Bạn đang đọc: Tiêm insulin sống được bao lâu? Biện pháp hỗ trợ sau khi tiêm insulin
Insulin là phương pháp điều trị bắt buộc đối với bệnh tiểu đường tuýp 1 và được sử dụng trong nhiều trường hợp bệnh tuýp 2, đặc biệt là khi thuốc tiểu đường dạng uống không còn hiệu quả. Do đó, nhiều bệnh nhân thắc mắc không biết tiêm insulin sống được bao lâu? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé!
Tiêm insulin sống được bao lâu là thắc mắc của nhiều người bệnh. Thật ra, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân điều trị bằng insulin. Trong đó, tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định của bác sĩ là phương pháp hiệu quả nhất để người bệnh duy trì sức khỏe.
Công dụng của insulin
Insulin là một loại hormone được tạo ra nhờ tuyến tụy, hoạt động bằng cách giúp di chuyển đường từ máu vào các mô cơ thể khác, nơi nó được sử dụng để tạo ra năng lượng. Nó cũng ngăn chặn sự sản xuất nhiều đường ở gan. Hầu hết các loại insulin hiện nay đều hoạt động theo cách này. Các loại insulin chỉ khác nhau ở tốc độ chúng bắt đầu hoạt động và thời gian chúng tiếp tục kiểm soát lượng đường trong máu.
Đối với người bị bệnh tiểu đường, việc sản xuất insulin bị suy giảm hoặc không sản xuất được insulin. Điều này dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Insulin được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường như:
- Người mắc bệnh tiểu đường loại 1: Tình trạng cơ thể không thể tạo ra insulin, do đó không thể kiểm soát lượng đường trong máu. Do vậy việc tiêm insulin là phương pháp điều trị bắt buộc.
- Người mắc bệnh tiểu đường loại 2: Tình trạng lượng đường trong máu quá cao do cơ thể không sản xuất hoặc sử dụng insulin bình thường, insulin thường được chỉ định khi các thuốc điều trị khác không còn hiệu quả hoặc khi bệnh nhân có biến chứng nghiêm trọng.
- Đối với tiểu đường thai kỳ: Nếu không kiểm soát được bằng chế độ ăn uống thì cần được điều trị bằng insulin.
Insulin có nhiều loại khác nhau, được phân loại dựa trên thời gian tác dụng. Các loại insulin phổ biến bao gồm:
- Insulin tác dụng nhanh: Insulin tác dụng nhanh được tiêm ngay trước hoặc sau khi ăn. Nó có tác dụng nhanh chóng trong vòng 30 phút đến 1 giờ.
- Insulin tác dụng trung bình: Insulin tác dụng trung bình được tiêm 2 – 4 lần mỗi ngày. Nó có tác dụng trong vòng 3 – 6 giờ.
- Insulin tác dụng kéo dài: Insulin tác dụng kéo dài được tiêm 1 – 2 lần mỗi ngày. Nó có tác dụng trong vòng 12 – 24 giờ.
Vậy tiêm insulin sống được bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết nhé!
Tiêm insulin sống được bao lâu?
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tiêm insulin sống được trong bao lâu? Thực tế, tiêm insulin không giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh tiểu đường, nhưng ổn định đường huyết thì có.
Tuổi thọ của người đang điều trị bằng insulin phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể như sau:
Các loại bệnh tiểu đường
Tuổi thọ của người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể giảm khoảng 1 thập kỷ, còn người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể giảm hơn 2 thập kỷ theo thống kê vào năm 2010 tại Anh. Điều này là do người bệnh tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát bệnh khi còn trẻ. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học, nhiều người bệnh tiểu đường tuýp 1 hiện nay có thể sống lâu hơn người bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu được điều trị bằng insulin đúng cách.
Thời gian chẩn đoán và bắt đầu điều trị
Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một căn bệnh mãn tính thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Người bệnh thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã xuất hiện các biến chứng, chẳng hạn như tổn thương mắt, thận, tim mạch, thần kinh,… Điều đó làm cho lượng đường trong máu tăng cao, gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể và rút ngắn tuổi thọ.
Điều trị bằng insulin đúng theo chỉ định
Tiêm insulin sống được bao lâu cũng phụ thuộc vào việc bạn điều trị có đúng theo chỉ định hay không.
Insulin thường được bác sĩ tiêm dưới da nhiều lần trong ngày và có thể dùng tới nhiều loại insulin. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên sử dụng những loại insulin nào, lượng insulin cần sử dụng và tần suất tiêm insulin. Thực hiện theo các hướng dẫn một cách cẩn thận. Không sử dụng nhiều hay ít insulin hoặc sử dụng thường xuyên hơn so với chỉ định của bác sĩ.
Một số biến chứng liên quan tới bệnh tiểu đường
Theo thời gian, người mắc bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hay đe dọa tính mạng, bao gồm: Bệnh tim, đột quỵ, các vấn đề về thận, tổn thương thần kinh và các vấn đề về mắt. Bạn nên sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, thay đổi lối sống (chế độ ăn kiêng, tập thể dục, bỏ hút thuốc) và thường xuyên đo lượng đường trong máu có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe của bạn.
Ngoài ra, phương pháp này cũng làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau tim hoặc một vài biến chứng khác liên quan đến bệnh tiểu đường như suy thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về mắt, bao gồm những thay đổi hoặc mất thị lực, hoặc bệnh nướu răng.
Tình hình sức khỏe tổng quát của người bệnh
Cơ hội sống lâu của người tiêm insulin còn phụ thuộc vào việc họ có thực hiện các biện pháp hỗ trợ ổn định đường huyết khác hay không.
Để kiểm soát lượng đường trong máu tốt, người bệnh tiểu đường đang điều trị bằng insulin cần thực hiện các thói quen lành mạnh như hạn chế tinh bột, không ăn chất béo động vật, tránh thực phẩm đóng hộp và xào nấu nhiều lần, ăn nhiều rau quả và chọn đạm từ cá, thịt nạc và các loại đậu.
Tìm hiểu thêm: Nấm bờm sư tử: Công dụng và giá trị “vàng” đối với sức khỏe
Một số biện pháp hỗ trợ sau khi tiêm insulin
Tiêm insulin là một phương pháp điều trị quan trọng giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, để có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn, người bệnh tiểu đường cần kết hợp tiêm insulin với các biện pháp hỗ trợ ổn định đường huyết khác như:
- Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột và chất béo bão hòa.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể sản xuất insulin hiệu quả hơn. Người bệnh tiểu đường nên ngủ ít nhất 7 – 8 tiếng mỗi đêm.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất nửa tiếng mỗi ngày, 5 ngày hàng tuần.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý.
- Theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý một số điều sau sau khi tiêm insulin:
- Không sờ, gãi, xoa bóp vùng da đã tiêm: Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không tiêm insulin vào cùng một vị trí quá thường xuyên: Điều này có thể làm giảm hiệu quả của insulin.
- Nếu gặp bất kỳ phản ứng phụ nào sau khi tiêm insulin, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm: Hạ đường huyết (người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, run rẩy, đói, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn), phản ứng dị ứng (người bệnh có thể bị sưng, ngứa, đỏ hoặc đau tại vị trí tiêm), nhiễm trùng (vùng da tiêm có thể bị sưng, đỏ, đau hoặc chảy mủ).
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về xét nghiệm dấu ấn miễn dịch bề mặt tế bào
Nếu như bạn có thắc mắc trong quá trình điều trị bằng insulin thì bạn nên nói chuyện với bác sĩ của mình xem có cần thay đổi gì không. Bạn nên tuân thủ và làm theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị để kiểm soát lượng đường trong cơ thể một cách tốt nhất. Từ đó, bạn sẽ giảm bớt lo lắng về việc tiêm insulin sống được bao lâu và có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:InsulinChữa bệnh tiểu đườngBệnh tiểu đường