Bạn đã bao giờ nghe đến “hội chứng sợ giấy” hay chưa? Đây là một trong những hội chứng sợ hãi kì lạ mà có lẽ bản thân họ cũng không thể hiểu được lý do. Để tìm hiểu rõ hơn về hội chứng này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.
Bạn đang đọc: Hội chứng sợ giấy (Papyrophobia) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Trong lĩnh vực Tâm lý học, con người chúng ta có thể mắc phải một số hội chứng về các nỗi sợ hãi, trong đó có một hội chứng khá kỳ lạ và nghe có vẻ phi lý đó là hội chứng sợ giấy (hay còn được gọi là Papyrophobia). Đây là một nỗi sợ cực đoan với các trang giấy. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng này.
Hội chứng sợ giấy (Papyrophobia) là gì?
Hội chứng sợ giấy (Papyrophobia) là một nỗi sợ hãi mạnh mẽ đối với giấy, đây là một hội chứng tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu. Hội chứng này khá hiếm gặp, chỉ có một số ít người trên thế giới mắc phải nó. Những ai mắc phải hội chứng sợ giấy có thể sẽ trải qua cảm giác lo lắng, căng thẳng và sợ hãi khi nhìn thấy hoặc tiếp xúc với giấy.
Nỗi sợ giấy có thể xảy ra ở bất kỳ loại giấy nào, bao gồm sợ chạm vào giấy, viết lên giấy hoặc sợ bị giấy cắt trúng. Thậm chí có một số trường hợp sợ hãi cực đoan, hoảng loạn khi chỉ mới nghĩ đến một tờ giấy, nghe thấy tiếng ai đó vò giấy. Mức độ sợ hãi có thể tăng lên tùy theo loại giấy hoặc kích thước của tờ giấy.
Nguyên nhân mắc phải hội chứng sợ giấy
Một số chuyên gia cho rằng, nữ giới thường có xu hướng dễ mắc phải chứng rối loạn ám ảnh hơn so với nam giới. Hội chứng sợ giấy có thể bắt nguồn từ một số lý do dưới đây:
- Nỗi ám ảnh trong quá khứ: Một đứa trẻ khi vô tình bị giấy cắt vào ngón tay có thể bắt đầu sợ hãi vĩnh viễn các loại giấy. Một số sự kiện như chứng kiến cha mẹ hay người thân có nỗi ám ảnh hoặc rối loạn lo âu có thể khiến bạn có những nỗi sợ tương tự.
- Di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy một số người có sự biến đổi về gen khiến họ dễ mắc chứng rối loạn lo âu và ám ảnh hơn.
- Những nỗi ám ảnh khác: Một số người có nhiều nỗi ám ảnh. Ví dụ như người mắc phải hội chứng sợ hộp các tông (Cogombophobia) và hội chứng sợ tiền (Chrometophobia), đặc biệt là tiền giấy có thể dẫn đến hội chứng sợ giấy; hội chứng sợ bẩn, vi trùng (Mysophobia) dẫn đến hội chứng sợ giấy vì lo ngại vi trùng bám trên giấy,…
Dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng sợ giấy
Mặc dù hiếm gặp nhưng hội chứng sợ giấy là một nỗi sợ gây ảnh hưởng đến tinh thần của người mắc phải và họ cũng sẽ xuất hiện những triệu chứng về thể chất, cảm xúc và tinh thần tương tự như những nỗi ám ảnh khác. Khi tiếp xúc với tác nhân gây ám ảnh, sợ hãi (ở trường hợp này là giấy), người bệnh thường có những dấu hiệu, triệu chứng như:
- Thở dồn dập, tim đập nhanh;
- Chóng mặt;
- Run rẩy, rùng mình;
- Ra mồ hôi;
- Hụt hơi;
- Khô miệng, nói lắp;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Hoảng loạn, khóc lóc, la hét, né tránh tác nhân gây ám ảnh.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm HER2 có ý nghĩa gì trong ung thư vú?
Nỗi sợ kỳ lạ này có thể khiến người bệnh bị người khác chế giễu hoặc cười nhạo. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, đồng thời gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần của họ, có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí là có suy nghĩ tự tử. Ngoài ra, hội chứng sợ giấy sẽ cản trở đến công việc nếu người bệnh cần xử lý, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến giấy tờ, tệ nhất là họ phải nghỉ việc vì không vượt qua được nỗi sợ.
Phương pháp điều trị hội chứng sợ giấy
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ không coi chứng sợ giấy là chứng rối loạn ám ảnh trong sổ tay chẩn đoán (DSM-5). Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý có thể đánh giá các triệu chứng của người bệnh để chẩn đoán nỗi ám ảnh này. Một số phương pháp để các chuyên gia có thể giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ về giấy như:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): CBT là một hình thức trị liệu tâm lý (liệu pháp trò chuyện) giúp người bệnh đối mặt với lý do khiến họ có nỗi sợ hãi đối với giấy tờ. Các chuyên gia sẽ sử dụng thông tin này để giúp họ thay đổi nhận thức và phản ứng của mình.
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tâm lý này giúp người bệnh bớt sợ hãi tác nhân gây ám ảnh. Dần dần cho họ tiếp xúc với những hình ảnh và tình huống liên quan đến giấy tờ. Có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào giấy, chạm, cầm giấy và viết trên giấy. Đây là phương pháp đối mặt với nỗi sợ hãi và nó có tác dụng với hầu hết những người mắc rối loạn hoảng sợ.
- Trị liệu hành vi biện chứng (DBT): Phương pháp này dạy cho người bệnh các kỹ năng đối phó và cách thư giãn như ngồi thiền, có thể giúp họ kiểm soát các triệu chứng ám ảnh.
- Thuốc: Các bác sĩ tâm lý có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm để làm giảm các triệu chứng nếu các liệu pháp khác không hiệu quả. Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ trong các hoạt động thường ngày có liên quan đến việc tiếp xúc với giấy.
>>>>>Xem thêm: Biến thể là gì? Các biện pháp ngăn ngừa biến thể của virus Corona
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về hội chứng sợ giấy (Papyrophobia). Dù đây là một hội chứng hiếm gặp, nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh nếu không may mắc phải. Hãy đến gặp các bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và điều trị nếu phát hiện mình có bất kỳ triệu chứng nào được đề cập trong bài khi tiếp xúc với giấy bạn nhé!