Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Ống dẫn tinh là bộ phận quan trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của nam giới. Vì thế, bạn cần bảo vệ và kiểm tra sức khỏe của bộ phận này thường xuyên. Vậy ống dẫn tinh là gì? Làm thế nào để phòng tránh những bệnh liên quan đến ống dẫn tinh?

Bạn đang đọc: Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Khi ống dẫn tinh không khỏe, sức khỏe sinh sản của nam giới cũng sẽ bị đe dọa. Vậy chức năng của bộ phận này là gì? Các bệnh lý liên quan đến ống dẫn tinh và cách phòng tránh ra sao? Cùng tìm hiểu thông tin sau để bảo vệ sức khỏe sinh sản cho chính bản thân mình nhé!

Ống dẫn tinh là gì?

Ống dẫn tinh được xem là một trong những bộ phận quan trọng của cơ quan sinh dục nam. Vị trí của ống dẫn tinh bắt đầu ở đuôi mào tinh, kéo dài theo mặt sau của bàng quang, điểm cuối được kết hợp với ống tiết của túi tinh và tạo thành ống phóng tinh.

Ống dẫn tinh có đường kính từ 1,5 đến 3 mm và dài khoảng 30 đến 40 cm. Tuy thành ống dẫn tinh dày, nhưng đường kính của lòng ống chỉ mỏng khoảng 0.3 mm. Thành ống dẫn tinh được cấu tạo bởi một lớp niêm mạc ở bên trong. Phía dưới lớp niêm mạc này là lớp cơ vòng trong và cơ trơn dọc ngoài. Lớp phía trong cùng là biểu mô giả tầng, phân bố giảm dần theo độ dài của ống dẫn tinh. Các lớp niêm mạc nằm càng gần về phần bàng quang sẽ có cấu tạo phức tạp hơn.

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Ống dẫn tinh có đường kính từ 1,5 đến 3 mm và dài khoảng 30 đến 40 cm

Ống dẫn tinh có chức năng gì?

Ở mỗi bên tinh hoàn đều chứa một ống dẫn tinh với vai trò liên kết mào tinh, tinh hoàn với ống phóng tinh, niệu đạo. Hai chức năng cơ bản của ống dẫn tinh bao gồm:

  • Giúp tinh trùng di chuyển trong lúc hoạt động tình dục;
  • Duy trì lượng tinh trùng dự trữ bên trong mào tinh.

Đường di chuyển của ống dẫn tinh chia thành 6 đoạn như sau:

  • Đoạn mào tinh;
  • Đoạn thừng tinh;
  • Đoạn ống bẹn;
  • Đoạn chậu hông;
  • Đoạn sau bàng quang;
  • Trong tuyến tiền liệt.

Hình ảnh giải phẫu cho thấy, ở phần phía trên tinh hoàn, ống dẫn tinh sẽ có xu hướng nằm thẳng. Nhưng ở đoạn gần tinh hoàn khoảng 2 đến 3 cm, ống sẽ hơi uốn lượn. Ống di chuyển ra sau mạch máu của thừng tinh, sau đó chui qua ống bẹn và tiếp tục đổ vào phần khung chậu cạnh mạch máu thượng vị ở phía dưới. Ở lỗ bẹn trong, ống dẫn tinh tách khỏi mạch máu tinh hoàn và di chuyển tới đáy của tuyến tiền liệt phía sau. Đến đoạn cuối, ống sẽ giãn rộng, đồng thời thắt khúc, tạo thành bóng tinh để lưu trữ tinh trùng. Sau cùng ống sẽ kết hợp với đường ống tiết ở túi tinh và tạo thành ống phóng tinh. Ống này hình thành trong ống trung thận, có chiều dài khoảng 1,5 đến 2 cm, nối ống dẫn tinh với tuyến tiền liệt và niệu đạo.

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Ống dẫn tinh giúp tinh trùng di chuyển, đồng thời dự trữ chúng bên trong mào tinh

Nhìn một cách trực quan, khi phát triển tới độ tuổi dậy thì, nam giới bắt đầu có hiện tượng xuất tinh. Tinh bào trong ống dẫn tinh đóng vai trò quan trọng trong việc sinh sản của nam giới, đó là sản xuất ra tinh trùng. Tinh trùng này sẽ mất khoảng từ 2 đến 10 ngày để di chuyển từ đuôi mào tinh đến ống dẫn tinh. Trong lúc di chuyển ở ống dẫn tinh, qua các tuyến, tinh trùng sẽ gặp và kết hợp với dịch ở túi tinh, tuyến niệu đạo và tuyến tiền liệt tạo thành dịch màu trắng đục được gọi là tinh dịch.

Trong hoạt động tình dục, khi nam giới đạt được cực khoái sẽ tạo ra cơn co thắt ở vùng đáy chậu, đồng thời phóng hỗn hợp tinh dịch và tinh trùng qua đường niệu đạo. Tuy nhiên, nếu không xuất tinh, lượng tinh trùng sẽ bị phân rã và được hấp thu bởi biểu mô ở mào tinh.

Bệnh lý tắc ống dẫn tinh

Khi có vấn đề sức khỏe liên quan đến ống dẫn tinh, khả năng sinh sản của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Viêm tắc ống dẫn tinh được xem là bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến bộ phận này. Đây là tình trạng ống dẫn tinh bị chặn ở một vị trí bất kỳ nào đó, gây nên tình trạng nam giới xuất tinh nhưng tinh trùng không thể thoát ra ngoài như bình thường. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao?

Nguyên nhân gây tắc ống dẫn tinh

Có nhiều nguyên nhân gây nên việc tắc ống dẫn tinh ở nam giới như:

  • Dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng tới việc lưu thông tinh trùng như thiếu một phần hoặc toàn bộ ống dẫn tinh, không có sự liên kết giữa mào tinh hoàn và ống dẫn tinh, mào tinh hoàn cấu tạo không có đuôi và thân,…
  • Trải qua phẫu thuật ở cơ quan sinh dục làm ống dẫn tinh bị tắc nghẽn, tổn thương như phẫu thuật điều trị tình trạng thoát vị bẹn, thắt ống dẫn tinh để triệt sản,…
  • Mắc bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn;
  • Biến chứng của bệnh xã hội lây qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu,…;
  • Khối u xuất hiện ở cơ quan sinh dục như ung thư mào tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt,…;
  • Khi gặp một chấn thương nào đó ở cơ quan sinh dục, ống dẫn tinh cũng có thể bị tắc.

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Biến chứng của bệnh xã hội như giang mai có thể làm tắc ống dẫn tinh

Triệu chứng tắc ống dẫn tinh

Khi mắc phải bệnh lý này, nam giới có thể có những biểu hiện như:

  • Tinh hoàn có ống dẫn tinh bị tắc có khả năng thu hẹp lại;
  • Khi sờ, nắn vào ống dẫn tinh hoặc mào tinh hoàn có cảm giác bất thường;
  • Nam giới gặp tình trạng tắc ống dẫn tinh sẽ khó có con, mặc dù vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.

Phương pháp chẩn đoán

Các phương pháp để chẩn đoán tình trạng tắc ống dẫn tinh ở nam giới bao gồm:

  • Xét nghiệm nội tiết sinh dục: Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu định lượng hormone nội tiết sinh dục nam như LH, FSH, testosterone. Khi nồng độ FSH tăng cao, thể hiện sự bất thường về khả năng sinh tinh của tinh hoàn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tinh hoàn không sinh tinh mặc dù nồng độ FSH vẫn ở trạng thái bình thường.
  • Siêu âm: Siêu âm có thể phát hiện các bệnh lý như nang mào tinh, u tinh hoàn,… Các trường hợp cần chẩn đoán chính xác hơn có thể thực hiện siêu âm thông qua trực tràng. Kỹ thuật này giúp quan sát hình ảnh của túi tinh, nang ống phóng tinh, tuyến tiền liệt,… Từ đó, các bác sĩ có thể xác định một cách chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn ống dẫn tinh.
  • Sinh thiết tinh hoàn: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy tế bào mô tinh hoàn và thực hiện sinh thiết để kiểm tra. Việc này giúp phân biệt được vô sinh do tình trạng tắc nghẽn ống dẫn tinh hay do sự rối loạn sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn.
  • Phân tích yếu tố di truyền: Phương pháp này giúp các bác sĩ kiểm tra được yếu tố di truyền gây nên những bất thường bẩm sinh của ống dẫn tinh hai bên.

Tìm hiểu thêm: Đau dây thần kinh ngoại biên: Nguyên nhân và cách điều trị

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết
Phương pháp siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây tắc ống dẫn tinh

Điều trị tắc ống dẫn tinh

Phương pháp điều trị tắc ống dẫn tinh là phẫu thuật sửa chữa ống dẫn tinh giúp nam giới bị bệnh có thể có con bình thường mà không cần phương pháp hỗ trợ về sinh sản nào. Hay có thể lấy tinh trùng từ tinh hoàn hay mào tinh để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng vào trong bào tương của noãn. Phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào việc ống dẫn tinh bị tắc ở vị trí nào.

  • Tắc trong tinh hoàn: Khi ống dẫn tinh bị tắc ở đoạn tinh hoàn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kỹ thuật mở tinh hoàn (TESE) để lấy tinh trùng. Mẫu tinh trùng thu được sẽ được chia nhỏ hoặc sử dụng loại men giúp làm tăng khả năng thu được tinh trùng từ ống sinh tinh. Kỹ thuật TESE này giúp thu được tinh trùng cao hơn so với TESA (dùng kim chọc hút tinh trùng trong nhiều mô, ở nhiều vị trí và tìm tinh trùng dưới kính hiển vi).
  • Tắc mào tinh: Lấy tinh trùng ở mào tinh bằng kỹ thuật MESA. Bác sĩ sẽ thực hiện mổ mở mào tinh và hút tinh trùng. Phương pháp này sẽ thu được lượng lớn tinh trùng, có thể trữ lạnh. Tuy nhiên, có một số nhược điểm ở phương pháp này như dịch thu được sẽ lẫn nhiều hồng cầu, tính xâm lấn cao,… Bên cạnh đó kỹ thuật TESE và PESA cũng được lựa chọn đối với trường hợp tắc ống dẫn tinh ở mào tinh.
  • Tắc ở đầu gần ống dẫn tinh: Phẫu thuật nối mào tinh hoàn với ống dẫn tinh được tiến hành trong trường hợp tắc ống dẫn tinh bẩm sinh, tắc mào tinh hoàn tự phát,…
  • Tắc ở đầu xa ống dẫn tinh: Phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh được tiến hành khi thắt ống dẫn tinh với mục đích triệt sản, tắc ống dẫn tinh tại vùng bẹn do chấn thương hoặc do phẫu thuật tại vùng bẹn được thực hiện trước đó.
  • Tắc ống phóng tinh: Điều trị bằng cắt nội soi ống phóng tinh thông qua niệu đạo hoặc kỹ thuật MESA, TESE.

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định trong điều trị tắc ống dẫn tinh

Cần làm gì để phòng tránh bệnh liên quan đến ống dẫn tinh?

Ống dẫn tinh là bộ phận quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Nếu không may mắc phải các bệnh lý liên quan đến ống dẫn tinh, khả năng sinh sản sẽ bị suy giảm hoặc thậm chí có thể vô sinh. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nam giới cũng như là hạnh phúc gia đình. Vì thế, nam giới cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh lý liên quan đến ống dẫn tinh như sau:

  • Xây dựng một lối sống lành mạnh, thực hiện quan hệ tình dục một cách an toàn để tránh những bệnh lý lây qua đường tình dục như HIV, lậu,…
  • Khi cơ thể có những triệu chứng bất thường như đau buốt khi xuất tinh, khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu, cảm giác đau bụng ở vùng hạ vị, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.
  • Khi chuẩn bị kết hôn, nên chủ động khám tiền hôn nhân để kiểm tra sức khỏe sinh sản, tầm soát và phát hiện sớm những nguy cơ gây bệnh liên quan đến ống dẫn tinh.
  • Hạn chế tối đa những tổn thương hoặc chấn thương liên quan vùng hạ bộ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Ống dẫn tinh là gì? Một số thông tin về bệnh tắc ống dẫn tinh bạn cần biết

>>>>>Xem thêm: Trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa trong bao lâu?

Nên khám tiền hôn nhân để phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh liên quan đến ống dẫn tinh

Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo, vai trò của ống dẫn tinh cũng như bệnh lý liên quan về bộ phận sinh dục này. Qua đó, bạn có thể biết được cách phòng tránh bệnh liên quan đến ống dẫn tinh để có một sức khỏe sinh sản thật tốt. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị phù hợp nhé!

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *