U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi

U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi

Bạn đang đọc: U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi

U nang sàn mũi hay còn được biết đến với tên gọi khác là u nang tiền đình mũi. Vậy u nang sàn mũi là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Phương pháp chẩn đoán và điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp trong bài viết sức khỏe hôm nay.

U nang sàn mũi xuất phát từ sàn hốc mũi, nằm ở mặt trước xoang hàm và nằm trong vùng rãnh lợi môi. Trước khi tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh u nang sàn mũi bạn nhé.

Tổng quan về u nang sàn mũi

U nang sàn mũi hay u nang tiền đình mũi là một loại u lành tính, xuất phát từ sàn hốc mũi. Vị trí của sàn mũi là ở mặt trước xoang hàm và nằm trong vùng rãnh lợi môi. Khi mắc u nang sàn mũi, người bệnh càng điều trị sớm thì càng đơn giản, nhẹ nhàng và đặc biệt là tiết kiệm chi phí.

Trong trường hợp khối u nang sàn mũi to dần, việc điều trị lúc này sẽ gặp nhiều khó khăn, người bệnh phải chịu cảm giác đau đớn và chi phí điều trị tốn kém hơn rất nhiều.

Triệu chứng lâm sàng của u nang sàn mũi bao gồm:

  • Vùng rãnh mũi – má và vùng cửa mũi trước sưng nề;
  • Nghẹt mũi cùng bên với khối u nang sàn mũi;
  • Trong trường hợp khối u nang sàn mũi có dấu hiệu bị áp xe hóa hoặc nhiễm trùng, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức.
  • Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang mũi không gây ra bất cứ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.

U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi 1

U nang sàn mũi là bệnh gì?

Phương pháp chẩn đoán u nang sàn mũi

Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp giúp hỗ trợ chẩn đoán u nang sàn mũi, trong đó phải kể đến như:

  • Dựa trên dấu hiệu lâm sàng: Quan sát thấy sàn mũi phồng, lật môi hoặc rãnh mũi má đầy, sờ vào rãnh lợi – môi phát hiện một khối u mềm, căng mọng gây ra tình trạng phồng niêm mạc.
  • Khi sờ vào khối u nang mũi có cảm giác mềm, lùng nhùng. Khối u thường to bằng đầu ngón tay trỏ. Trong trường hợp có nhiễm trùng hoặc áp xe, khi sờ vào khối u bạn sẽ thấy đau nhức.
  • Nội soi tai mũi họng phát hiện cửa mũi trước hẹp xuất phát từ tình trạng khối u nang mũi sưng nề xuất phát từ sàn mũi. Khối u nang có bề mặt trơn và có giới hạn rõ ràng, các phần còn lại của hốc mũi hoàn toàn bình thường.
  • Nhận thấy dung dịch sánh nhầy, màu vàng trong khi dùng kim chọc hút thăm dò nang qua đường mũi. Dịch này có thể có lẫn mủ đục trong trường hợp bị áp xe, nhiễm khuẩn.
  • Chụp CT Scanner: Kết quả cho thấy hình ảnh nang nhầy nằm ở sàn mũi, trên phim chụp không phát hiện bất thường ở các vách xoang đồng thời không có hình ảnh viêm xoang.
  • Giải phẫu bệnh: Kết quả của xét nghiệm chọc hút dịch bằng kim nhỏ cho thấy nang biểu mô lành tính.
  • Chẩn đoán phân biệt với áp xe nhọt tiền đình mũi, u nang răng sinh và áp xe chân răng.

U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi 2

Chụp CT Scanner là một trong các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán u nang sàn mũi

Phẫu thuật cắt u nang sàn mũi

Đối với các trường hợp u lành tính vùng mũi xoang thì phẫu thuật cắt u nang sàn mũi là phương pháp điều trị chính. Trong trường hợp u nang đang có nhiễm trùng thì bạn cần điều trị tình trạng nhiễm trùng trước sau đó khi cải thiện được tình trạng này thì sẽ tiến hành phẫu thuật bóc u nang.

Trên thực tế, việc điều trị khối u lành tính vùng mũi xoang còn phụ thuộc vào vị trí, kích thước, mức độ lan tỏa của khối u cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh trong từng trường hợp cụ thể.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật u nang mũi chính đó là mổ mở và mổ nội soi. Trong đó:

  • Mổ mở là kỹ thuật mà bác sĩ sẽ tiến hành tạo một vết mổ ở trong miệng hoặc gần mũi để có thể tiếp cận với xoang hoặc khoang mũi. Sau đó sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để loại bỏ khối u cùng những vùng lân cận bị ảnh hưởng bởi khối u.
  • Mổ nội soi được chỉ định trong những trường hợp cụ thể. Bằng phương pháp nội soi mũi kết hợp với các dụng cụ chuyên biệt, các bác sĩ sẽ có thể tiếp cận được khối u. Trên ống nội soi có gắn thêm camera và nguồn sáng để hỗ trợ cung cấp hình ảnh chi tiết bên trong vùng mũi xoang để các bác sĩ có thể xử lý khối u nang.

Tìm hiểu thêm: Thuốc kháng sinh răng cho trẻ em có nguy hiểm không? Lưu ý khi sử dụng

U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi 3
Phẫu thuật u nang sàn mũi bao gồm các phương pháp nào

Cần lưu ý những gì khi phẫu thuật cắt u nang sàn mũi?

Khi phẫu thuật cắt u nang sàn mũi, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Trước khi can thiệp phẫu thuật

Trong thời gian điều trị, người bệnh cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị nếu muốn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược ngoài y lệnh.

Trước phẫu thuật, người bệnh cần làm đầy đủ các xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu, viêm gan B, HIV… Ngoài ra, bác sĩ điều trị có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng để đánh giá chức năng gan thận, điện tim, siêu âm tim và chụp phim phổi.

Cùng với đó, người bệnh phải nhịn ăn uống hoàn toàn bao gồm cả không uống sữa hay nước trong ít nhất 6 giờ trước phẫu thuật để tránh tình trạng trào ngược thức ăn và gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh trong quá trình thực hiện phẫu thuật. Người bệnh cần báo lại với nhân viên y tế nếu đã lỡ ăn hay uống.

Sau phẫu thuật

Các triệu chứng người bệnh có thể gặp sau phẫu thuật bao gồm đau vết mổ, đau tăng khi ăn uống và cử động hàm, khô họng có thể kèm theo đau họng.

Sau phẫu thuật cắt u nang sàn mũi, người bệnh có thể phải đối mặt với một số biến chứng như:

  • Đau tức nhiều tại vết mổ;
  • Chảy máu tại vết mổ kèm theo các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, sốt…
  • Vùng mặt sưng nề bầm tím;
  • Đau rát họng nhiều kèm xuất tiết đờm;
  • Sau khi dùng thuốc, người bệnh có thể có các biểu hiện bất thường như ngứa trên bề mặt da, nổi mẩn đỏ…

Sau 6 tiếng kể từ khi kết thúc phẫu thuật cắt u nang sàn mũi, nếu người bệnh đã không còn cảm giác buồn nôn thì có thể ăn uống bình thường và đi lại bình thường. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên vận động nhẹ nhàng và tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật. Chú ý, trong vòng 5 ngày đầu sau phẫu thuật, bạn không nên hỉ mũi mạnh và không ngoáy mũi.

Về chăm sóc vết mổ: Người bệnh cần vệ sinh mũi hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Về chế độ sinh dưỡng: Người bệnh cần đảm bảo ăn uống đủ chất, bổ sung đủ nước cho cơ thể hàng ngày. Thêm vào đó, bạn nên tăng cường bổ sung vitamin C để nâng cao sức đề kháng đồng thời hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá… bởi các chất này có thể làm giảm tác dụng của thuốc và làm chậm quá trình lành thương.

Về chế độ sinh hoạt: Người bệnh có thể tắm rửa bình thường song cần chú ý dùng khăn ấm để lau mặt và hạn chế để nước vào mũi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đảm bảo vệ sinh thân thể cũng như vệ sinh vết mổ để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

Ngoài ra, người bệnh cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trong quá trình uống thuốc nào có bất cứ triệu chứng bất thường nào, chẳng hạn như buồn nôn, đau tức ngực, chóng mặt, khó thở, ngứa… cần thông báo với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có các biểu hiện bất thường như mùi hôi ở mũi, chảy máu, nghẹt mũi tăng lên hoặc khối phồng xuất hiện tại vị trí cũ.

U nang sàn mũi và phương pháp phẫu thuật cắt u nang sàn mũi 4

>>>>>Xem thêm: Đau bụng sỏi mật làm sao có thể nhận biết chính xác?

Người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ sau phẫu thuật cắt u nang sàn mũi

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về u nang sàn mũi và phẫu thuật cắt u nang sàn mũi mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến quý độc giả trong bản tin sức khỏe hôm nay. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin sức khỏe bổ ích.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Chủ đề:Khối uu nangBệnh tai mũi họng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *