Bệnh động kinh gây ra các cơn co giật, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như công việc của người bệnh. Một loạt rối loạn tâm thần xảy ra từ biến chứng động kinh và căn bệnh này cũng chiếm khoảng 0,5% về gánh nặng bệnh tật trên thế giới.
Bạn đang đọc: Các biến chứng động kinh là gì? Mối liên hệ giữa rối loạn tâm thần và động kinh
Người bệnh bị động kinh thường bị mất ý thức, không kiểm soát được hành vi, co giật… khi xảy ra cơ động kinh. Ngoài ra, biến chứng động kinh còn gây ra hàng loạt các rối loạn tâm thần, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh động kinh là gì?
Nguyên nhân gây ra bệnh động kinh
Nguyên nhân gây ra bệnh động kinh khá đa dạng, có thể là do các yếu tố về gen, cấu trúc thần kinh, chuyển hóa hoặc các yếu tố gây bệnh chưa được biết đến. Trong các yếu tố về cấu trúc thì tình trạng nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là bệnh lý nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương), chấn thương đầu, tổn thương não chu sinh là những nguyên nhân thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, đồng thời đây cũng là những nguyên nhân có thể phòng tránh được.
Bệnh động kinh được chia thành hai loại là động kinh thứ phát và động kinh nguyên phát. Mỗi loại động kinh lại được được đặc trưng bởi những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, cụ thể là:
Đặc điểm của động kinh nguyên phát gồm có:
- Cơn co giật được khởi phát từ nhỏ hoặc ở lứa tuổi thanh thiếu niên;
- Do gen di truyền;
- Đáp ứng tốt với các hóa trị liệu;
- Tiên lượng tốt;
- Không có tổn thương ở não bộ.
Đặc điểm của động kinh thứ phát gồm có:
- Cơn động kinh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào;
- Nhiều nguyên nhân gây ra;
- Không chắc chắn về đáp ứng với hóa trị liệu;
- Tiên lượng thay đổi;
- Thường có tổn thương ở não bộ.
Các biến chứng động kinh
Biến chứng động kinh gây ra các rối loạn tâm thần, bao gồm:
Trầm cảm
Đặc điểm điển hình của trầm cảm là rối loạn khí sắc. Đây là một căn bệnh tâm lý thường gặp nhất ở những bệnh nhân bị động kinh.
Theo kết quả của một nghiên cứu khoa học được thực hiện trên 203 bệnh nhân động kinh thì có đến 49,5% trong số đó mắc phải bệnh trầm cảm. Việc xác định sớm và điều trị trầm cảm kịp thời ở bệnh nhân bị chứng động kinh ngày càng được nhìn nhận là một lĩnh vực cần nhận được sự quan tâm của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của người bệnh.
Lo âu
Theo kết quả thống kê cho thấy, có khoảng từ 11 – 15% bệnh nhân động kinh gặp phải chứng rối loạn lo âu trong suốt cuộc đời còn lại. Tình trạng rối loạn lo âu thường phổ biến hơn ở những bệnh nhân động kinh kháng trị.
Tuy nhiên, chứng trầm cảm và rối loạn lo âu cũng không hề thấp hơn ở bệnh nhân động kinh kháng trị đã phẫu thuật.
Loạn thần
Những đối tượng mắc phải bệnh động kinh thường có biểu hiện loạn thần, đặc biệt ở thể động kinh cục bộ phức tạp. Các dấu hiệu của chứng loạn thần ở bệnh nhân bị động kinh có thể xuất hiện trong cơn co giật (như cơn động kinh cục bộ phức tạp), sau cơn co giật hoặc giữa các cơn mạn tính. Cụ thể như sau:
- Loạn thần sau cơn: Biểu hiện loạn thần có thể xuất hiện ngay sau khi xảy ra một hoặc nhiều cơn co giật (hầu hết là sau cơn động kinh toàn thể hóa thứ phát hoặc cơn cục bộ phức tạp), diễn ra trong vòng một tuần của cơn co giật cuối cùng.
- Loạn thần cấp tính ngoài cơn: Dấu hiệu loạn thần có thể xuất hiện khi cơn co giật đang có xu hướng giảm đáng về tần suất hoặc khi các cơn co giật diễn ra không liên quan đến sự tăng lên của hoạt động động kinh.
- Loạn thần động kinh mạn tính: Đây là trạng thái loạn thần thường kéo dài trên 6 tháng ở bệnh nhân bị động kinh.
Ngoài ra, cần lưu ý đến một số loại thuốc chống động kinh có thể gây ra các triệu chứng loạn thần.
Rối loạn tăng động làm giảm chú ý
Rối loạn tăng động làm giảm chú ý do biến chứng động kinh là một bệnh lý đồng diễn khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 30 – 50%. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, làm việc cũng như giao tiếp của bệnh nhân.
Việc sử dụng thuốc có tác dụng chống rối loạn tăng động giảm chú ý ở người bệnh động kinh có thể làm trầm trọng thêm các biến chứng động kinh. Cụ thể, loại thuốc chống tăng động giảm chú ý có nguy cơ làm tăng ngưỡng động kinh dẫn đến tăng số lượng cơn co giật.
Tìm hiểu thêm: Điểm danh các loại dị ứng thức ăn và cách phòng ngừa
Mối liên hệ giữa rối loạn tâm thần và động kinh
Thông thường, các rối loạn tâm thần như lo lắng, trầm cảm, tăng động, tự kỷ và tăng động giảm chú ý được xem là các biến chứng động kinh (cơn co giật). Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, không chỉ những bệnh nhân có nguy cơ mắc phải bệnh lý về tâm thần mà những bệnh nhân mắc các bệnh lý về cảm xúc, tự kỷ, tăng động giảm chú ý cũng có nguy cơ cao mắc bệnh động kinh. Điều này cũng phần nào chứng minh được rằng bệnh động kinh và các bệnh lý tâm thần khác đều là kết quả của sự bất thường ở cấu trúc não bộ.
Việc điều trị bệnh động kinh cũng chịu ảnh hưởng bởi sự tồn tại của các bệnh lý tâm thần khác đi kèm. Theo những nghiên cứu dịch tễ cho thấy, các bệnh lý tâm thần thường phổ biến hơn ở bệnh nhân động kinh so với dân số chung.
Sự có mặt của các bệnh lý đi kèm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị bệnh động kinh, đặc biệt là tác dụng phụ của thuốc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một nghiên cứu đã cho thấy, ⅓ số bệnh nhân bị động kinh có kèm theo chứng trầm cảm hoặc lo âu, ¼ bệnh nhân có ý tưởng tự sát và ½ bệnh nhân có vấn đề về nhận thức và sự chú ý.
Mối liên hệ giữa rối loạn tâm thần và động kinh có ý nghĩa như sau:
- Các cơn co giật lặp lại sẽ làm tăng nguy cớ đối với những rối loạn tâm thần.
- Các rối loạn tâm thần làm tăng nguy cơ xảy ra động kinh.
- Các rối loạn tâm thần trẻ em và động kinh xảy ra đều do sự bất thường của não bộ.
Theo đó, người bệnh có tiền sử trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ động kinh từ 4 – 7 lần, trong khi đó sự hiện diện của chứng động kinh sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển trầm cảm từ 5 – 25 lần. Điều này thể hiện mối liên hệ hai chiều của các rối loạn tâm thần và động kinh. Ngoài ra, các bệnh lý tâm thần khác như bệnh tăng động giảm chú ý cũng làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh động kinh gấp 3,7 lần.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Ăn gì để chữa teo cơ?
Tóm lại, các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, tự kỷ, tăng động giảm chú ý hay loạn thần đều có thể là biến chứng động kinh. Ngược lại, các rối loạn tâm thần này cũng làm tăng nguy cơ của động kinh. Chính vì thế, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm