Khi biết da khô do thiếu chất gì, bạn có thể bổ sung nhanh dưỡng chất thiết yếu ấy để cải thiện tình hình, giúp da trở lại trạng thái căng mịn, ẩm mướt như ban đầu.
Bạn đang đọc: Da khô thiếu chất gì? Cách khắc phục hiệu quả
Da khô có thể do yếu tố cơ địa hoặc phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác, trong đó việc thiếu hụt dưỡng chất là một trong những vấn đề thường gặp nhất. Vậy da khô thiếu chất gì và làm thế nào để khắc phục hiệu quả thực trạng trên?
Dấu hiệu da khô
Nhận diện sớm các dấu hiệu khô da sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc tìm kiếm giải pháp can thiệp đối với vấn đề da liễu này. Cụ thể, dưới đây là những dấu hiệu điển hình nhất cho thấy da của bạn đang bị khô:
- Bề mặt da thô ráp, căng cứng, thậm chí làm hạn chế cử động cơ mặt. Điều này sẽ càng rõ ràng hơn nếu bạn vừa xông tắm, đi bơi hoặc rửa mặt bằng nước nóng.
- Rát, nóng rần rần và ngứa ngáy trên da.
- Da có hiện tượng đóng vảy và bong ra từng mảng như vảy nến.
- Da dễ bị kích ứng, mẩn đỏ.
- Xuất hiện các vết nứt trên bề mặt. Một số trường hợp còn hình thành vết nứt sâu gây chảy máu.
- Bề mặt da thiếu phẳng mịn, xuất hiện nhiều nếp nhăn.
- Da dễ nhiễm trùng do hàng rào bảo vệ dần suy yếu và sự hiện diện của các vết thương hở.
Nguyên nhân gây khô da
Da khô có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến và thường gặp nhất phải kể đến những trường hợp sau:
- Lão hóa: Tuyến bã nhờn là thành phần cung cấp chất dưỡng ẩm tự nhiên cho da. Tuy nhiên, đây lại là tuyến toàn hủy (không thể tái sinh qua thời gian). Trong khi đó càng già đi, tuyến bã nhờn càng teo lại, mất chức năng. Vậy nên người có tuổi thường có làn da khô, nhăn nheo và bong tróc.
- Yếu tố ngoại cảnh: Khi độ ẩm trong không khí ở mức thấp thì lượng nước trên bề mặt da sẽ có xu hướng hóa hơi, phát tán ra ngoài môi trường. Chính vì thế trong mùa hanh khô, da của chúng ta thường bị nứt nẻ, tróc vảy.
- Tắm và rửa mặt bằng nước nóng: Khi bạn để da tiếp xúc với nước có nền nhiệt cao, tác nhân này sẽ làm hao hụt độ ẩm và chất nhờn tự nhiên trên bề mặt da. Vậy nên sau khi tắm rửa bằng nước nóng, da sẽ có dấu hiệu khô, căng rất khó chịu.
- Mắc bệnh da liễu: Khi mắc các bệnh tự miễn như vảy nến, á sừng, chàm,… da người bệnh thường bị khô do khả năng giữ ẩm kém và hàng rào bảo vệ da dần suy yếu.
- Thiếu dưỡng chất: Độ ẩm tự nhiên trên da được duy trì bởi nước, nhiều loại vitamin và collagen. Khi chế độ dinh dưỡng thiếu hụt đi những thành phần này thì da vừa khô, vừa hình thành nhiều nếp nhăn trên bề mặt.
Da khô thiếu chất gì?
Như đã nhắc đến ở trên, thiếu dưỡng chất là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khô da. Vậy da khô thiếu chất gì?
- Nước: Nước là thành phần quan trọng nhất trong việc duy trì độ ẩm cho da. Khi thiếu nước, các tế bào da sẽ co ngót về mặt thể tích, bề mặt da vừa xù xì, khô khốc, vừa xuất hiện nhiều nếp nhăn li ti. Nghiên cứu cho thấy để da duy trì độ mềm mịn, căng mướt thì lớp trên cùng của da phải chứa tối thiểu 10% nước. Nếu ít hơn con số này thì da sẽ trở nên thô ráp và thường xuyên bong vảy.
- Vitamin A: Vitamin A là vi chất tan trong dầu, mỡ. Chúng có tác dụng duy trì độ dẻo dai, bóng bẩy cho làn da của bạn. Vậy nên nếu thiếu hụt loại vitamin này thì khô da là điều khó tránh khỏi.
- Vitamin nhóm B: Tuy không mang lại tác dụng dưỡng ẩm trực tiếp nhưng vitamin nhóm B lại duy trì sự hoạt động của tuyến bã nhờn, thành phần giúp làm mềm và duy trì độ bóng mướt của da. Do đó da của bạn sẽ bị khô nếu chế độ dinh dưỡng hằng ngày không cung cấp đủ lượng vitamin nhóm B cần thiết.
- Vitamin C: Vi chất này là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình tổng hợp collagen dưới da. Trong khi đó, sự đan xen của các sợi collagen lại tạo thành mạng lưới giúp giữ ẩm sâu ở tầng bì. Chính vì thế da của bạn sẽ bị khô nếu dung nạp lượng vitamin C ít hơn mức tối thiểu (75mg mỗi ngày).
- Vitamin E: Thành phần trên vừa tham gia trực tiếp vào quá trình dưỡng ẩm, vừa tạo ra lớp màng bảo vệ, giúp chống lại tác động gây hại của các gốc tự do. Vậy nên nếu bạn đang phân vân với câu hỏi: “Da khô thiếu chất gì?” thì việc không cung cấp đủ vitamin E cho cơ thể có thể là một trong những nguyên do đấy!
- Chất béo không bão hòa: Các chất béo như omega-3, omega-6,… cũng là những đại diện đóng vai trò tích cực trong việc duy trì độ ẩm cho da. Do đó nếu thiếu đi thành phần này thì hiện tượng khô da cũng có thể xuất hiện.
Tìm hiểu thêm: Những cách giảm nguy cơ ung thư mà bạn nên biết
Cách khắc phục khô da do thiếu chất
Để khắc phục tình trạng khô da do thiếu chất, cách hiệu quả nhất là bổ sung những thành phần giúp dưỡng ẩm cho da. Cụ thể như sau:
- Uống đủ nước: Mỗi ngày bạn cần dung nạp tối thiểu 1,5l nước để đảm bảo da luôn mềm mượt, căng mọng. Ngoài việc uống nước, bạn có thể ăn trái cây, ăn canh, uống sinh tố để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước trong ngày.
- Sử dụng viên uống tổng hợp: Trong trường hợp da khô do thiếu hụt vitamin, chất béo lành mạnh thì việc bổ sung các vi chất này qua viên uống tổng hợp cũng là một ý kiến hay, vừa tiện lợi, vừa đem đến hiệu quả cao. Tuy nhiên, bạn không nên uống một cách ngẫu hứng, tùy tiện mà cần thăm khám da liễu và sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Dinh dưỡng hợp lý: Mục đích của việc làm này là cấp bổ sung các vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc dưỡng ẩm cho da. Theo đó, nếu thiếu vitamin nhóm B, bạn nên ăn nhiều rau xanh, cá hồi, cây họ Đậu, ngũ cốc nguyên cám,… Thiếu vitamin C có thể tìm đến các loại trái cây tươi như cam, ổi, đu đủ,… Trong trường hợp khô da do thiếu vitamin E, hãy tăng cường sử dụng ngũ cốc, rau bina, dầu oliu, các loại hạt. Ngoài ra, việc thường xuyên ăn hạt mắc ca, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, cá hồi,… sẽ giúp bạn khắc phục nhanh tình trạng khô da do thiếu chất béo lành mạnh.
>>>>>Xem thêm: Có nên cho trẻ sơ sinh đi chơi buổi tối?
Da khô thiếu chất gì và cách khắc phục hiệu quả vấn đề trên đã được Nhà thuốc Long Châu làm rõ trong bài viết. Bây giờ thì bạn hãy lưu lại thông tin hữu ích này để áp dụng khi cần nhé!
Xem thêm:
- Da bị khô từng mảng: Nguyên nhân và giải pháp
- Tại sao da mặt khó trắng? Cách khắc phục nhanh và hiệu quả
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Da khôChăm sóc daLàm đẹp