Bệnh tim mạch là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó bệnh lý hở van tim bẩm sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong.
Bạn đang đọc: Hở van tim bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hở van tim, trong đó có hở van tim bẩm sinh là một vấn đề phổ biến trong các bệnh liên quan đến tim mạch. Những trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh tiến triển nhanh chóng và gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong đột ngột. Trong bài viết này, bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh lý này, nguyên nhân, triệu chứng và cách thức điều trị bệnh.
Hở van tim là gì? Nguyên nhân dẫn tới hở van tim
Bệnh hở van tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do bẩm sinh hay do bệnh lý khác gây ra. Hở van tim bẩm sinh là một trong những dị tật bẩm sinh có thể gặp ở trẻ nhỏ, ngay từ trong bào thai. Vậy bệnh lý hở van tim là gì, khi nào thì cần phải phẫu thuật?
Khái niệm về hở van tim
Hệ thống van tim gồm: Van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Chức năng của các thành phần này là điều hướng dòng máu theo một chiều, đảm bảo máu không trào ngược vào các buồng tim sau khi được bơm đi.
Hở van tim là tình trạng các van của tim không đóng kín khi tim co bóp. Do đó, công suất làm việc của tim phải tăng lên để bù đắp lại lượng máu bị thiếu do trào ngược. Bệnh hở van tim thường được phân chia thành 4 loại:
- Hở van tim hai lá: Máu trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái;
- Hở van ba lá: Máu trào ngược từ tâm thất phải về tâm nhĩ phải;
- Hở van động mạch chủ: Máu chảy ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái;
- Hở van động mạch phổi: Máu chảy ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.
Bệnh nhân bị hở van tim nặng hay không còn phụ thuộc vào mức độ hở van. Trong đó, bệnh ở mức nặng thường đi kèm các biến chứng nguy hiểm, tác động đến sức khỏe của người bệnh.
Nguyên nhân dẫn tới hở van tim
Có rất nhiều nguyên nhân gây hở van tim. Các nguyên nhân này được chia làm 2 nhóm: Những yếu tố thay đổi được và không thay đổi được.
Những yếu tố gây hở van tim có thể thay đổi gồm:
- Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ hở van tim như: Nhồi máu cơ tim, giãn nở cơ tim, phình động mạch chủ, xơ vữa động mạch, viêm nội tâm mạc,…
- Sốt thấp khớp: Người bị nhiễm khuẩn Streptococcus kéo dài có thể làm van tim bị tổn thương.
- Các dây chằng và phần cơ ở van tim bị đứt, giãn.
Những yếu tố gây hở van tim không thể thay đổi gồm:
- Tuổi tác: Cấu trúc van tim thay đổi theo tuổi tác. Tuổi càng cao, sự linh hoạt của van tim càng suy giảm. Quá trình vôi hóa canxi và các chất lắng đọng khiến các van tim không thể đóng nắp hoàn toàn, từ đó gây ra hở van tim.
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc các bệnh lý tim mạch, nguy cơ bị hở van tim sẽ cao hơn.
- Bẩm sinh: Một số khiếm khuyết từ lúc hình thành bào thai khiến trẻ sinh ra bị hở van tim bẩm sinh. Trong trường hợp này, van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ.
Hở van tim có triệu chứng gì? Có nên phẫu thuật không?
Bệnh hở van tim nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vậy làm thế nào để nhận biết hở van tim? Hở van tim có nên mổ không?
Triệu chứng khi bị hở van tim
Hở van tim trong giai đoạn đầu vẫn đang ở mức độ nhẹ, các triệu chứng thường không rõ ràng. Do đó, bệnh hở van tim rất khó phát hiện. Chỉ thông qua kiểm tra sức khỏe, người bệnh mới có thể biết mình bị hở van tim. Khi các dấu hiệu hở van tim biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã tiến triển nặng. Những dấu hiệu hở van tim như sau:
- Khó thở, đặc biệt nặng hơn khi khi nằm xuống;
- Mệt mỏi;
- Đánh trống ngực, tim đập nhanh;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Sưng chân và mắt cá chân;
- Ho khan, tình trạng này nặng lên vào ban đêm.
Hở van tim có nên phẫu thuật không?
Theo các chuyên gia tim mạch, không phải bệnh nhân hở van tim nào cũng cần phải phẫu thuật. Những trường hợp hở van tim bắt buộc phải mổ gồm:
- Hở van tim 2 lá ở mức từ 3/4 trở lên, bệnh nhân có triệu chứng đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, phù nề,…
- Hở van tim 2 lá dù không có triệu chứng nhưng chức năng tim bị suy giảm rõ rệt trên kết quả siêu âm tim.
- Hở van tim 2 lá dù không triệu chứng và không suy giảm chức năng tim rõ rệt nhưng bệnh nhân bị rung nhĩ.
Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng phổ biến
Phương pháp điều trị hở van tim như thế nào?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị hở van tim, trong đó có hở van tim bẩm sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân gây bệnh và mức độ tiến triển của bệnh:
- Trong trường hợp bệnh nhân bị hở van tim nhẹ, bác sĩ sẽ không đưa ra chỉ định điều trị, ngoại trừ bệnh nhân van tim hậu thấp cần điều trị để phòng thấp.
- Bệnh nhân hở van tim mức độ trung bình và có triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc để cải thiện tình trạng bệnh như: Thuốc lợi tiểu, thuốc làm giãn mạch nhóm nitrat, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc chống đông máu hoặc thuốc chẹn beta giao cảm,…
- Với những bệnh nhân có mức độ hở van tim tiến triển nặng, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ. Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc can thiệp dựa trên mức độ tổn thương của van tim. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần thay van tim. Đối với trường hợp hở van tim hai lá, việc can thiệp qua đường ống thông cũng là cách trị hở van tim có thể được áp dụng.
Bệnh hở van tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng theo đơn để kiểm soát triệu chứng và định kỳ tái khám theo lịch hẹn.
Với những người cao huyết áp, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên rất quan trọng để theo dõi tình trạng sức khỏe của tim. Ngoài ra, người bệnh hở van tim cần chú ý đến chế độ ăn uống, giảm muối và hạn chế chất béo, tránh sử dụng cà phê, đồ uống có cồn và các chất kích thích. Việc kiểm soát cân nặng cũng rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng thừa cân, béo phì và phòng ngừa các bệnh tim mạch liên quan.
>>>>>Xem thêm: Nên tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella của Mỹ hay Ấn Độ?
Bài viết trên đây đã mang đến cho bạn thông tin tổng quan về bệnh hở van tim. Một trong những nguyên nhân gây bệnh là hở van tim bẩm sinh. Trong một số trường hợp, bệnh hở van tim cần phải phẫu thuật. Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để, giúp phục hồi hoàn toàn chức năng của van tim bị hở, ngoài việc thay hay sửa van. Tuy nhiên, phương pháp này cũng kéo theo những rủi ro tiềm ẩn. Do đó, vai trò của việc phòng bệnh vô cùng quan trọng.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm