Hẹp van động mạch phổi là một bệnh lý tim bẩm sinh. Bệnh sẽ diễn tiến nghiêm trọng và dẫn đến suy tim phải nếu không được điều trị sớm. Trong điều trị hẹp van động mạch phổi, nong van động mạch phổi là phương pháp điều trị có tỷ lệ thành công tương đối cao nhằm giúp cải thiện tình trạng bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ biến chứng không mong muốn.
Bạn đang đọc: Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp nong van động mạch phổi
Nong van động mạch phổi là một kỹ thuật y khoa được chỉ định thực hiện trong điều trị bệnh hẹp van động mạch phổi. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao và giảm nguy cơ tai biến không mong muốn. Vậy chỉ định và chống chỉ định của nong van động mạch phổi là gì?
Nong van động mạch phổi là gì?
Van động mạch phổi là một vách ngăn giữa động mạch phổi và tâm thất phải. Hẹp van động mạch phổi xảy ra khi van này không thể mở hết hoàn toàn và khiến cho lưu lượng máu đến phổi bị giảm. Đồng thời, tâm thất phải bơm máu đi khó khăn hơn nên buộc phải bơm mạnh hơn nhằm đưa máu lên phổi và hệ quả là tâm thất phải dày lên theo thời gian.
Triệu chứng hẹp van động mạch phổi gồm có đau tức ngực, đánh trống ngực, hụt hơi, chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu… Khi người bệnh hoạt động gắng sức thì các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Nong van động mạch phổi được biết đến là một kỹ thuật được chỉ định trong điều trị tình trạng hẹp van động mạch phổi ở mức độ từ vừa đến nặng.
Nong van động mạch phổi là phương pháp được lựa chọn đầu tiên đối với bệnh nhân bị hẹp van động mạch phổi đơn độc. Kỹ thuật này mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân và giúp giảm đến 75% chênh áp qua van. Đồng thời cũng giúp người bệnh có thể phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý này như suy tim phải, nhiễm trùng trong tim, rối loạn nhịp tim…
Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp nong van động mạch phổi
Chỉ định và chống chỉ định của nong van động mạch phổi như sau:
Chỉ định
Nong van động mạch phổi được chỉ định trong trường hợp như sau:
Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị hẹp khít van động mạch phổi có tuần hoàn phổi phụ thuộc hệ thống (chênh áp thấp do suy thất phải hoặc/và chưa giảm áp lực động mạch phổi), thiểu sản thất phải và luồng thông phải – trái cần được điều trị cấp cứu.
Nong van ở trẻ nhỏ và người lớn
Những trường hợp trẻ nhỏ và người lớn bị hẹp van động mạch phổi cần được chỉ định nong van động mạch phổi, bao gồm:
- Chênh áp tâm thu hiển thị trên siêu âm tim > 64mmHg (tương đương > 30 – 40mmHg đo bằng thông tim).
- Chênh áp tâm thu hiển thị trên siêu âm tim 80mmHg, chức năng của tâm thất phải giảm hoặc hở van 3 lá tiến triển tối thiểu ở mức độ trung bình, luồng thông phải – trái qua thông liên thất hoặc thông liên nhĩ.
Chống chỉ định
Không phải tất cả các trường hợp bị hẹp van động mạch phổi đều có chỉ định thực hiện nong van động mạch phổi. Dưới đây là một số trường hợp chống chỉ định, gồm có:
- Hẹp van động mạch phổi mức độ nhẹ và chưa có triệu chứng.
- Hẹp van động mạch phổi có kèm theo các tổn thương phức tạp khác cần được điều trị phẫu thuật như hẹp vòng van, hẹp kèm thông liên thất, hẹp kèm theo đường ra, tứ chứng Fallot…
- Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng nặng và gặp các rối loạn về đông máu.
- Van động mạch phổi đã bị xơ hoá hoặc vôi hoá nhiều.
Các bước tiến hành phẫu thuật nong van động mạch phổi
Hầu hết các trường hợp bị hẹp van động mạch phổi mức độ vừa và nặng đều được điều trị bằng phương pháp nong van. Các bước tiến hành nong van động mạch chủ gồm có:
- Đầu tiên, bệnh nhân được sát trùng da trên diện rộng ở khu vực tạo đường đi vào mạch máu.
- Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống thông có đầu gắn bóng và di chuyển đến tim dưới sự hỗ trợ của dây dẫn.
- Có sự hỗ trợ từ tia X đặc biệt nhằm xác định đường đi trong quá trình di chuyển ống thông và dây dẫn.
- Khi đầu của ống thông được đưa đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, bóng sẽ được mở bung ra để làm cho van động mạch phổi được mở rộng hơn.
- Sau đó, phần bóng sẽ được làm xẹp vào ống thông và được lấy ra theo ống thông.
- Cuối cùng, bác sẽ tiến hành khâu lại vị trí đường đi vào tình mạch để cầm máu.
Chăm sóc bệnh nhân sau khi nong van động mạch phổi
Người bệnh sau phẫu thuật nong động mạch phổi sẽ được theo dõi về khả năng phục hồi cũng như phát hiện kịp thời các biến chứng, cụ thể là:
- Bệnh nhân cần được nằm nghỉ ngơi tại phòng hậu phẫu và nằm ngừa từ 4 – 6 giờ sau khi được nong van động mạch phổi. Đồng thời, chân bên thực hiện thủ thuật cần phải bất động và giữ yên tối đa 24 giờ sau phẫu thuật.
- Người bệnh có thể ăn uống sau phẫu thuật khoảng 4 giờ hoặc khi đã tỉnh táo hoàn toàn.
- Chế độ ăn uống của bệnh nhân cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tiêu hoá dễ dàng. Người chăm sóc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh sau phẫu thuật.
- Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được kiểm tra tại vị trí đường vào tình mạch và động mạch thường xuyên, siêu âm tim, đo huyết áp để kịp thời phát hiện ra các vấn đề bất thường, xử trí kịp thời.
- Thông thường, người bệnh có thể được cho xuất viện sau phẫu thuật 1 ngày nếu không xảy ra bất kỳ bất thường nào khác và khả năng phục hồi tốt.
- Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều, vận động, đi lại nhẹ nhàng, tránh áp lực và căng thẳng.
- Người bệnh cần đi khám lại định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tìm hiểu thêm: Ung thư biểu mô nhú của tuyến giáp là gì? Có thể chữa trị được không?
Những tai biến có thể xảy ra và hướng xử trí sau phẫu thuật
Mặc dù nong van động mạch phổi có tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn tồn tại một số nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Chính vì thế, bạn cần lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật can thiệp và có hướng xử trí thích hợp. Một số tai biến có thể gặp như:
- Rối loạn nhịp tim: Tình trạng này thường thoáng qua và không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc, sốc điện tim…
- Chảy máu: Xử trí bằng băng ép cầm máu.
- Huyết khối mạch máu đùi: Chỉ định cho người bệnh dùng thuốc chống đông máu.
- Hở van động mạch phổi sau phẫu thuật nong van: Bệnh nhân cần được theo dõi và có thể can thiệp ngoại khoa nếu cần thiết.
- Tràn máu màng tim do vỡ đường ra thất phải: Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu nhanh chóng.
- Co thắt đường ra thất phải gây thiếu oxy và tụt huyết áp: Chỉ định truyền dịch và sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm cho bệnh nhân.
- Một số tai biến khác như hở van 3 lá do đứt dây chằng cần được theo dõi.
>>>>>Xem thêm: Có nên cắt amidan bằng Plasma?
Tóm lại, nong van động mạch phổi là một phương pháp được áp dụng trong điều trị động mạch phổi đơn thuần vừa an toàn vừa hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, sở hữu đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa tim mạch giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho quá trình phẫu thuật diễn ra thành công.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm