Bạn đang đọc: Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật tái tạo cùng đồ
Trong trường hợp bệnh nhân cần lắp mắt giả, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tái tạo cùng đồ. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về quy trình thực hiện phẫu thuật để tái tạo cùng đồ cũng như những biến chứng có thể xảy ra.
Trong trường hợp cần lắp mắt giả cho người bệnh, phẫu thuật tái tạo cùng đồ là kỹ thuật điều trị cạn cùng đồ cần thiết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật này. Vậy phẫu thuật tạo cùng đồ khi nào được chỉ định? Quy trình thực hiện ra sao?
Phẫu thuật tái tạo cùng đồ là gì?
Với những bệnh nhân cần lắp mắt giả nhưng bị cạn cùng đồ sẽ được phẫu thuật để tạo cùng đồ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt mắt giả. Đây là phẫu thuật nằm trong 89 Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Nhãn khoa, được ban hành kèm Quyết định 3906/QĐ-BYT năm 2012.
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tạo cùng đồ trong các trường hợp bệnh nhân bị cạn cùng đồ không lắp được mắt giả và:
- Bệnh nhân bị cạn cùng đồ do thiếu tổ chức hay có sẹo co kéo.
- Bệnh nhân đã từng được ghép da, ghép niêm mạc nhưng vẫn thiếu tổ chức.
Phẫu thuật tái tạo cùng đồ chống chỉ định trong một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc tình trạng sức khỏe toàn thân của người bệnh không cho phép phẫu thuật.
Phẫu thuật tái tạo cùng đồ cần chuẩn bị gì?
Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật tạo cùng đồ, từ đội ngũ nhân sự, bệnh nhân, trang thiết bị và dụng cụ, hồ sơ bệnh án của người bệnh,… đều cần được chuẩn bị đầy đủ. Cụ thể là:
- Bác sĩ chuyên khoa mắt là người trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật này, ngoài ra còn có các bác sĩ gây mê, bác sĩ phụ hỗ trợ.
- Phương tiện kỹ thuật gồm có bàn mổ, đèn chiếu, bộ dụng cụ phẫu thuật mắt, đột điện 2 cực,…
- Bệnh nhân và người nhà cần được giải thích kỹ càng về tình trạng bệnh, quy trình phẫu thuật và tai biến có thể gặp phải trong và sau phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần được vệ sinh 2 mắt sạch sẽ trước khi cuộc phẫu thuật bắt đầu.
- Hồ sơ bệnh án của người bệnh cần ghi chi tiết phương pháp phẫu thuật dự kiến, có mô tả bằng hình ảnh.
Phẫu thuật tái tạo cùng đồ diễn ra như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra lại hồ sơ của người bệnh kỹ càng trước khi tiến hành phẫu thuật. Khi người bệnh sẵn sàng, cuộc phẫu thuật sẽ bắt đầu:
- Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được vô cảm bằng thuốc giảm đau, thuốc an thần đường tiêm hoặc đường uống.
- Bệnh nhân được gây tê tại chỗ. Nếu dự định cuộc phẫu thuật kéo dài hoặc người bệnh không hợp tác, bệnh nhân sẽ được gây mê.
Cạn cùng đồ do xơ hóa tổ chức kết mạc: Ghép niêm mạc
Bệnh nhân bị cạn cùng đồ do xơ hóa tổ chức kết mạc sẽ được ghép niêm mạc. Kỹ thuật cụ thể như sau:
- Bệnh nhân được tiêm thuốc tê cạnh nhãn cầu.
- Bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa sẽ rạch kết mạc bị xơ hóa, đốt cầm máu và xác định kích thước của vùng bị thiếu niêm mạc.
- Tiến hành lấy niêm mạc nuôi theo kích thước vùng bị thiếu niêm mạc đã xác định rồi cho vào cốc nước pha kháng sinh đã chuẩn bị từ trước.
- Ghép niêm mạch nuôi vào đúng vị trí đã tách kết mạc bị xơ hóa.
- Bác sĩ đặt chỉ để cổ định cùng đồ sau đó đặt khuôn mắt giả để tạo cùng đồ.
- Bác sĩ khâu cò mi trong trường hợp cần thiết.
Cạn cùng đồ dưới do lật mi: Cố định cùng đồ vào màng xương
Trường hợp bệnh nhân bị cạn cùng đồ dưới do lật mi bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tái tạo cùng đồ bằng cách cố định cùng đồ vào màng xương.
- Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.
- Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da mi dưới cách bờ mi dưới khoảng 1mm và rạch theo đường song song với bờ mi dưới.
- Bác sĩ thực hiện phẫu tích cơ vòng mi, cân vách hốc mắt, bộc lộ màng xương và tạo vạt màng xương.
- Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật dùng chỉ prolene 6.0 khâu cố định bao Tenon vào vạt màng xương.
- Sau đó, bác sĩ dùng chỉ vicryl 6.0 để khâu đóng da.
- Bác sĩ đặt khuôn mắt giả và khâu cò mi nếu cần.
Tìm hiểu thêm: Bệnh động kinh có chữa được không? Tác động của bệnh động kinh đối với sức khỏe
Cạn cùng đồ do teo mỡ hốc mắt: Ghép mỡ hốc mắt
Nếu bệnh nhân bị cạn cùng đồ do teo mỡ hốc mắt, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để ghép mỡ hốc mắt. Quy trình thực hiện như sau:
- Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.
- Bác sĩ tiến hành rạch kết mạc, đốt cầm máu.
- Mỡ hốc mắt được lấy ra và cho vào cốc nước pha kháng sinh đã được chuẩn bị từ trước.
- Tiến hành ghép tổ chức mỡ hốc mắt hay cấy mỡ hốc mắt.
- Bác sĩ sẽ khâu phủ kết mạc và đặt khuôn mắt giả.
Tai biến tiềm ẩn sau phẫu thuật tái tạo cùng đồ
Phẫu thuật tái tạo cùng đồ không phải cuộc phẫu thuật quá phức tạp. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể phải đối mặt với một số tai biến tiềm ẩn. Phổ biến nhất là tình trạng xuất huyết hốc mắt, đau hốc mắt. Tình trạng này cần được theo dõi sát, nếu có máu tụ hốc mắt bác sĩ sẽ dẫn lưu khi cần thiết.
Một số nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật cũng có thể xảy ra. Khi có nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách vệ sinh vết mổ hàng ngày, dùng kháng sinh phù hợp để hạn chế tình trạng xấu đi.
>>>>>Xem thêm: Vị giác có mùi máu nguyên nhân do đâu?
Theo dõi sau khi phẫu thuật tái tạo cùng đồ
Sau khi thực hiện phẫu thuật tạo cùng đồ, người bệnh cần được tái khám theo lịch sau 1 ngày, sau 1 tuần, sau 1 tháng. Thông thường, sau khi thực hiện các phẫu thuật trên khoảng 1 tháng, người bệnh có thể đặt mắt giả.
Ngoài ra, thời điểm người bệnh có thể lắp mắt giả phụ thuộc vào tình trạng phục hồi trong từng trường hợp cụ thể. Khi vết phẫu thuật khô, sạch theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh có thể được lắp mắt giả.
Tóm lại, phẫu thuật tái tạo cùng đồ là cần thiết trong trường hợp bệnh nhân cần lắp mắt giả nhưng bị cạn cùng đồ. Tùy từng trường hợp cụ thể và nguyên nhân dẫn đến cạn cùng đồ, các kỹ thuật thực hiện phẫu thuật sẽ khác nhau. Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, người bệnh nên được thăm khám, phẫu thuật và theo dõi ở các cơ sở chuyên khoa uy tín.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:điều trị bệnhphẫu thuật