Mắt bị khô rát là tình trạng xảy ra khi nước mắt tiết ra không đủ để bôi trơn cho mắt hoặc nước mắt kém chất lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Bạn đang đọc: Mắt bị khô rát: Nguyên nhân, cách khắc phục và biện pháp phòng ngừa
Mắt bị khô rát khiến bạn cảm thấy khó chịu, đau nhức, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Vậy đâu là nguyên nhân khiến mắt bị khô rát? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
Nguyên nhân khiến mắt bị khô rát
Mắt bị khô rát là tình trạng xảy ra khi nước mắt tiết ra không đủ để bôi trơn cho mắt hoặc nước mắt kém chất lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự không ổn định này khiến mắt bị khô rát, lâu dần có thể dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương mắt. Ngoài ra, khô mắt còn dẫn đến tình trạng đau nhức, ửng đỏ,… thậm chí là suy giảm thị lực.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến khô mắt? Dưới đây là một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc tiết nước mắt và chất lượng của nước mắt:
- Tuổi: Từ độ tuổi 50 trở đi, các dấu hiệu lão hóa bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Khô mắt chính là một phần của quá trình lão hóa. Khi cơ thể già đi, các protein tham gia vào cấu tạo màng nước mắt bị suy giảm và lượng nước mắt tiết ra cũng sẽ giảm dần.
- Giới tính: Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ giới có nguy cơ bị khô mắt nhiều hơn nam giới do sự thay đổi hormone khi mang thai hoặc khi sử dụng thuốc tránh thai, giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm lượng nước mắt tiết ra như thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc tránh thai, thuốc kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm, NSAID,… Ngoài ra, việc lạm dụng các loại thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến khô mắt.
- Bệnh lý toàn thân: Một số bệnh lý như bệnh tiểu đường, suy tuyến giáp,… có thể gây ra triệu chứng khô mắt.
- Bệnh về mắt: Một số bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm bờ mi,… có thể gây viêm nhiễm, làm mắt bị tổn thương, giảm tiết nước mắt.
- Thời tiết, điều kiện môi trường sống và làm việc: Nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, gió, thời tiết hanh khô sẽ khiến nước mắt bốc hơi nhanh hơn dẫn đến khô mắt. Ngoài ra, thường xuyên làm việc với máy tính cũng sẽ khiến mắt bị khô, đau nhức.
- Làm việc, nghỉ ngơi không hợp lý: Khi mắt phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, lượng nước mắt tiết ra để điều tiết mắt cũng sẽ suy giảm.
Đa phần, khi mắt bị khô rát, bệnh nhân thường chủ quan không điều trị hoặc tự ý dùng thuốc nhỏ mắt. Chính điều này có thể khiến tình trạng khô mắt trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí là suy giảm thị lực.
Cách khắc phục tình trạng mắt bị khô rát
Các bác sĩ nhãn khoa khuyên rằng, để khắc phục tình trạng khô mắt, bạn cần tìm cách làm tăng tiết nước mắt và cải thiện chất lượng của nước mắt. Dưới đây là một số biện pháp để cải thiện tình trạng mắt bị khô rát mà bạn có thể tham khảo:
- Sử dụng nước mắt nhân tạo: Với trường hợp bị khô mắt nhẹ, bạn có thể giảm khô mắt bằng việc sử dụng nước mắt nhân tạo. Bạn nên chọn loại nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản. Vì khi sử dụng lâu dài, chất bảo quản sẽ gây hại cho mắt.
- Sử dụng sản phẩm làm tăng tiết nước mắt: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc tra mắt có tác dụng làm tăng tiết nước mắt, ví dụ như omega 3,… Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng các sản phẩm này.
- Điều trị các bệnh lý về mắt: Trong trường hợp mắt bị khô rát là triệu chứng của các bệnh lý về mắt thì bạn nên điều trị các bệnh lý này theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Duy trì phim nước mắt: Một số phương pháp như nút điểm lệ bằng silicon, phẫu thuật để đóng điểm lệ,… Điều này sẽ giúp nước mắt không bị chảy ngược qua điểm lệ, từ đó giữ nước mắt ở lâu hơn trong mắt, tạo độ ẩm cho mắt, hạn chế khô mắt.
- Giữ thói quen chớp mắt chậm và đều: Chớp mắt chậm và đều giúp dàn đều nước mắt.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cải thiện chất lượng nước mắt. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, omega 3 (như cá, dầu đậu nành,…), beta caroten (có nhiều trong các loại rau củ quả),…
Tìm hiểu thêm: Đau xương mu khi mang thai 3 tháng cuối nên làm thế nào?
Các biện pháp phòng ngừa khô mắt
Mặc dù khô mắt không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng về lâu dài, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác như suy giảm thị lực,… và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Do đó, phòng ngừa khô mắt là cần thiết.
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để chống khô mắt:
- Không thức quá khuya, ngủ đủ giấc: Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi, điều tiết lại. Bạn nên ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với gió, khói bụi, thuốc lá: Đeo kính khi đi ngoài trời để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân có hại như khói bụi, vi khuẩn,…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Điều này giúp tăng cường độ ẩm trong thời tiết hanh khô, tránh cho mắt bị khô.
- Uống đủ nước: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày sẽ góp phần làm tăng lượng nước mắt.
- Giữ khoảng cách khi đọc sách và làm việc với máy tính: Bạn nên giữ khoảng cách tối thiểu khi làm việc với máy tính là 50cm. Đồng thời, không nên nhìn liên tục vào máy tính trong thời gian dài, thỉnh thoảng nhắm mắt trong 5 – 10 phút để mắt nghỉ ngơi, thư giãn.
- Ăn uống hợp lý: Bạn nên cung cấp các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, kẽm, omega 3,…
- Khám mắt định kỳ: Khám mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt, từ đó có thể ngăn ngừa và khắc phục kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Cách chữa dị ứng khi ăn côn trùng tại nhà
Tóm lại, mắt bị khô rát là do suy giảm lượng nước mắt và chất lượng nước mắt. Do đó, các biện pháp làm tăng tiết nước mắt và chất lượng nước mắt sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa hoặc người có chuyên môn trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích cho bạn. Đừng quên thường xuyên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Khô mắtBệnh nhãn khoaMắt