Tiêm vắc xin phòng bại liệt là cách tốt nhất để chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số ít trẻ sau khi tiêm vắc xin gặp phải một số triệu chứng phụ. Vậy những triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt trẻ có thể gặp phải là gì?
Bạn đang đọc: Triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt? Những triệu chứng nào nguy hiểm ba mẹ cần lưu ý sau khi tiêm?
Sau khi tiêm vắc xin, tuỳ vào tình trạng sức khỏe mà trẻ có thể gặp phải các triệu chứng phụ với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trước khi tìm hiểu các triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một số thông tin cơ bản về loại vắc xin này bạn nhé.
Tổng quan về vắc xin phòng bại liệt
Một trong những phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh bại liệt cũng như các biến chứng nguy hiểm gây ra bởi căn bệnh này đó là tiêm phòng vắc xin bại liệt.
Giống như các loại vắc xin phòng bệnh khác, vắc xin bại liệt có chứa một lượng nhỏ virus bại liệt đã bị làm suy yếu hoặc đã chết. Sau khi tiêm, loại vắc xin này sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus bại liệt.
Vắc xin bại liệt được bào chế dưới 2 dạng đó là dạng uống và dạng tiêm. Trong đó:
- Vắc xin bại liệt dạng uống, viết tắt là OPV được xếp vào nhóm vắc xin giảm động lực bởi dạng vắc xin này được sản xuất từ các con virus bại liệt bị suy yếu, không còn khả năng gây bệnh.
- Vắc xin bại liệt dạng tiêm thuộc nhóm vắc xin bất hoạt, được sản xuất từ các con virus bại liệt đã chết.
Ngoài việc tiêm lẻ mũi vắc xin bại liệt, cha mẹ có thể lựa chọn cho trẻ tiêm mũi kết hợp có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bại liệt như:
- Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa/Hexaxim chứa 6 thành phần kháng nguyên khác nhau giúp phòng ngừa 6 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib.
- Vắc xin 5in1 Pentaxim là vắc xin phối hợp 5 trong 1 giúp phòng ngừa các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib.
- Vắc xin 4in1 Tetraxim chứa 4 thành phần kháng nguyên giúp ngăn ngừa 4 bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu và bại liệt.
Tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin bại liệt đối với trẻ em
Các chuyên gia cho biết: Chủ động tiêm phòng vắc xin bại liệt là cách phòng bệnh bại liệt đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất.Khi tiêm vắc xin phòng bại liệt, vắc xin sẽ đi vào cơ thể kích thích các kháng thể tự nhiên đối với virus Polio – virus gây bệnh bại liệt. Nhờ vậy mà trẻ sẽ có kháng thể trong cơ thể và các kháng thể này giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh bại liệt.
Việc tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin bại liệt theo đúng khuyến nghị không chỉ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh mà còn hạn chế sự lây lan của virus bại liệt trong cộng đồng. Các thống kê kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt đã tạo ra miễn dịch trên 95% số người được tiêm.
Có thể thấy rằng, sự ra đời của vắc xin bại liệt không chỉ giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ mắc bệnh mà còn giúp bé được bảo vệ toàn diện và phát triển khỏe mạnh từ đó mang lại sự an tâm cho cha mẹ.
Triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt
Cũng giống như các loại vắc xin phòng bệnh khác, sau tiêm vắc xin bại liệt, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng phụ. Việc sau tiêm trẻ có gặp phải các phản ứng phụ không còn phụ thuộc vào từng trường hợp và phản ứng cơ thể của trẻ đối với vắc xin.
Do đó các chuyên gia y tế khuyến cáo sau khi trẻ tiêm vắc xin cha mẹ nên theo dõi trẻ tại nhà tối thiểu từ 24 đến 48 giờ đầu. Vậy những triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt trẻ có thể gặp phải là gì?
Các triệu chứng trẻ thường gặp sau khi tiêm bại liệt
Một số triệu chứng thường gặp sau tiêm vắc xin bại liệt có thể kể đến như:
- Sốt nhẹ: Đây là triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt thường gặp nhất. Trẻ có thể bị sốt nhẹ trong quá trình đáp ứng miễn dịch từ vắc xin. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tự thuyên giảm và biến mất sau vài ngày. Chính vì thế, cha mẹ không cần quá lo lắng.
- Đau tay hoặc đau chân: Đây cũng là một triệu chứng khá phổ biến sau mà trẻ có thể gặp phải sau tiêm vắc xin. Triệu chứng này chỉ kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày mà không cần đến sự can thiệp điều trị đặc biệt. Cha mẹ có thể xoa bóp, massage tay chân cho bé sau tiêm để bé dễ chịu cũng như giảm cảm giác tê nhức chân tay sau tiêm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám.
- Sưng hoặc đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, trẻ có thể có một số biểu hiện khác như mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn, thậm chí là bỏ bú…
Trên thực tế, các phản ứng phụ này thường ở mức độ nhẹ và có thể tự thuyên giảm và biến mất sau vài ngày.
Tìm hiểu thêm: Rách cùng đồ âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Các triệu chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp phải sau tiêm
Trong một số trường hợp, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của trẻ. Việc phát hiện sớm các triệu chứng nguy hiểm này sẽ giúp ngăn ngừa các rủi ro sức khỏe cho trẻ.
Để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng hoặc nguy hiểm mà trẻ đang gặp phải, cha mẹ cần chú ý theo dõi toàn trạng tình thần của trẻ, đánh giá trẻ có tỉnh táo hay li bì, trẻ có quấy khóc nhiều không, tình trạng ăn ngủ, trẻ có sốt không, dấu hiệu trên da hoặc có sưng đỏ tại vị trí tiêm không, trẻ có khó thở không, có rối loạn tiêu hoá không…
Dưới đây là một số triệu chứng nguy hiểm trẻ có thể gặp phải sau tiêm phòng vắc xin bại liệt, cha mẹ có thể tham khảo:
- Sưng phù tại vị trí tiêm.
- Sốt cao trên 39 độ C kéo dài quá 24 giờ và không có dấu hiệu hạ sốt.
- Dị ứng vắc xin, thậm chí là sốc phản vệ với các biểu hiện như nổi mày đay, phát ban, phù mặt, đau nhức khớp, co giật…
- Trẻ quấy khóc, vật vã, li bì, hôn mê.
- Trẻ thở gấp, khó thở kèm dấu hiệu rút lõm lồng ngực, rút lõm hõm ức, môi tím tái.
- Chân tay lạnh, da nổi vân tím.
- Trẻ nôn trớ nhiều, bú kém, ăn kém, thậm chí là bỏ bú, bỏ ăn.
Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời (nếu cần).
>>>>>Xem thêm: Đau cẳng chân: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về chủ đề tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bại liệt mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, cha mẹ sẽ hiểu hơn về loại vắc xin phòng bệnh bại liệt, tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin đồng thời nắm được các triệu chứng sau tiêm vắc xin bại liệt để có thể chăm sóc bé tốt hơn.