Ánh nắng mặt trời luôn là nỗi ám ảnh của làn da, nhất là với nữ giới. Không chỉ làm da sạm đen nhanh chóng, ánh nắng còn có thể gây ra tình trạng dị ứng nắng với nhiều hệ lụy xấu. Vậy dị ứng ánh nắng mặt trời là gì? Làm thế nào để phòng ngừa dị ứng do nắng?
Bạn đang đọc: Dị ứng nắng: Nguyên nhân, tác hại và cách phòng ngừa
Dị ứng nắng là tình trạng làn da bị kích ứng dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời. Những triệu chứng do dị ứng nắng dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tìm hiểu chung về dị ứng nắng
Ánh nắng mặt trời là yếu tố tự nhiên không thể thiếu trong cuộc sống. Ở một số thời điểm nhất định, ánh nắng mặt trời có tác dụng giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin cần thiết. Tuy nhiên với một số người thì ánh nắng mặt trời lại là “kẻ thù” bởi làn da có thể đổ bệnh vì nắng, trong đó phổ biến nhất là tình trạng dị ứng với ánh nắng.
Dị ứng ánh nắng mặt trời là gì?
Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch trong cơ thể xảy ra để chống lại các chất gây dị ứng. Các phản ứng này thường diễn ra nhanh và có thể dự đoán được. Dị ứng nắng là thuật ngữ để chỉ tình trạng da bị kích ứng sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Người bị dị ứng nắng thường xuất hiện các triệu chứng như nổi ban, ngứa da, phồng rộp da, mụn nước,…
Để chẩn đoán dị ứng nắng, bác sĩ thường quan sát tổn thương trên da, đồng thời chỉ định thêm các xét nghiệm hỗ trợ trong một số trường hợp cần thiết. Các xét nghiệm thường được sử dụng như:
- Test ánh sáng với đèn tia cực tím giúp xác định loại tia cực tím cụ thể gây ra dị ứng.
- Test áp bì bằng cách dán trực tiếp miếng dán có chứa các chất gây nhạy cảm lên da, thường là vùng da ở lưng.
- Xét nghiệm máu và sinh thiết da nếu bác sĩ nghi ngờ do bệnh Lupus ban đỏ gây ra.
Dị ứng do ánh nắng thường xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với nắng hoặc đến những nơi có nhiều nắng, thời tiết nắng nóng. Hầu hết tình trạng dị ứng với ánh nắng diễn ra vào mùa hè, mùa thu và những thời điểm có cường độ ánh nắng mạnh nhất. Một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể bị dị ứng ngay cả khi tiếp xúc với ánh nắng xuyên qua cửa sổ hoặc cửa kính.
Bất cứ ai cũng có thể bị dị ứng ánh nắng nhưng người da sáng màu thường có nguy cơ cao hơn. Dị ứng ánh nắng không lây truyền và cũng không có mối liên hệ với bệnh ung thư da.
Vì sao nhiều người bị dị ứng nắng?
Theo các chuyên gia, thủ phạm hàng đầu gây ra dị ứng ánh nắng chính là tia cực tím (tia UV, tia tử ngoại) có trong ánh nắng mặt trời. Tia cực tím khi tiếp xúc với da sẽ khiến tế bào da bị tổn thương và ảnh hưởng tới phần protein bên trong khiến chúng bị biến đổi thành chất lạ đối với cơ thể. Những protein bị biến đổi này sẽ bị hệ miễn dịch của cơ thể đào thải. Khi phản ứng của hệ miễn dịch càng mạnh thì những vấn đề khó chịu ở vùng da bị ảnh hưởng càng tăng lên.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng với ánh nắng như:
- Yếu tố chủng tộc;
- Thường xuyên sử dụng chất kích thích;
- Tiền sử tiếp xúc với hóa chất từ mỹ phẩm, chất sát khuẩn trước khi tiếp xúc với ánh nắng;
- Tiền sử viêm da tiếp xúc hoặc gia đình có người bị dị ứng với ánh nắng;
- Tâm trạng căng thẳng, lo âu, mệt mỏi;
- Sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau,…
4 hình thức dị ứng ánh nắng mặt trời phổ biến
Theo các chuyên gia da liễu, dị ứng với ánh nắng được chia làm 4 hình thức gồm:
- Nổi ban đa hình: Các triệu chứng thường bao gồm mẩn ngứa, nổi sần có màu trắng hoặc viền đỏ. Đây là hình thức dị ứng do ánh nắng phổ biến nhất. Những dấu hiệu khó chịu này sẽ nhanh chóng biến mất nếu không tiếp xúc với ánh nắng quá lâu.
- Viêm da quang hóa: Đặc trưng bởi các vùng da bị sần, ngứa trên bề mặt da, thường gặp ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như mặt, cổ, đầu, cánh tay. Các triệu chứng viêm da quang hóa rất giống với viêm da tiếp xúc nên dễ bị chẩn đoán sai.
- Ngứa sần quang hóa: Các vùng da bị sần, ngứa và có thể lan rộng sang cả những vùng da không tiếp xúc với ánh nắng. Các nốt sần có thể phù nề và loét ra hoặc gây các vết nứt trên môi, má, cổ và dễ để lại sẹo.
- Nổi mề đay: Thường gây ra tình trạng phát ban, mụn nước, cảm giác ngứa ngáy khó chịu sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong vài phút. Hình thức dị ứng nổi mề đay này thường gặp ở người trong độ tuổi trung niên và cải thiện hơn nếu ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Tìm hiểu thêm: Răng sứ Cercon của nước nào? Răng sứ Cercon có mấy loại?
Điều trị dị ứng do ánh nắng bằng cách nào?
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc dị ứng nắng mà chỉ có các biện pháp nhằm giảm các triệu chứng do bệnh gây ra. Phổ biến nhất là việc sử dụng một số loại thuốc kháng histamin, thuốc chứa corticoid với mục tiêu hạn chế hoạt động của hệ miễn dịch. Một số trường hợp tình trạng này có thể tự hết sau vài năm khi da trở nên quen và dung nạp hơn với ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng biện pháp chiếu đèn có chứa tia cực tím lên vùng da nhạy cảm cho da quen với việc tiếp ánh nắng mặt trời. Đây là cách đơn giản nhưng mạng lại hiệu quả khá tốt.
Cách phòng ngừa dị ứng ánh nắng mặt trời
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát dị ứng nắng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Theo thống kê, có khoảng 10% dân số bị phát ban đa dạng do ánh nắng, vì thế chuyên gia da liễu khuyến cáo người bệnh nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều mỗi ngày.
- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên trước khi ra nắng ít nhất 30 phút và thoa lại sau vài tiếng, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi, đi bơi.
- Kem chống nắng cần đảm bảo có chỉ số SPF từ 30 trở lên, chỉ số UVA từ 4 đến 5.
- Kết hợp mặc quần áo dài tay, đeo kính, găng tay, sử dụng ô che nắng, mũ,… để bảo vệ làn da tối ưu nhất.
>>>>>Xem thêm: Xông hơi thải độc: Lợi ích, quy trình và những lưu ý đặc biệt
Dị ứng nắng không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Làn da kích ứng khi tiếp xúc với ánh nắng khiến người bệnh thường xuyên phải che chắn cẩn thận, bịt kín mặt mũi và toàn thân để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời ngay cả vào mùa đông.
Tóm lại, dị ứng do nắng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu xử trí đúng cách. Vì thế khi làn da của bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường kể trên, hãy nhanh chóng đi khám chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm