Ung thư phổi là tình trạng khi khối u ác tính xuất hiện và phát triển từ tổ chức biểu mô phế quản. Ung thư phổi được phân loại thành hai nhóm là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có di căn xa nên thời gian sống còn thường sẽ không khả quan. Vậy chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích là như thế nào?
Bạn đang đọc: Chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích là như thế nào?
Ngoài phương pháp điều trị chính là hóa trị, chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích là bước ngoặt mới và thường được đề cập đến trong thời gian gần đây. Liệu pháp này được ghi nhận có khả năng cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống của người bệnh. Vậy phác đồ điều trị trúng đích đối với ung thư phổi là gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu chung về ung thư phổi
Trước khi đến với liệu pháp chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích, chúng ta cùng tìm hiểu khái quát về một số đặc điểm của bệnh lý này.
Ung thư phổi là loại ung thư khởi phát từ phổi hay còn được hiểu là sự hình thành của khối u ác tính trong phổi. Ung thư phổi tiến triển nhanh làm cho kích cỡ khối u ngày càng lớn và dẫn đến xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh.
Ung thư phổi có hai loại phổ biến bao gồm:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (tế bào ung thư ở biểu mô nhỏ hơn tế bào phổi bình thường): Thường xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn. Khoảng 15 – 20% trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán là loại này và mức độ tiến triển của khối u có xu hướng lan rộng khá sớm.
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Khoảng 80 – 85% người mắc ung thư phổi thuộc vào nhóm này, bao gồm ba loại chính là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, ước tính có 238.340 ca ung thư phổi mới và 127.070 người tử vong vì ung thư phổi trong năm 2023, chiếm khoảng 20% tổng số ca tử vong do ung thư. Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là hút thuốc lá, chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 80%.
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư phổi là gì?
Thế nào là liệu pháp trúng đích?
Chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích được dựa theo bản chất sự xuất hiện của đột biến liên quan đến các gen chịu trách nhiệm kiểm soát tăng trưởng tế bào (oncogenes). Trong đó, EGFR (epidermal growth factor receptor – thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là một loại protein của tế bào giúp chúng phát triển, khi xảy ra đột biến gen EGFR có thể khiến tế bào phát triển quá mức và gây ung thư. Đây là loại đột biến gen thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi, đặc biệt là trên người Châu Á. Đối với ung thư phổi, đột biến EGFR là đích nhắm điều trị đầu tiên được chấp thuận và hiện vẫn tiếp tục được nghiên cứu đến ngày nay.
Chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích (còn được gọi là liệu pháp sinh học) là sử dụng các loại thuốc được thiết kế để tác động vào các phân tử đặc hiệu và cần thiết cho quá trình phát triển của khối u, từ đó làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến triển. Những phân tử đích được nhắm đến để tiêu diệt có thể là các oncogenes, những protein được tạo ra bởi các oncogenes và thụ thể nằm trên hoặc trong màng tế bào ung thư.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ thêm là liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ phù hợp với những người có một số protein nhất định trong tế bào ung thư. Vì thế, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm dựa trên mẫu tế bào được lấy ra khỏi phổi của người bệnh (sinh thiết) để xem xét liệu các phương pháp điều trị này có phù hợp hay không.
Lợi ích chính của chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích là có thể tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả và giảm thiểu ảnh hưởng tới các tế bào lành khác, từ đó hạn chế được các tác dụng phụ so với liệu pháp hoá trị.
Phân loại liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư phổi
Những thuốc được dùng trong chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích được chia thành hai nhóm sau đây.
Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies): Là liệu pháp điều trị tác động trúng đích đến các thụ thể nằm ở phần ngoài màng tế bào. Thuốc kháng thể đơn dòng hiện nay khá phổ biến trong điều trị ung thư và có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị. Một số thuốc thuộc nhóm kháng thể đơn dòng gồm:
- Bevacizumab: Là kháng thể đơn dòng gắn vào yếu tố giúp tăng trưởng nội mạc mạch máu, làm ngăn cản sự hoạt hóa các thụ thể và giảm tăng sinh mạch máu đến nuôi dưỡng khối u.
- Ramucirumab: Được chỉ định cho điều trị bước đầu tiên ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, có đột biến EGFR.
- Cetuximab: Là kháng thể đơn dòng gắn vào EGFR, tuy nhiên do độc tính cao làm giảm bạch cầu nên không được khuyến cáo rộng rãi.
Tìm hiểu thêm: Tham khảo các cách điều trị vảy nến da đầu bằng lá trầu không
Thuốc trọng lượng phân tử nhỏ (small molecule medicines): Tác động vào thụ thể ở bên trong tế bào. Chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích bằng nhóm thuốc trọng lượng phân tử nhỏ hiện nay cũng chủ yếu có đích nhắm vào những đột biến gen EGFR với 3 thế hệ đang được sử dụng:
- Thế hệ 1 gồm Erlotinib và Gefitinib;
- Thế hệ 2 gồm Afatinib và Dacomitinib;
- Thế hệ 3 gồm Osimertinib.
Việc phối hợp một thuốc kháng thể đơn dòng và một thuốc có trọng lượng phân tử nhỏ cũng đem lại hiệu quả cao trên một số nhóm bệnh nhân cụ thể.
Những phương pháp chữa trị ung thư phổi khác
Ngoài phương pháp chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích, ung thư phổi có những phương pháp điều trị sau đây:
Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị triệt để thông qua cắt bỏ phần thùy phổi chứa khối u. Có 3 loại phẫu thuật ung thư phổi chính:
- Cắt bỏ thùy: Cắt bỏ một trong những phần lớn của phổi (hay còn gọi là thùy), được chỉ định nếu ung thư chỉ ở một phần của một lá phổi.
- Cắt phổi: Toàn bộ lá phổi được cắt bỏ, phương pháp này được thực hiện khi ung thư nằm ở giữa phổi hoặc đã lan rộng khắp phổi.
- Cắt bỏ nêm hoặc cắt đoạn: Một mảnh nhỏ của phổi được cắt bỏ, phương pháp này chỉ phù hợp với một số ít bệnh nhân khi khối u nhỏ và giới hạn ở một vùng phổi.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng chùm tia phóng xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư và loại bỏ khối u. Liệu pháp này cũng được ứng dụng trong trường hợp cần thu nhỏ kích thước khối u để giảm các triệu chứng liên quan đến tình trạng chèn ép như đau, chảy máu.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị bằng những thuốc tiêu diệt tế bào ung thư và đa số bệnh nhân sẽ được truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Hóa trị trong ung thư phổi có thể là phương pháp điều trị chính hoặc có thể được sử dụng cùng với phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và thuốc chống tạo mạch (thuốc giảm lưu lượng máu đến tế bào ung thư để ngăn chúng phát triển).
Cụ thể, đôi khi hóa trị ung thư phổi được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, tăng khả năng phẫu thuật thành công. Hóa trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư còn sót lại, hoặc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư khi không thể chữa khỏi.
>>>>>Xem thêm: Minivis niềng răng là gì? Công dụng của minivis niềng răng
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là sử dụng nhóm thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để nhắm mục tiêu vào việc tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị. Một số loại thuốc trị liệu miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư phổi là pembrolizumab và atezolizumab.
Chăm sóc giảm nhẹ
Người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ trong quá trình điều trị nên một số biện pháp chăm sóc giảm nhẹ như hỗ trợ giảm đau, giảm căng thẳng cũng được khuyến khích thực hiện. Những biện pháp hỗ trợ chăm sóc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách tốt nhất có thể.
Trên đây là những thông tin liên quan đến phương pháp điều trị ung thư phổi, trong đó chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích được coi là liệu pháp tiềm năng đang trở nên phổ biến. Hy vọng bài viết vừa rối có thể mang đến những kiến thức mới và hữu ích cho bạn đọc.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Ung thư phổiBệnh ung thưThông tin sức khỏeChăm sóc sức khỏe