Halo nevus là một bệnh sắc tố da thường gặp và lành tính được đặc trưng bởi vòng mất sắc tố bao quanh phần sắc tố trung tâm của nevus (nốt ruồi).
Bạn đang đọc: Halo nevus: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Halo nevus là một bệnh lý ngoài da lành tính, liên quan đến việc giảm hoặc mất các tế bào sắc tố melanin. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng mất sắc tố này? Triệu chứng của nó là gì? Làm thế nào để điều trị? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
Halo nevus là bệnh gì?
Halo nevus (hay còn gọi là halo mole hoặc halo melanocytic nevus) là một bệnh sắc tố da thường gặp và lành tính. Đặc điểm của nó là có vòng mất sắc tố màu trắng bao quanh phần sắc tố trung tâm của nevus (nốt ruồi).
Theo một số báo cáo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh halo nevus hiện nay là khoảng 1% dân số và không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ cao hơn ở trẻ em, lứa tuổi thanh thiếu niên và những người bị bệnh Turner.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra bệnh halo nevus vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng, nó có thể là do các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào gây tổn hại trực tiếp đến các tế bào sắc tố, tức là xung quanh trung tâm của nevus sẽ không có các tế bào sắc tố melanin. Các tế bào liên quan đến phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào này có thể là bạch cầu lympho T và các đại thực bào.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng bệnh halo venus còn có thể liên quan đến bệnh bạch biến, nhưng điều này cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ngoài ra, halo nevus có thể xuất hiện sau hiện tượng Koebner trên một nốt ruồi đã bị tổn thương (hiện tượng xuất hiện các tổn thương da trên vùng da đã bị chấn thương do côn trùng đốt, trầy xước,…). Đồng thời, nó cũng ít khi được kích hoạt do sự xuất hiện của các tế bào ung thư hắc tố từ vị trí khác.
Các triệu chứng của halo venus
Halo venus thường tự phát, có thể xuất hiện đơn độc hoặc lan rộng và phát triển ở bất cứ vị trí nào như phần thân, đặc biệt là phần lưng và đôi khi nó có thể xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Triệu chứng điển hình của halo nevus là trên cơ thể xuất hiện những nốt ruồi hình tròn hoặc hình bầu dục ở trung tâm và xung quanh nó là vòng trắng do giảm hoặc mất sắc tố da. Các nốt ruồi ở vị trí trung tâm vòng sáng có thể là màu hồng, màu nâu hoặc màu đen. Chúng là các nốt sần đơn độc, nhẵn, hình vòm, có ranh giới rõ ràng và có đường kính dưới 1cm.
Chiều rộng của vòng sáng có thể thay đổi nhưng thông thường là từ 0.5cm đến 1cm và khoảng cách từ mép vòng sáng đến trung tâm của nốt ruồi (nevus) thường bằng nhau. Điều này có thể giúp bạn phân biệt halo nevus với ung thư sắc tố thoái triển. Trong ung thư sắc tố thoái triển, khoảng cách này thường không đồng đều và độ rộng của các vòng khác nhau cũng sẽ không giống nhau. Và theo thời gian, các tổn thương do ung thư sắc tố sẽ càng ngày càng lớn.
Quá trình phát triển của halo nevus được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Xuất hiện một vòng da nhạt màu hơn bao quanh nốt ruồi so với vùng da khác trên cơ thể.
- Giai đoạn 2: Nốt ruồi trung tâm có thể trở nên hồng hơn và dần biến mất.
- Giai đoạn 3: Vùng da sáng màu mất sắc tố vẫn còn tồn tại.
- Giai đoạn 4: Vùng da mất sắc tố dần trở lại màu sắc bình thường sau một thời gian dài.
Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác là halo nevus cũng như để phân biệt nó với các bệnh khác như ung thư sắc tố da, các bác sĩ da liễu có thể chỉ định một số phương pháp sau:
- Dermoscopy: Đây là phương pháp giúp đánh giá cấu trúc và màu sắc của vùng da tổn thương. Phương pháp này sử dụng thiết bị quang học để thăm khám các lớp nông của da với độ phóng đại từ 10 đến hàng trăm lần. Dermoscopy được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1920 và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán các bệnh lý về da.
- Sinh thiết vùng da tổn thương: Nếu vùng da tổn thương có đặc điểm bết thường, không điển hình về cấu trúc và màu sắc, các bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân tiến hành sinh thiết để chẩn đoán bệnh. Phần lớn, các bệnh nhân bị halo nevus thường có các tế bào lympho T và đại thực bào dày đặc ở trung bào phía dưới của nevus (nốt ruồi).
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về phương pháp bơm xi măng cột sống điều trị xẹp đốt sống
Các phương pháp trên thường được ứng dụng để chẩn đoán phân biệt một số bệnh da như:
- Nevus có triệu chứng không điển hình;
- Nevus tái phát trong sẹo;
- Nevus có sắc tố thoái triển thông qua các cơ chế khác;
- Ung thư sắc tố da;
- Đốm đồi mồi;
- Dày sừng da đầu thoái triển.
Điều trị halo venus
Halo nevus là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm. Vì thế, tiên lượng cho bệnh nhân thường tốt và không cần điều trị. Bệnh thường có thể phục hồi. Các tế bào sắc tố sẽ tự phục hồi sau vài tháng, vài năm hoặc dài hơn lên đến 10 năm.
Phẫu thuật hay xạ trị để loại bỏ nốt ruồi ở trung tâm thường không cần thiết. Các biện pháp này chỉ được khuyến nghị khi người bệnh có các triệu chứng không điển hình của nevus. Ngoài ra, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường như thay đổi màu sắc nevus, đau, ngứa, loét,… vùng da bị tổn thương thì nên đi khám bác sĩ da liễu ngay lập tức để được đánh giá, chẩn đoán và có biện pháp xử lý phù hợp.
Ngoài ra, do bị mất sắc tố nên vùng da xung quanh nốt ruồi dễ bị bắt nắng hơn các vùng da khác. Vì vậy, khi bị halo venus, bệnh nhân nên chú ý để bảo vệ da. Người bệnh nên che chắn cẩn thận hoặc bôi kem chống nắng để tránh cho da bị bỏng.
>>>>>Xem thêm: Hiểu rõ về cấu tạo implant trong phục hồi răng
Tóm lại, halo nevus là một bệnh lý liên quan đến mất sắc tố da. Tuy nhiên, đây là một bệnh lành tính, do đó không cần điều trị. Bệnh sẽ tự hồi phục sau một khoảng thời gian dài mà không để lại biến chứng nguy hiểm nào.
Hy vọng những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn. Đừng quên theo dõi trang web của Long Châu để cập nhật sớm nhất những bài viết về chủ đề sức khỏe bổ ích nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm