Chụp nhũ ảnh: Phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú

Chụp nhũ ảnh: Phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú

Bạn đang đọc: Chụp nhũ ảnh: Phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú

Chụp nhũ ảnh (hay còn gọi là X-quang tuyến vú) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện và sàng lọc các vấn đề liên quan đến tuyến vú và bệnh ung thư vú.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư vú là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nữ giới. Chính vì thế, việc tầm soát ung thư vú là rất quan trọng. Hiện nay, chụp nhũ ảnh là một kỹ thuật được các bác sĩ khuyên dùng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến ung thư vú. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật này nhé!

Chụp nhũ ảnh là gì?

Chụp nhũ ảnh (hay còn gọi là X-quang tuyến vú) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện và sàng lọc các vấn đề liên quan đến tuyến vú và bệnh ung thư vú. Hiện nay, chụp nhũ ảnh được đánh giá là một trong các phương pháp hiệu quả, không xâm lấn giúp tầm soát ung thư vú từ giai đoạn sớm mà việc thăm khám thông thường không phát hiện được.

Theo báo cáo của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ung thư vú được xếp vào loại ung thư phổ biến ở nữ giới, đứng thứ 2 sau ung thư da. Tại Việt Nam, số ca tử vong vì ung thư vú chiếm khoảng 20% trong tổng số các ca tử vong vì ung thư. Vì thế, việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú là rất quan trọng.

chụp nhũ ảnh - phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú 2

Ung thư vú được xếp vào loại ung thư phổ biến ở nữ giới, đứng thứ 2 sau ung thư da

Chụp nhũ ảnh có tác dụng gì?

Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện những thay đổi ở vú ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng bất thường mà việc thăm khám thông thường như sờ, nắn,… không thể phát hiện được. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định chụp X-quang hoặc phóng to ở một số vị trí để có cái nhìn chi tiết hơn.

Bên cạnh đó, kỹ thuật này giúp phát hiện sớm các khối u ở vú, đặc biệt là khối u ác tính. Việc phát hiện khối u càng sớm thì cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao.

Tuy nhiên, phương pháp này không thể xác định khối u là u lành tính hay ác tính. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm khác như sinh thiết, siêu âm, chụp MRI,… để có thể đi đến kết luận chính xác nhất.

Đôi khi, hiện tượng xuất hiện kết quả âm tính giả cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp này chiếm tỷ lệ khá nhỏ, ít khi xảy ra. Nó có thể xuất hiện ở phụ nữ trẻ, chưa mãn kinh vì mô tuyến vú lúc này khá dày, có thể che lấp các dấu hiệu tổn thương.

Chụp nhũ ảnh - phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú 2

Chụp nhũ ảnh giúp phát hiện những thay đổi ở vú ngay cả khi chưa có triệu chứng bất thường

Những đối tượng nên thực hiện kỹ thuật chụp nhũ ảnh

Dưới đây là những đối tượng nên tiến hành chụp nhũ ảnh định kỳ:

  • Phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh ít nhất 1 – 2 lần mỗi năm để phát hiện sớm các vấn đề về ung thư vú khi bệnh chưa có triệu chứng.
  • Gia đình có người thân (mẹ, chị gái hoặc em gái) từng bị ung thư vú trước 50 tuổi hoặc gặp các vấn đề như vô sinh, kinh nguyệt xuất hiện sớm, mãn kinh muộn, không thể cho con bú như người bình thường,… nên chụp nhũ ảnh định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Phụ nữ có các triệu chứng bất thường như đau vú, chảy dịch ở núm vú, sờ thấy khối cứng trong vú, vị trí núm vú bất thường,… nên chụp nhũ ảnh ngay để được can thiệp sớm.

Tìm hiểu thêm: Sử dụng nước hoa hồng vào lúc nào thì đạt hiệu quả tối ưu cho làn da?

chụp nhũ ảnh - phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú 3
Phụ nữ có các triệu chứng bất thường nên chụp nhũ ảnh ngay để được can thiệp sớm

Quy trình thực hiện và cách đọc kết quả

Quy trình thực hiện kỹ thuật này được bao gồm các bước dưới đây:

  • Bước 1: Để bệnh nhân ngồi hoặc đứng trước máy chụp.
  • Bước 2: Đặt vú cần khám lên mặt phẳng của máy. Sau đó, hạ tấm piston để đè ép lên vú, đồng thời giúp cố định vú. Mục đích của bước này là giúp dàn mỏng vú để có thể quan sát tuyến vú dễ dàng hơn và tránh tác động của tia X tới vú. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy có chút khó chịu vì bị nén ép nhưng việc nén ép này hoàn toàn không gây ảnh hưởng cho vú.
  • Bước 3: Bác sĩ có thể tiến hành chụp ở một vài vị trí nhất định (chụp từ trên xuống dưới, chụp ngang từ ngoài vào trong, chụp chếch theo góc từ trên xuống dưới,…) hoặc chụp toàn bộ tuyến vú để có cái nhìn tổng quát hơn.

Sau khi chụp, thông qua các hình ảnh thu được từ máy, bác sĩ có thể nhận thấy các điểm bất thường như vôi hóa ở vú, u nang,… và tiến hành đánh giá theo thang điểm 5 như sau:

  • 0 điểm: Thông tin thu thập được chưa đủ để đưa ra kết luận.
  • 1 điểm: Không có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên kiểm tra định kỳ.
  • 2 điểm: Có u nang lành tính trong vú, bệnh nhân cần phải kiểm tra định kỳ.
  • 3 điểm: Có dấu hiệu bất thường nhưng chưa thể kết luận chính xác là ung thư vú. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện kỹ thuật nhũ ảnh trong 6 tháng tiếp theo.
  • 4 điểm: Có dấu hiệu của ung thư vú, cần thực hiện sinh thiết để kết luận chính xác.
  • 5 điểm: Có nguy cơ cao là ung thư vú, cần thực hiện sinh thiết để đi đến kết luận chính xác.

chụp nhũ ảnh - phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú 4

Thông qua các hình ảnh thu được từ máy, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá theo thang điểm 5

Một số lưu ý khi thực hiện chụp nhũ ảnh

Để đảm bảo an toàn và thu được hình ảnh tốt nhất để chẩn đoán bệnh, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây:

  • Để tầm soát ung thư vú, bạn nên thực hiện kỹ thuật này sau khi kết thúc kinh nguyệt khoảng 1 tuần. Bởi vì lúc này nồng độ estrogen đã giảm đi so với lúc hành kinh, do đó, độ căng của vú cũng sẽ giảm đi.
  • Để chẩn đoán ung thư vú, bạn nên tiến hành kỹ thuật này trong giai đoạn có kinh.
  • Không nên sử dụng kem, phấn ở vùng ngực vì có thể dẫn đến hình ảnh không được chính xác.
  • Nếu bạn đã từng phẫu thuật để đặt túi ngực hoặc nâng ngực thì nên thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện chụp nhũ ảnh.
  • Nếu bạn đang mang thai thì nên nói với bác sĩ trước khi thực hiện để tránh làm ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một phương pháp kiểm tra khác (như siêu âm,…) hoặc đặt một tấm chì trước bụng để hạn chế ảnh hưởng của tia X đến thai nhi.
  • Khi tiến hành thực hiện chụp nhũ ảnh, bạn nên thả lỏng cơ thể để giúp hình ảnh có độ chính xác cao. Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì bị nén ép, hãy hít một hơi thật sâu để cơ thể của bạn không bị quá căng cứng. Trong trường hợp bạn cảm thấy đau đớn quá mức, hãy nói với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để được điều chỉnh.

chụp nhũ ảnh - phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư vú 5

>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về chấn thương tai do âm thanh

Chụp nhũ ảnh là một trong các phương pháp hiệu quả giúp tầm soát ung thư vú

Tóm lại, chụp nhũ ảnh là một kỹ thuật tiên tiến, giúp tầm soát, chẩn đoán các dấu hiệu của ung thư vú. Vì thế, bạn nên định kỳ đi kiểm tra để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời. Hy vọng những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu cung cấp ở trên sẽ có ích cho bạn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Chủ đề:chụp x quangKiểm tra sức khỏeThông tin sức khỏe

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *