Vảy nến là một bệnh lý da liễu mãn tính, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng vảy nến có thể tái phát lại nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề thẩm mỹ và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Vậy bệnh vảy nến có trị được không?
Bạn đang đọc: Bệnh vảy nến có trị được không?
Để có thể hiểu thêm về bệnh vảy nến và tìm ra đáp án cho câu hỏi bệnh vảy nến có trị được không, bạn đọc hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin bổ ích về bệnh vảy nến thông qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về bệnh vảy nến
Trước khi tìm hiểu về bệnh vảy nến có trị được không, bạn cần nắm rõ những thông tin chung về căn bệnh mãn tính này.
Bệnh vảy nến là bệnh ngoài da có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đặc điểm bệnh được biểu hiện là vùng da tổn thương bị đỏ, ngứa, có vảy và những tổn thương này hay xuất hiện phổ biến ở các vị trí như đầu gối, khuỷu tay và da đầu.
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý vảy nến bao gồm: Người trong độ tuổi từ 15 đến 30, người bị các vấn đề về nhiễm trùng da, người nghiện rượu, hút thuốc lá, người bị căng thẳng quá độ hay những người sau chấn thương, phẫu thuật,…
Các triệu chứng điển hình trên những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến có thể kể đến như:
- Tổn thương ở da: Da bị ửng đỏ được che phủ bởi lớp vảy trắng, da dễ bị khô ráp và ngứa ngáy.
- Biểu hiện trên móng: Móng tay, móng chân thường có lớp sừng dày và có tình trạng bong móng, mặt móng có thể xuất hiện vân ngang hay các vết chấm lõm.
- Ở niêm mạc: Thường gặp nhất là vảy nến niêm mạc quy đầu (vùng da tổn thương sẽ có màu hồng, không hoặc ít đóng vảy và không bị thâm nhiễm). Ngoài ra, tình trạng vảy nến còn có thể xuất hiện ở một số vùng như lưỡi và mắt.
- Triệu chứng ở khớp: Sưng, đau khớp,… Nếu không được điều trị, diễn tiến bệnh ngày càng nghiêm trọng sẽ dẫn đến vấn đề đầu xương bị mất vôi hoặc tình trạng sụn bị hủy có kèm dính khớp, tổn thương xương.
Bệnh vảy nến có trị được không?
Vảy nến là bệnh da liễu có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Tùy thuộc vào một số yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch như tình trạng stress, mệt mỏi kéo dài,… mà người bệnh có thể bị tái phát bệnh nhiều lần.
Mặc dù hiện tại, chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể chữa trị dứt điểm bệnh vảy nến nhưng với những kinh nghiệm điều trị sẵn có, bác sĩ sẽ giúp cho bệnh nhân kiểm soát được tình trạng bệnh và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do vảy nến gây ra.
Các yếu tố về thể bệnh, vị trí tổn thương, tuổi tác của người bệnh,… nên được cân nhắc trước khi đưa ra phương pháp điều trị. Thông thường quá trình điều trị bệnh vảy nến diễn ra trong 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn tấn công: Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc bôi có chứa corticosteroid, acid salicylic, Calcipotriol, Tazarotene,… để bôi da trong trường hợp mắc vảy nến nhẹ và trung bình. Ngoài ra, nếu diễn tiến bệnh nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng liệu pháp toàn thân nhằm cải thiện nhanh triệu chứng và nâng cao hiệu quả điều trị.
- Giai đoạn duy trì: Với phương pháp điều trị chủ yếu là giáo dục sức khỏe kết hợp với phương pháp điều trị thông thường, mục tiêu mà giai đoạn này hướng đến nhằm ngăn chặn sự tái phát bệnh vảy nến.
Tìm hiểu thêm: Quả keo: Thành phần, lợi ích và các lưu ý khi sử dụng
Vậy bệnh vảy nến có trị được không? Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để chữa vảy nến khỏi hoàn toàn, nhưng chỉ có thể làm thuyên giảm triệu chứng và kéo dài thời gian khởi phát chu kỳ mới. Bệnh vảy nến khởi phát do nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa là do hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn gây ra tình trạng tự miễn dịch. Mặt khác, tế bào biểu bì da rất mỏng manh, do vậy dễ bị tổn thương, viêm nhiễm.
Một số cách phòng ngừa bệnh vảy nến tại nhà
Nhằm hạn chế tình trạng vảy nến trầm trọng hơn, bệnh nhân nên kết hợp sự tư vấn của bác sĩ cùng với một thói quen sống lành mạnh. Một số cách giúp phòng ngừa bệnh tái phát và kiểm soát triệu chứng tại nhà mà bạn có thể dễ dàng thực hiện, đó là:
- Vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị tổn thương do vảy nến. Ưu tiên lựa chọn những thành phần từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu,… để thoa lên da vào bất cứ khi nào da bị khô hoặc thoa ngay sau khi tắm.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Hạn chế sử dụng các đồ uống kích thích, không hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Kiểm soát tốt trạng thái tinh thần, giảm tình trạng lo lắng quá mức. Bởi nếu không giữ được trạng thái tâm lý tốt sẽ khiến bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn và gây khó khăn cho việc điều trị.
- Tắm nắng giúp loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng trên da nhờ tia cực tím, làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào da, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh vảy nến. Bạn nên tắm nắng vào khoảng thời gian trước 8 giờ sáng. Sau khoảng thời gian này tia cực tím và tia hồng ngoại hoạt động mạnh nhất nên có thể làm tổn thương da.
- Không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, nếu có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm nào liên quan đến da xuất hiện, người bệnh cần đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
>>>>>Xem thêm: Nên xịt khoáng trước hay sau trang điểm để giữ lớp makeup lâu trôi?
Bệnh vảy nến là một bệnh lý có thể chữa trị được nhưng hiện chưa có cách để trị dứt điểm mà chỉ có thể cải thiện các triệu chứng mà bệnh mang lại. Đây cũng chính là câu trả lời cho vấn đề bệnh vảy nến có trị được không. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của y học, tin rằng trong tương lai sẽ tìm ra được phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh da liễu này. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng và hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để nhận được cách lời khuyên cũng như cách để chăm sóc da hiệu quả khi gặp phải bệnh vảy nến nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm