Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân tuy nhiên, virus thường là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, chiếm từ 80% đến 90% tổng số trường hợp. Bệnh đau mắt đỏ do virus có khả năng lây lan dễ dàng ở mọi đối tượng, gây ra các triệu chứng như đau, sưng, ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt và có thể làm giảm thị lực.
Bạn đang đọc: Đau mắt đỏ do virus là gì? Điều trị tình trạng này như thế nào?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về căn bệnh đau mắt đỏ do virus, bao gồm triệu chứng, cách lây lan, các biện pháp phòng ngừa để chăm sóc sức khoẻ cho đôi mắt của bạn và những người xung quanh một cách tốt nhất.
Đau mắt đỏ do virus là gì?
Bệnh đau mắt đỏ do virus là một loại nhiễm trùng kết mạc cấp tính, thường lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là trong các tháng mùa mưa. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này là virus Adenovirus với triệu chứng bao gồm kích ứng mắt, sưng đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, tiết dịch mủ và tình trạng chảy nhiều nước mắt.
Ngoài ra, còn có một số loại virus khác cũng có thể gây ra bệnh như Enterovirus, Herpes Simplex Virus, và virus Zoster, nhưng chúng thường ít phổ biến hơn, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các trường hợp đau mắt đỏ do virus.
Đau mắt đỏ do virus lây truyền như thế nào?
Các con đường lây truyền của các loại virus gây bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người bệnh và sau đó chạm vào mắt của chính mình.
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân, thuốc nhỏ mắt, khăn, hoặc ngủ chung giường với người bệnh.
- Giặt chung quần áo với người bệnh, đặc biệt là quần áo và vật dụng tiếp xúc trực tiếp với mắt.
- Sử dụng hồ bơi công cộng, nơi có nguy cơ tiếp xúc với nước và dịch tiết của những người khác và có thể lây truyền virus gây đau mắt đỏ.
Điều trị đau mắt đỏ do virus như thế nào?
Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường về mắt, cần thăm khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị dựa vào các phương pháp truyền miệng hoặc trên mạng và không nên tự xử lý bằng cách xông lá trầu, dùng lá cây, hành củ để đắp, hoặc đổ sữa mẹ vào mắt.
Không nên tự mua thuốc để tự điều trị khi không có sự chỉ định của bác sĩ, vì điều này có thể làm tình trạng trầm trọng hơn. Tự điều trị sai bệnh hoặc dùng sai loại thuốc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng bao gồm giảm thị lực, viêm loét giác mạc, và thậm chí là mất thị lực hoàn toàn.
Trong trường hợp bệnh viêm kết mạc do virus cần kết hợp điều trị toàn thân và điều trị tại mắt.
Điều trị toàn thân
Để hỗ trợ quá trình điều trị đau mắt đỏ, nên tuân thủ các biện pháp sau:
- Bảo đảm chế độ ăn uống cân đối: Hãy đảm bảo tiêu thụ đủ lượng tinh bột, chất xơ, chất đạm và chất béo, tánh kiêng quá mức. Nâng cao sức đề kháng và thể trạng của mình bằng cách uống các loại bổ sung vitamin tổng hợp hoặc sinh tố trái cây bổ dưỡng như cam, chanh, bưởi.
- Cách ly hợp lý: Tránh tiếp xúc gần với người khác để ngăn lây nhiễm.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đủ thời gian giúp mắt nghỉ ngơi và hỗ trợ quá trình phục hồi từ bệnh.
- Hạn chế thiết bị điện tử để tránh kích thích cho mắt.
- Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi nắng, gió và bụi bẩn.
- Tránh tiếp xúc với các loại khói, bụi vì chúng có thể gây kích thích mắt và làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không nên dụi mắt vì có thể gây tổn thương giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực và làm bệnh trầm trọng hơn.
Điều trị tại mắt
- Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ: Loại thuốc được chọn sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và tổn thương cụ thể tại mắt, có thể bao gồm kháng sinh, kháng viêm, hoặc nước mắt nhân tạo. Các loại thuốc tra mắt có thể có dạng nước, hỗn dịch, mỡ, hoặc gel.
- Tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc: Hãy chắc chắn tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của điều trị.
- Tra thuốc đúng cách: Không nên chạm đầu thuốc vào mắt. Sử dụng một lượng thuốc điều trị vừa đủ, thường từ 1 – 2 giọt cho thuốc nước và khoảng 1cm cho thuốc mỡ, gel tra vào mí mắt dưới. Điều này giúp tránh làm lèm nhèm mắt và gây khó chịu.
- Tuân thủ lịch hẹn khám bác sĩ: Điều này giúp kiểm soát tiến triển của bệnh và đảm bảo bạn đang được điều trị đúng cách.
- Theo dõi tình trạng mắt: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nặng hơn, đau hơn, sưng hơn, chảy nước hồng, chảy máu hoặc bạn cảm thấy có bất thường trong quá trình sử dụng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức hoặc theo lịch hẹn để được tư vấn kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Điểm danh những tác hại của bơi lội không thể chủ quan
Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ do virus như thế nào?
Phòng tránh lấy nhiễm virus gây đau mắt đỏ trong cộng đồng
Dưới đây là một số biện pháp hữu ích để giúp bạn duy trì vệ sinh và giảm nguy cơ bị đau mắt đỏ:
- Giữ vệ sinh cá nhân và mắt: Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0.9% để loại bỏ bụi bẩn và khuẩn. Đảm bảo tay luôn sạch bằng cách rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ dùng công cộng hoặc người bệnh.
- Sử dụng khăn riêng: Để tránh lây nhiễm, hãy sử dụng khăn riêng và hạn chế chia sẻ đồ dùng cá nhân.
- Bảo vệ mắt khỏi bụi, nước bẩn, và hóa chất như dầu gội hoặc sữa tắm dính vào mắt.
- Ăn uống cân đối: Bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C từ các loại trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế tiếp xúc tại nơi công cộng: Đeo khẩu trang y tế đặc biệt trong mùa dịch, để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
- Nếu bạn đi bơi, hãy chọn bể bơi sạch và đảm bảo rửa mắt kỹ bằng dung dịch nước muối sinh lý sau khi bơi.
- Vệ sinh môi trường sống: Giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng đãng bằng cách mở cửa để thông gió. Môi trường sống sạch sẽ sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh truyền nhiễm cộng đồng.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách khắc phục việc gắn móng giả bị xanh móng
Phòng tránh lây nhiễm đối với người chăm sóc bệnh nhân
Đặc biệt đối với người nhà của bệnh nhân mắc đau mắt đỏ, nên tuân thủ các biện pháp sau để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa lây lan bệnh:
- Tuyệt đối không nên tự tiện sử dụng cùng thuốc với bệnh nhân hoặc thuốc khác mà không có hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi không có triệu chứng bệnh hoặc có một số triệu chứng mắt không rõ ràng.
- Thực hiện cách ly qua đường tiếp xúc để giảm nguy cơ lây lan bệnh. Điều này bao gồm việc đeo khẩu trang, thậm chí trong nhà và không nên ôm hôn người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh, đặc biệt trước và sau khi tiếp xúc với thuốc mắt hoặc làm bất kỳ việc nào liên quan đến mắt của người bệnh. Điều này giúp ngăn ngừa lây lan virus gây bệnh.
Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có những thông tin hữu ích về tình trạng đau mắt đỏ do virus gây ra. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan do đó cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Hãy tới gặp bác sĩ ngay khi có những biểu hiện sớm của tình trạng đau mắt đỏ để được kịp thời chữa trị.
Xem thêm:
- Đau mắt đỏ có được xem điện thoại không? Cần lưu ý gì khi bạn bị đau mắt đỏ?
- Nối mi xong mắt bị đỏ và đau khắc phục như thế nào?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm