Bạn đang đọc: Hẹp khúc nối bể thận niệu quản có nguy hiểm không?
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng, do đó người bệnh thường phát hiện và chữa trị lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Vậy bệnh này có nguy hiểm hay không?
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh hẹp khúc nối bể thận niệu quản. Liệu bệnh này có gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống hay không? Trong bài viết dưới đây, Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu nhận biết, triệu chứng cũng như giải pháp điều trị căn bệnh này.
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản là gì?
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản là một dạng dị tật của phần nối bể thận niệu quản, gây cản trở quá trình hoạt động của dòng nước tiểu từ thận xuống niệu quản. Việc tắc nghẽn nước tiểu làm bể thận bị ứ nước và giãn to. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên thận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ hẹp bên trái cao hơn bên phải gấp hai lần.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh này thường gặp ở trẻ em khoảng 5 tuổi, ở người lớn bệnh thường được chẩn đoán ở độ tuổi 30-40 và tỷ lệ gặp ở nam cao gấp đôi nữ giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này như:
- Bẩm sinh: Trẻ khi sinh ra có hiện tượng niệu quản cắm vào bể thận ở vị trí bất thường hoặc không có lớp cơ trơn ở phần khúc nối bể thận niệu quản (vốn lớp cơ này có tác dụng co bóp để thoát nước tiểu). Thông thường, nếu trong gia đình có người thân bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản thì trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Mạch máu bất thường chèn ép vào niệu quản: Trên cơ thể người có hiện tượng mạch máu chèn ép, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của niệu quản cũng dẫn đến chứng bệnh này.
- Phản ứng viêm sau phẫu thuật hoặc chấn thương: Sau phẫu thuật niệu quản, một số người gặp tình trạng tạo xơ, nang giả niệu nhiễm trùng, xơ hóa sau phúc mạc…
- Ảnh hưởng của khối u: Dù khối u lành tính hay ác tính ở đường tiết niệu đều làm ảnh hưởng và có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này.
Hẹp khúc nối bể thận niệu quản có nguy hiểm không?
Vậy hẹp khúc nối bể thận niệu quản có nguy hiểm không? Các bác sĩ phân tích hiện tượng này đặc trưng bằng sự tắc nghẽn lưu thông nước tiểu giữa bể thận với niệu quản dẫn đến việc bể thận bị giãn to, hay còn gọi là thận ứ nước. Đây được coi là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thận có thể bị hủy hoại hoàn toàn.
Ở giai đoạn đầu, thông thường bệnh có những tiến triển khá âm thầm nên không gây các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Chỉ khi người bệnh siêu âm ổ bụng hoặc đã xuất hiện các biến chứng thận ứ nước lớn, giảm chức năng một phần hoặc hoàn toàn của thận thì bệnh mới được phát hiện.
Lúc này, người bệnh đã có một số dấu hiệu như đau hông lưng, mỏi lưng lâu ngày, uống nhiều nước cũng đau lưng, đau cách hồi kèm buồn nôn hoặc đau quặn thận. Ngoài ra, người bệnh có thể bị tiểu buốt, tiểu máu, đi tiểu nhiều lần, huyết áp tăng cao. Khi được thăm khám, bác sĩ sẽ xác định thêm được tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bể thận và suy thận.
Việc chữa trị trong trường hợp này trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan với căn bệnh này. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thực hiện thăm khám định kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và sớm có phác đồ điều trị hiệu quả.
Điều trị hẹp khúc nối bể thận niệu quản điều trị như thế nào?
Tùy từng trường hợp và cơ địa người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Một số người tuy mắc bệnh nhưng không có ảnh hưởng xấu tới chức năng thận, nguy cơ biến chứng thấp, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi và thăm khám định kỳ. Hoặc ở những người già yếu, việc phẫu thuật điều trị có thể gây nhiều nguy cơ hơn cũng sẽ được cân nhắc theo dõi và dùng thuốc điều trị triệu chứng.
Đối với những bệnh nhân đảm bảo sức khỏe để phẫu thuật, tình trạng thận ứ nước giãn ngày càng tăng hoặc chức năng thận bị thay đổi thì đây là giải pháp mà bác sĩ chỉ định thực hiện càng sớm càng tốt. Hiện có một số phương pháp phẫu thuật điều trị như sau:
- Nội soi: Phương pháp này thường áp dụng trong trường hợp mức độ hẹp vừa hoặc nhẹ và không có mạch máu chèn ép niệu quản. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch trong lòng đoạn niệu quản hẹp tại phần nối bể thận niệu quản bằng laser, sau đó nong rộng niệu quản và đặt ống sonde JJ trong lòng niệu quản.
- Tạo hình khúc nối bể thận niệu quản: Đây là phương pháp thường được áp dụng bởi hiệu quả mang lại khá cao. Bác sĩ sẽ mổ mở hoặc nội soi ổ bụng nhằm cắt bỏ đoạn hẹp rồi tạo hình lại phần nối bể thận niệu quản.
- Cắt thận: Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp thận mất chức năng hoặc ứ nước ở mức độ lớn.
Tìm hiểu thêm: Giải phẫu đường mật và các bệnh lý liên quan đến đường mật
Lưu ý sau khi điều trị hẹp khúc nối bể thận niệu quản
Sau khi điều trị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
- Người bệnh nên chú ý theo dõi chức năng thận liên tục sau mổ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám.
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về việc chụp UIV (chụp X quang hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang) theo định kỳ 1 tháng và 1 năm sau mổ nhằm kiểm tra kết quả. Bạn cần lưu ý rằng, tình trạng giãn bể thận sẽ kéo dài thậm chí có thể không bao giờ hết sau mổ. Quan trọng nhất là cải thiện khả năng thoát nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản.
- Trong trường hợp bệnh tái phát, người bệnh nên thực hiện mổ lại bằng phương pháp nội soi để tránh xâm lấn.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt sau phẫu thuật cực kỳ quan trọng. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm bổ thận như khoai lang, trái cây có múi, súp lơ, ức gà, lòng trắng trứng… Ngoài ra, bạn cũng chú ý ngủ nghỉ đúng giờ, vận động nhẹ nhàng, không nên nhịn tiểu để thận được tái tạo và phục hồi nhanh hơn.
>>>>>Xem thêm: Cơ hoành có tác dụng gì? Tình trạng co thắt ở cơ hoành
Như vậy, với các thông tin trên đây, Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, lý giải căn bệnh này có gây nguy hiểm không cũng như phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay. Đây là căn bệnh ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Bệnh thậnThận