, bác sĩ cũng hướng dẫn cách lên thực đơn, chia khẩu phần ăn giúp trẻ luôn cảm thấy ngon miệng.
Như vậy, khám dinh dưỡng cho bé là rất cần thiết, giúp trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Việc cho con đi khám dinh dưỡng định kỳ có tác dụng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Khám sức khỏeChẩn đoán bệnhSức khỏe tổng quát